San lấp mặt bằng nhà máy nhiệt điện nhưng không bố trí hệ thống tiêu thoát nước đã gây ra tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài tại 2 thôn của xã Phúc Thành...
Cánh đồng gốc Si - bãi Mẫu của thôn Lôi Động vẫn ngập chìm trong nước
Mặc dù đang là mùa khô, nhưng hàng chục ha ruộng của người dân các thôn Lâu Động, Thái Mông của xã Phúc Thành (Kinh Môn) vẫn ngập chìm trong nước do ảnh hưởng của việc san lấp mặt bằng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương.
Ruộng bỏ khôngĐang là mùa khô, mùa cày ải, nhưng trên cánh đồng ở các thôn Lâu Động, Thái Mông của xã Phúc Thành (Kinh Môn) vẫn ngập trắng nước. Ruộng vườn không còn được bao phủ bởi màu xanh của hành, tỏi như những năm trước. Một người dân đang hí húi vớt rau muống trên cánh đồng gốc Si - bãi Mẫu của thôn Lôi Động than thở: "Hai năm nay nước ngập liên tục nên việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Nước từ trên núi dồn xuống không lối thoát làm cho cánh đồng màu mỡ của chúng tôi không khác gì ao nuôi cá. 2 năm qua, chúng tôi mất 4 vụ lúa và 2 vụ hành, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Nước ngập như thế này không biết vụ chiêm xuân tới có cấy được nữa không". Cùng cảnh ngộ, anh Vũ Văn Bắc ở thôn Thái Mông ngậm ngùi: "3 sào ruộng và 3 sào ao của tôi mấy năm nay cũng không thể canh tác, nuôi thả gì được. Ruộng thì biến thành ao, còn ao thì trở thành nơi chứa nước thải ở các nơi dồn về. Mấy năm trước, 3 sào hành vụ đông cũng đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Nhưng từ năm 2012 đến nay, đến cây lúa cũng không thể lên nổi nói gì đến trồng hành. Tôi đành để mặc ruộng thành nơi thả vịt. Mong chính quyền xã xử lý ngay tình trạng ngập úng này để vụ chiêm xuân tới chúng tôi có thể canh tác".
Đồng chí Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết, từ năm 2012 đến nay, gần 30 ha ruộng của các thôn Lâu Động, Thái Mông gần như không thể canh tác được. Trước đây, mỗi năm ngoài 2 vụ lúa, người dân còn làm thêm 1 vụ đông, chủ yếu là cây hành, tỏi và một số loại cây trồng khác. Nhưng từ khi đơn vị thi công tiến hành san lấp mặt bằng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, hệ thống kênh mương thủy lợi bị phá hủy. Toàn bộ nước mưa, nước thải đều chảy vào hệ thống kênh tiêu ra sông Phùng Khắc. Hiện tại, hệ thống kênh tiêu này đã bị san lấp. Bên cạnh đó, sông Phùng Khắc cũng đã bị người dân chặn lại để nuôi thủy sản. Vì vậy, nước mưa, nước thải không thể tiêu thoát kịp. Thời điểm này, nếu như các nơi khác chuẩn bị thu hoạch hành, tỏi thì diện tích này vẫn ngập trong nước. Chúng tôi đang lo vụ chiêm xuân tới cũng không thể cấy được vì nước vẫn ngập rất sâu.
Ông Phạm Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đông Hải, đơn vị nhận thi công san lấp mặt bằng dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương cho biết, công ty ký hợp đồng với chủ đầu tư nhận thi công san lấp mặt bằng dự án. Hiện tại, công việc san lấp đã cơ bản hoàn thành. Quá trình san lấp mặt bằng khiến hệ thống thủy lợi bị phá vỡ gây khó khăn cho công tác tiêu úng, hoạt động sản xuất của nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Đáng lẽ trong quá trình chờ xây dựng hệ thống thủy lợi mới, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm tiêu thoát úng cho diện tích canh tác. Tuy nhiên, đến nay hệ thống thủy lợi mới vẫn chưa được xây dựng. Vừa qua, Công ty TNHH Đông Hải đã phải hỗ trợ UBND xã Phúc Thành kinh phí vận hành máy bơm để bơm tiêu úng, phục vụ sản xuất của người dân.
Khẩn trương khắc phụcĐược biết, mùa mưa 2013, UBND xã Phúc Thành đã tổ chức khai thông dòng chảy, thuê máy bơm để bơm tiêu úng cho diện tích này. Hỗ trợ chính quyền địa phương, Công ty TNHH Đông Hải cũng hỗ trợ 100 triệu đồng tiền dầu để UBND xã duy trì hoạt động của máy bơm. Tuy nhiên, việc tiêu thoát nước vẫn không đạt kết quả.
Đồng chí Lương Văn Huân cho biết, trước mắt, xã đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để tiếp tục vận hành máy bơm tiêu úng giúp người dân có thể canh tác vụ chiêm xuân tới. Về lâu dài, cần khai thông kênh Phùng Khắc, bởi đây là tuyến kênh chính đảm nhiệm việc tiêu thoát cho toàn bộ diện tích phía bắc máng cấp 1, trong đó có diện tích của các thôn Lâu Động, Thái Mông, xây dựng một tuyến kênh tiêu nối kênh Phùng Khắc với Kênh Than để dẫn nước ra trạm bơm Đồng Quan Bến.
Sáng 8 - 1, có mặt tại xã Phúc Thành, chúng tôi đã thấy các cán bộ của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang tiến hành khảo sát, đo đạc thu thập số liệu về tuyến kênh Phùng Khắc làm căn cứ lập dự án nạo vét trong thời gian sớm nhất. Theo một cán bộ trong đoàn khảo sát, sớm nhất phải đến sau Tết Giáp Ngọ cơ quan chuyên môn mới có thể tổ chức thi công nạo vét tuyến kênh này.
Chính quyền và người dân xã Phúc Thành mong muốn các cơ quan chuyên môn cần tập trung đẩy nhanh tiến độ lập và thực hiện dự án để nhanh chóng giải quyết tình trạng ngập úng kéo dài, bảo đảm hoạt động sản xuất bình thường của người dân.
VỊ THỦY