Phương án cải tạo môi trường kênh T2 có khả thi?

25/04/2020 07:05

Phương án cải tạo môi trường kênh T2 mà TP Hải Dương đang triển khai khó đạt hiệu quả như mong muốn khi nước thải sản xuất và sinh hoạt chưa được xử lý vẫn xả thẳng vào kênh.

Đơn vị tư vấn đã lắp đặt một số bè thủy sinh góp phần xử lý ô nhiễm nước kênh T2 

Từ đầu tháng 4, UBND TP Hải Dương triển khai phương án cải thiện môi trường nước và cảnh quan kênh T2 (đoạn từ ngã tư Máy Sứ đến đường Trường Chinh). Phương án này liệu có khả thi khi nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm của kênh T2 không được giải quyết triệt để.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Kênh T2 làm nhiệm vụ thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt của các phường Cẩm Thượng, Bình Hàn, Thanh Bình, Phạm Ngũ Lão, Tân Bình và Lê Thanh Nghị. Nhiều năm nay, kênh T2 tiếp nhận nước thải trực tiếp chưa qua xử lý của các khu dân cư, chợ dân sinh và một số doanh nghiệp thuộc các cụm công nghiệp Cẩm Thượng, tây Ngô Quyền nên bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước ở kênh này luôn có màu đen, mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân hai bên. Đặc biệt, đoạn từ ngã tư Máy Sứ đến đường Trường Chinh nối thông với hồ trạm bơm Bình Lâu là đoạn ô nhiễm nhất với lớp bùn dày đặc, nước màu đen, mùi rất hôi thối, nhiều ruồi muỗi. 

Hồ trạm bơm Bình Lâu chứa nước chảy trực tiếp từ kênh T2. Kết quả quan trắc hiện trạng môi trường do Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thực hiện những năm qua cho thấy nhiều thông số chất lượng nước đã vượt quá quy chuẩn Việt Nam (QCVN08-BTNMT). Các chỉ số COD (nhu cầu ô xy hóa học), BOD 5 (nhu cầu ô xy sinh học) TSS (tổng chất rắn lơ lửng trong nước), TN (ni tơ trong nước thải), Coliform… đều không bảo đảm, vượt vài chục lần so với quy chuẩn. Thậm chí, hàm lượng ô xy hòa tan trong nước (DO) hầu như không có, chứng tỏ nước tại tuyến kênh này đang ở mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, hệ sinh thái trong hồ trạm bơm bị phá hủy hoàn toàn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn một người dân sống ở phố Lê Thanh Nghị, ngay sát kênh T2 than thở: “Sống gần kênh T2 thực sự là một cực hình đối với chúng tôi. Những ngày nắng nóng, nước dưới kênh bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi bay đầy nhà. Chúng tôi thực sự mệt mỏi vì tình trạng này diễn ra nhiều năm rồi nhưng vẫn không được giải quyết triệt để”.

Tập trung cải thiện

Sau khi nghiên cứu một số công nghệ xử lý đã thực hiện trong nước, UBND TP Hải Dương đề xuất phương án giúp giảm mức độ ô nhiễm, giảm mùi hôi thối, cải thiện môi trường nước trên đoạn kênh này như vệ sinh làm sạch rác thải dưới lòng kênh và hai bên bờ. Sử dụng một số hóa chất làm giảm nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải. Sử dụng chế phẩm sinh học để tăng khả năng phân hủy chất thải trong nước và trong bùn cặn, làm mất mùi hôi thối, giảm mức độ ô nhiễm. Đơn vị tư vấn lắp đặt các bè thủy sinh để tăng khả năng hấp thụ và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong nước, tạo cảnh quan môi trường cho mặt nước. Cây được chọn trồng trên bè thủy sinh là loại vừa có khả năng xử lý ô nhiễm, tạo hệ sinh thái đa dạng, vừa tạo cảnh quan, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Sau khi phân tích ưu điểm, nhược điểm của một số loại cây, đơn vị tư vấn quyết định chọn thủy trúc để trồng trên bè vì cây này không phát tán bằng hạt nên có thể kiểm soát được mật độ phát triển. Cây có bộ rễ chùm phát triển thuận lợi trong môi trường nước, có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm. Theo tính toán, đoạn kênh T2 đoạn từ ngã tư Máy Sứ đến đường Trường Chinh đặt 28 bè, được bố trí đều khắp bề mặt kênh. Việc lựa chọn chế phẩm sinh học cũng được cân nhắc kỹ càng, dễ sử dụng, phân hủy nhanh chất thải hữu cơ có trong môi trường nước, giảm phát sinh mùi hôi thối, ức chế sự sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật gây hại. Ngoài ra, hồ trạm bơm Bình Lâu cũng được xử lý bằng hỗn hợp dung dịch ô xy hóa, xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm sinh học và lắp đặt 8 bè thủy sinh. Sau khi xử lý, nước kênh sẽ được quan trắc thường xuyên để kiểm soát mức độ ô nhiễm và bổ sung chế phẩm sinh học theo yêu cầu thực tế.


Do phương án cải thiện môi trường kênh T2 mới được triển khai từ đầu tháng 4 nên lúc này chưa thể đánh giá hiệu quả của dự án. Dù vậy, nguyên nhân chính làm cho tuyến kênh T2 ô nhiễm nghiêm trọng thời gian qua là nước thải sản xuất và sinh hoạt vẫn chưa được xử lý trước khi xả vào kênh. Một đoạn kênh dài khoảng 1 km nhưng có tới 9 điểm xả nước thải với lưu lượng hàng trăm m3 mỗi ngày. Việc xử lý nước kênh bằng chế phẩm sinh học, lắp đặt bè thủy sinh chỉ giải quyết được phần nổi của vấn đề. Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm, TP Hải Dương cần sớm xây dựng hệ thống tách nước thải sinh hoạt, sản xuất để xử lý trước khi xả vào kênh. Nếu nước thải sinh hoạt, sản xuất không được xử lý trước khi đổ vào kênh thì mọi biện pháp đã triển khai đều không đạt hiệu quả như mong đợi. 

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phương án cải tạo môi trường kênh T2 có khả thi?