Phát huy lợi thế về đất đai, những năm qua phường Thất Hùng (Kinh Môn) đã đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong 5 năm, phường Thất Hùng đã xây dựng được khu chuyển đổi trồng cây ăn quả rộng 61,4 ha
Chỉ đạo kịp thời
Phường Thất Hùng có diện tích đất tự nhiên trên 745 ha, trong đó có 460 ha đất nông nghiệp. Dòng sông Kinh Thầy chảy qua các khu dân cư (KDC) Vũ Xá, Phượng Hoàng đã bồi đắp nên những đồng bãi màu mỡ. Từ năm 1990, người dân đã khai thác đất bãi để cấy lúa, nhưng do gần sông nên vào mùa mưa bão, khu vực này thường xuyên bị ngập lụt dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao. Từ đó, người dân chuyển sang trồng cây ăn quả song chỉ tự phát trên diện tích nhỏ, mỗi nhà trồng một loại cây khác nhau.
Trước thực trạng trên, Đại hội Đảng bộ xã Thất Hùng (nay là phường) lần thứ XXX nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa ra giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân bằng việc chuyển đổi diện tích triều trũng cấy lúa bấp bênh sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp, cho giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Trọng Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thất Hùng cho biết: "Sau khi có nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và triển khai tới người dân Vũ Xá và Phượng Hoàng, mọi người đều đồng thuận cao. Để công việc triển khai nhanh, thuận tiện, chúng tôi giao Hội Nông dân chịu trách nhiệm chính, các đơn vị còn lại phối hợp thực hiện".
Dưới sự hướng dẫn của Hội Nông dân, người dân tôn cao đất ở những vùng trũng, lập thành các vồng trồng cây. Hội khuyến khích nhân dân tập trung vào 2 loại chính là ổi và cam. Hằng năm, hội đều tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh... Qua đó, nông dân được trang bị thêm nhiều kiến thức điều chỉnh để cam, ổi ra hoa, kết trái đúng vụ, cho năng suất, chất lượng cao.
Để thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm, những năm qua bằng nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, phường Thất Hùng vận động nhân dân ở khu chuyển đổi đóng góp thêm kinh phí làm đường ra đồng. Đến nay, toàn bộ đường giao thông trong vùng chuyển đổi đã được trải bê tông. UBND thị xã Kinh Môn đầu tư kinh phí xây dựng 1 trạm biến áp công suất 250 kVA cho người dân khu chuyển đổi để thuận tiện trong sinh hoạt, sản xuất. Ngoài ra, được sự hỗ trợ kinh phí từ tỉnh, khu chuyển đổi cũng được xây dựng hệ thống tưới tự động.
Hiệu quả cao
Nhìn những cây cam trĩu quả, ông Trần Văn Thăng ở KDC Vũ Xá thấy rằng định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương là hoàn toàn đúng đắn. Trước đây, trên 1 ha đất, ông Thăng đã trồng rất nhiều loại cây từ vải đến ổi nhưng đều không cho hiệu quả như mong muốn. Từ năm 2015, ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cam và bưởi. "Năm 2018, cam bắt đầu bói quả, sản lượng chưa được nhiều nhưng tôi thấy chất lượng khá ổn. Sang năm 2019, gia đình tôi thu được 24 tấn cam, lãi 600 triệu đồng. So với những cây đã thử nghiệm trồng trước đây, tôi thấy cam, bưởi cho hiệu quả cao hơn hẳn", ông Thăng cho biết.
Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, đến nay phường Thất Hùng đã xây dựng được khu chuyển đổi rộng 61,4 ha, tập trung ở KDC Vũ Xá và Phượng Hoàng. Trong đó có 45 ha cam với các giống đường Canh, cam Vinh, còn lại là ổi lê, ổi Đài Loan. Một số diện tích còn được người dân trồng xen bưởi da xanh. Những năm qua do cam, ổi được giá nên thu nhập của bà con vùng chuyển đổi tăng đáng kể. Mỗi ha cam cho lãi từ 600-800 triệu đồng, ổi 400 triệu đồng.
Những năm trước đây ở Thất Hùng có tình trạng người nơi khác mang cam về trà trộn với cam Thất Hùng và bán tại địa phương làm mất uy tín sản phẩm. Năm 2019, Hội Nông dân phường đứng ra tổ chức điểm bán hàng cho người dân ngay tại cổng UBND phường, thu hút được 36 hộ trồng cam tham gia. Mỗi hộ có gian hàng trưng bày sản phẩm riêng và được treo số điện thoại để khách hàng tiện liên hệ. Việc này đã khắc phục được tình trạng khách hàng mua phải cam kém chất lượng.
THANH HÀ