Để vận động quần chúng nhân dân xây dựng đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò nêu gương trong mọi lúc, ở mọi nơi.
Theo Bác Hồ, "muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (Ảnh tư liệu)
Trong lời tựa cuốn sách “Đời sống mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa của việc tất yếu phải xây dựng đời sống mới: "Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc".
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong khi cả nước đang tập trung cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chủ trương kết hợp chặt chẽ xây dựng nền văn hoá nói chung, đời sống mới nói riêng với kháng chiến, kết hợp kháng chiến với kiến quốc. Vì vậy, không chỉ phát động phong trào xây dựng đời sống mới, ngày 3.4.1946, Người đã ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Trung ương vận động đời sống mới và ngày 20.3.1947, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Đời sống mới" để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào.
Theo Người, đó là một công việc quan trọng, “hợp thời lắm”, vì “chính trong lúc này càng phải thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Để mọi người dễ hiểu và làm đúng tinh thần của bốn chữ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn giải một cách ngắn ngọn, dễ hiểu, dễ nhớ về nghĩa của từng chữ, theo đó: “Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù… Cho nên phải Kiệm. Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính".
Cũng theo lời Người, đời sống mới bao gồm: Đời sống mới riêng cho từng người và đời sống mới cho cả cộng đồng, tập thể. Thiết thực và cụ thể, Người chỉ rõ một cách tỉ mỉ việc xây dựng đời sống mới ở trong một nhà, một làng, một trường học, trong bộ đội, trong công sở, trong xưởng máy. Thực hành đời sống mới là công việc của mọi người dân, bắt đầu từ cội nguồn là mỗi người, gia đình, làng xã, theo đó: Trong một nhà, về tinh thần, “phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái”; về vật chất, mọi việc đều phải “có kế hoạch, có ngăn nắp”…
Trong một làng xã, việc thực hiện đời sống mới, theo Người, cần phải làm những việc sau: Về văn hóa phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân. Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút sách, bợm bãi, trộm cắp… Trong một trường học, cốt nhất phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho các em có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ…
Trong bộ đội, phải thực hành kỷ luật cực kỳ nghiêm, siêng tập luyện, ai cũng biết chữ, biết chính trị ít nhiều, phải tăng gia sản xuất, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu… Trong các công sở, vì là những người đều có ít hoặc nhiều quyền hành, cho nên mỗi người phải giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính để tránh tình trạng “dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”… Trong một nhà máy, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chủ và thợ, cùng tiết kiệm để tăng năng xuất, để cùng hưởng lợi…
Để nhân dân nhận thức đúng và thực hành tốt đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc phải coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, mà trước hết là “phải tuyên truyền, giải thích và làm gương”. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên, tại mỗi nhà, mỗi làng, bộ đội, công xưởng… để “mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào”. Khi tuyên truyền phải thấm nhuần nguyên tắc tuyên truyền cho người ta dần dần hiểu, “để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta”. Trong quá trình tuyên truyền phải “hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”.
Để vận động quần chúng nhân dân xây dựng đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò nêu gương trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo; tự mình phải gương mẫu thực hiện. Theo Người: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, nên mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tinh thần tiền phong, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Theo Lao động thủ đô