Được quảng bá là phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam với dàn diễn viên “đẳng cấp về diễn xuất”, Phượng Khấu chưa đáp ứng được kỳ vọng của người xem.
Diễn viên Thành Lộc (vai vua Thiệu Trị) và Hồng Đào (vai Hiệu Nguyệt) trong phim. Phượng Khấu gồm 3 mùa, phát qua ứng dụng POPS. Mùa 1 gồm 8 tập, phát vào 20 giờ tối thứ năm hằng tuần từ ngày 5.3 Ảnh: POPs
Qua 3 tập đầu, Phượng Khấu gây ấn tượng về trang phục và đạo cụ nhưng có khuyết điểm ở những yếu tố chủ đạo như kịch bản, diễn xuất, lời thoại, âm thanh và kỹ xảo.
Thừa lời nói, thiếu hành động
Trong 3 tập đầu, Phượng Khấu giới thiệu dàn nhân vật khá đồ sộ và thời kỳ đầu của triều vua Thiệu Trị. Thiệu Trị (Thành Lộc đóng) lên ngôi sau khi vua cha Minh Mạng qua đời mà không có di chiếu.
Hậu quả là cuộc tranh giành quyền lực giữa Nhân Tuyên Thái hoàng Thái hậu (NSƯT Lê Thiện) và nhất giai hiền phi Ngô Thị Chính (Minh Trang).
Cùng lúc, ở thế hệ kế tiếp diễn ra cuộc tranh giành địa vị giữa các phi tần của Thiệu Trị gồm trắc cơ Phượng Nhậm (Hồng Vân) và nguyên cơ Hiệu Nguyệt (Hồng Đào) cùng thị cơ Võ Đoàn Viên (Tuyết Thu).
Mặc dù vậy, qua cả 3 tập, diễn biến Phượng Khấu chủ yếu được thể hiện qua lời thoại của nhân vật thay vì hành động hay các thủ pháp khác. Thậm chí những âm mưu tầm cỡ như giết người, phóng hỏa, đấu tranh phe cánh... cũng toàn được thể hiện bằng lời nói.
Trong cảnh hỏa hoạn - bước ngoặt tập 3, phản ứng của tất cả nhân vật là... chạy qua chạy lại. Không rõ lửa bùng lên như thế nào, chỉ thấy một mảnh vải bị đốt và rồi chuyển sang cảnh toàn bộ cung rực cháy.
Không một ai hành động để dập lửa. Không rõ vì sao cung nữ bế hoàng tử Hồng Thụ không thể chạy ra ngoài mà chấp nhận chết ngạt. Đoàn Viên muốn cứu con là hoàng tử Hồng Thụ nhưng chỉ biết kêu khóc. Cảnh quay quá hẹp, không thuyết phục được khán giả vì sao bà không cứu nổi con.
Đây là cách xử lý điển hình trong Phượng Khấu. Các hành động đều diễn ra qua... lời nói. Bối cảnh hạn chế khiến khán giả liên tưởng đến sân khấu kịch nói. Cách làm này tiết kiệm số lượng diễn viên và cảnh quay, nhưng thứ phải đánh đổi là sức thuyết phục và sự chân thực.
Những dẫn chứng trên cho thấy Phượng Khấu có cách thể hiện hời hợt, từ các diễn biến bình thường đến diễn biến quan trọng. Hậu quả là khán giả không thể có cảm xúc sâu sắc. Thay vì hoảng sợ, đau khổ hay căm phẫn cùng nhân vật, khán giả chỉ có cảm giác thoáng qua.
Diễn xuất đẳng cấp hay không phù hợp?
Diễn xuất được quảng bá là "đẳng cấp" của Phượng Khấu khi phim quy tụ dàn diễn viên kỳ cựu của... sân khấu kịch: Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Tuyết Thu, Minh Trang, Lê Thiện... Nhưng diễn xuất của phim và kịch nói không thể đánh đồng với nhau. Dàn diễn viên khá cứng tuổi cũng khiến phim thiếu sự tươi mới.
Sau 3 tập, lối diễn thiên kịch, nhả thoại quá chậm, nhấn trọng âm nhiều và ngắt một câu thành nhiều vế khiến khán giả mệt mỏi. Lối nhả thoại này cũng khiến mạch phim bị kéo chậm, lê thê ở những tình tiết có thể xử lý nhanh hơn.
Các cảnh bàn âm mưu hoặc trò chuyện giữa các nhân vật đều được lồng nhạc đệm kịch tính sau từng pha nhả chữ, tạo không khí gay cấn không cần thiết.
Thái hoàng Thái hậu là một trong những vai được yêu thích nhất vì lối diễn của NSƯT Lê Thiện thú vị, nhưng bà đang lặp lại mình qua nhiều vai diễn: liếc xéo, nhếch môi, lối nói giễu cợt. Còn vai Phương Nhậm của nghệ sĩ Hồng Vân mang nét diễn cay nghiệt, "cà khịa" từ tập này sang tập khác.
Nguyên cơ Hiệu Nguyệt của Hồng Đào được giới thiệu là nhân vật chính (thái hậu Từ Dụ sau này) nhưng mờ nhạt qua 3 tập phim đầu. Chiếm nhiều thời lượng hơn là hai nhân vật phản diện Phương Nhậm (Hồng Vân) và Ngô Thị Chính (Minh Trang).
"Sau 3 tập, ngay cả những người ủng hộ Phượng Khấu cũng đang mất kiên nhẫn. Điểm yếu lớn nhất là diễn xuất lẫn lộn giữa các trường phái: phim không ra phim, kịch không ra kịch.
Mặc dù vậy, tôi vẫn tiếp tục theo dõi để ủng hộ phim cổ trang Việt Nam. Hi vọng các tập sau sẽ tiến bộ hơn" - ý kiến của khán giả, nhà báo Thái Ca đang nhận được nhiều sự đồng tình.
Theo Tuổi trẻ