Nam Sách trồng cây phủ xanh bãi rác

Môi trường - Ngày đăng : 15:26, 30/03/2023

Với việc trồng cây xanh, cây ăn quả trên các bãi rác cũ, người dân Nam Sách không chỉ có môi trường xanh - sạch mà còn có thể phát triển kinh tế gia đình.


Lãnh đạo huyện Nam Sách và nhân dân trồng cây tại bãi rác cũ ở xã Minh Tân

Đến nay, 56 bãi rác cũ đã đầy ở huyện Nam Sách bị xóa sổ bằng phương pháp san gạt, chôn lấp và trồng cây phủ xanh.

Quyết tâm làm

Huyện Nam Sách có 66 bãi rác, trong đó 56 bãi đã đầy, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường. Tháng 3.2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện, trong đó có nhiệm vụ xử lý các bãi rác đã đầy. Thực hiện nghị quyết trên, huyện tiến hành đóng cửa và san gạt, chôn lấp các bãi rác đầy. Sau nhiều tháng quyết liệt thực hiện, những bãi rác cũ đã dần biến mất, thay vào đó là những bãi đất bằng phẳng, cỏ cây tươi tốt, không khí trong lành.

Trước đây, xã Quốc Tuấn có 1 bãi rác tập trung rộng 6.000 m2, tập kết rác thải của cả 4 thôn. Bãi rác cứ đầy là lại được máy xúc san gạt hoặc vun đống lên cao để tăng sức chứa. Lúc cao điểm những đống rác ở đây cao tới 4 - 5 m, kéo theo mùi hôi thối nồng nặc, ruồi bọ bu đầy. 


Đoàn viên thanh niên xã Quốc Tuấn trồng cây trên khu đất từng là bãi rác tập trung rộng 6.000 m2 của xã

Thực hiện chỉ đạo của huyện, xã Quốc Tuấn quyết tâm xóa sổ bãi rác vốn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân nơi đây. Trao đổi về những vướng mắc gặp phải khi thực hiện, ông Nguyễn Bá Dũng, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết: "Với tổng diện tích 6.000 m2, trong đó khoảng 4.000 m2 chứa rác (trừ diện tích đường đi), việc xử lý bãi rác này rất khó khăn do khối lượng rác, diện tích quá lớn, khó tìm đủ đất cát để phủ mặt. Xã đã tích cực vận động xã hội hóa để có kinh phí thuê máy móc và tiến hành san gạt, chôn lấp trong hơn 2 tháng mới hoàn thành".

Đến cuối năm 2022, việc san gạt, chôn lấp bãi rác cũ hoàn thành. Mùa xuân này, xã Quốc Tuấn chia khoảng 300 cây keo do huyện cung cấp cho các đoàn thể trồng tại đây. Mỗi đoàn thể trồng và chịu trách nhiệm chăm sóc phần cây của mình. 

Ở xã An Sơn, việc xử lý và trồng cây xanh ở 5 bãi rác cũ rải rác ở các thôn cũng gặp nhiều khó khăn. Huy động các nguồn lực và tận dụng nguồn đất từ khu vực xung quanh, xã An Sơn đã san gạt, chôn lấp hết các bãi rác này, xây dựng một điểm trung chuyển rác vô cơ rộng khoảng 200 m2. Khi san gạt xong các bãi và xây dựng điểm trung chuyển, xã đã trồng hàng trăm cây phi lao bao quanh. Dịp Tết trồng cây năm nay, xã tiếp tục trồng thêm nhiều cây keo nhằm phủ xanh bãi rác cũ. 

Nâng niu quả ngọt thu từ bãi rác

Cầm trên tay buồng chuối tiêu hồng, ông Vũ Xuân Thiều ở thôn Quan Sơn, xã An Sơn càng nâng niu, trân trọng vì đây là những quả ngọt đầu tiên thu được nhờ việc canh tác trên khu đất vốn là bãi rác cũ của thôn. Ông Thiều trồng vườn chuối này từ năm 2022 và không cần chăm sóc nhiều vì đất tốt do rác cũ phân hủy bên dưới. Chuối càng ngày càng lớn, cây mẹ đẻ cây con và ra nhiều quả ngọt. "Tôi thấy xã san lấp được bãi rác này đất rộng mà đẹp quá, sợ để lâu bỏ hoang thì phí nên mang chuối ra trồng tạm. Giờ đây, vườn chuối này đã có hàng trăm cây. Chuối chín tôi chia cho hàng xóm và để ăn là chủ yếu, lúc nhiều quá tôi cũng bán được tiền", ông Thiều chia sẻ.


 Ông Vũ Xuân Thiều ở thôn Quan Sơn, xã An Sơn trồng chuối trên bãi rác cũ của thôn, đã cho quả ngọt

Việc phủ xanh bãi rác ở Nam Sách đã và đang cho thấy những hiệu quả rõ rệt, không chỉ cho quả ngọt mà còn tạo cảnh quan đẹp. Do đó, các xã đang tiếp tục thực hiện việc này. Năm nay, xã Minh Tân có kế hoạch trồng 1.000 cây, phần lớn trồng tại khu vực bãi rác tập trung sau khi san lấp, sân vận động, nghĩa trang nhân dân. Trên thực tế, tỷ lệ cây trồng đã vượt nhiều so với kế hoạch đề ra.  

Huyện Nam Sách hiện còn 10 bãi rác cũ nhưng thuộc diện chưa cần thiết san gạt, chôn lấp ngay vì chưa có nhiều rác. Huyện cũng đã xây dựng được 44 vị trí ô ủ rác hữu cơ, 21 điểm trung chuyển rác vô cơ để tập kết, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

PHONG TUYẾT