Phục hồi nhân phẩm

31/03/2013 09:15



Hắn là người cuối cùng được ông giám thị trại giam tiếp. Thay mặt ban giám thị, ông đọc quyết định của Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn đối với phạm nhân Nguyễn Văn Hải vì có thành tích cải tạo tốt. Đọc xong, ông trao quyết định cho hắn. Hắn lặng người. Niềm vui đến với hắn sớm hơn hắn tưởng rất nhiều. Ông giám thị nhìn hắn, thở dài. Không ai có thể ngờ nổi một chàng trai vạm vỡ, cao lớn, có học và đẹp trai nữa, lại có thể trở thành một tên trùm đạo tặc khét tiếng trong giới giang hồ. Năm nay hắn vừa tròn ba mươi tuổi. Nếu như thằng con trai ông không may mất sớm vì một căn bệnh hiểm nghèo thì có lẽ nó cũng bằng tuổi hắn. Ôi, bọn trẻ hôm nay chẳng biết chúng chứa những gì trong đầu mà coi rẻ cuộc đời mình đến thế? Bất giác trong lòng ông trào lên một nỗi chua xót khiến ông nghẹn lời. “Kể từ giờ phút này anh được trở lại là người công dân tự do. Chúc anh về quê mạnh khỏe, phấn đấu tốt, làm nhiều việc có ích cho mình, cho mọi người” - Tiếng ông giám thị ngàn ngạt. Hắn quỳ sụp xuống chân ông giám thị, nước mắt giàn giụa: “Con nguyện suốt đời nghe theo lời bác dạy bảo”. Hình như trong thế gian này ngoài mẹ hắn ra chỉ còn có ông giám thị là người hiểu được hắn và cũng là người mà hắn kính trọng để chia sẻ mọi ý nghĩ thầm kín nhất. Hắn nói với ông giám thị rất nhiều, lủng củng và xáo trộn. Nhưng rồi ông giám thị cũng dần hiểu ra. Hắn xin ông cho hắn được ở lại trại giam, làm bất cứ việc gì. Ông giám thị ngạc nhiên nhìn hắn như muốn hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra vậy hả con trai?”. Ông từng làm công tác coi giữ phạm nhân ba mươi năm nhưng chưa hề có ai muốn nằm mãi trong trại giam cả. Hiểu cái nhìn của ông, hắn kể cho ông giám thị nghe mọi chuyện đang xảy ra giữa các băng nhóm giang hồ trong thành phố. Dù chưa ra ngoài xã hội lấy một giây nhưng hắn biết rõ cái gì đang xảy ra ngoài đó. Băng của hắn đang vui mừng chờ đón hắn ra tù. Lại có băng nhóm tỏ ra lo âu khó tả. Rồi đây, khi hắn về thì mọi ân oán sẽ được trả hết, kẻ gây nên phải lãnh đủ, lãnh không thiếu một li một lai nào. Thời buổi bây giờ có phải cứ võ nghệ giỏi giang là được làm thầy đâu. Chúng biết sức mạnh của đồng tiền là vô tiền khoáng hậu, khó lường. Cứ thế, hắn kể những điều hắn đã biết đã nghe. Hắn sợ những ngày sắp tới. Rồi hắn sẽ sống ra sao, thu xếp thế nào với mọi mối quan hệ. Liệu hắn có đủ nghị lực vững vàng đi tiếp con đường hoàn lương hay ngay lập tức lại rơi tõm vào vực thẳm tội lỗi đang rải thảm chờ đón? Ông giám thị nghe xong, vỗ vỗ lên vai hắn: “Con cứ yên tâm về với mẹ. Bác tin ở con. Khi nào thấy lòng mình khủng hoảng, bối rối, con cứ lên đây. Bác cháu ta sẽ cùng nhau giải quyết”.

...Mười tám tuổi, không thi đại học, hắn lao vào cuộc sống thường ngày. Hóa ra đời người ngoài chuyện học hành cũng còn vô khối thứ phải làm, phải lo lắng. Hắn thương mẹ, thương hai đứa em còn đang theo học. Bố hắn mất sớm để lại trên đôi vai gầy yếu của bà gánh nặng áo cơm của bốn mẹ con. Nhà hắn nằm trong một cái ngõ hẻm dài hun hút, chật hẹp như cái hang chuột. Thiếu gió trời, thiếu cơm ăn nhưng lại thừa thãi mọi tệ nạn xã hội. Nguyện ước duy nhất của mẹ hắn là làm sao đủ tiền lợp lại cái mái nhà dột nát để khi nắng khi mưa không còn phải lo lắng, cho đàn con được ngủ ngon giấc. Ấy thế mà nhiều năm trôi qua, nguyện ước của mẹ hắn vẫn bỏ ngỏ. Không thể để mẹ phải vất vả thêm ngày nào nữa, hắn lao vào cuộc mưu sinh. Hắn làm đủ mọi nghề có thể làm được, từ phụ hồ cho mấy ông cai xây dựng, bốc vác đến rửa bát bưng bê, phụ xe cho bác tài chạy xe đường dài Bắc Nam. Tuy vất vả nhưng hắn cũng giúp mẹ, giúp các em được ít nhiều. Sau hai năm bạc mặt với nhiều nghề, điều hắn nhận ra những người làm ăn chân chất lại là những người nghèo khổ nhất. Những kẻ dối trá, lừa lọc cứ giàu nhanh đến chóng mặt. Mái nhà bốn mẹ con hắn ở về đêm vẫn đầy ánh sao trời lọt xuống. Hắn quyết chí đi tìm cuộc sống khác.

Sau vài năm phiêu dạt sang Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, hắn trở lại thành phố với cái đầu ngẩng cao. Giới xã hội đen xôn xao, hoảng loạn với cái tin động trời: Có một “thầy phù thủy” mở được tất cả các loại khóa hiện đại nhất trên thế giới, hiện đã có mặt tại thành phố. Hắn nhanh chóng trở thành “ông lớn” trong giới giang hồ. Không ai biết thầy dạy của hắn tên gì. Hắn học nghề ở đâu, vào thời gian nào. Chỉ biết các thợ chữa khóa nổi tiếng bậc thầy của thành phố như Thọ khóa, Hảo cụt, Minh nhòe, Mai lé phải cúi đầu bái phục. Mặc dù chẳng biết hắn tên là gì, mặt mũi ra sao, và ở đâu. Họ ước ao một ngày nào đó được diện kiến để tôn hắn làm “sư phụ”. Với mảnh tre nhỏ mỏng manh, hoặc cái cặp ba lá của phụ nữ, thậm chí chỉ cần một mẩu dây thép nhỏ xíu trong tay, hắn vuốt nhẹ là cái khóa bật mở, còn nhanh hơn cả chủ nhân cầm chìa khóa. Điều lạ hơn là ổ khóa hoàn toàn còn nguyên vẹn, vẫn dùng được bình thường. Những cuộc “nhập nha” (đột nhập vào nhà) “đập hộp” (mở két bạc) xảy ra liên tiếp trong thành phố. Nhiều nhà giàu có máu mặt, nhiều ngân hàng hoang mang. Cảnh sát bối rối. Nhóm của hắn đến và đi không để lại dấu vết. Cứ như có phép lạ. Sự khôn ngoan, láu lỉnh đã giúp hắn qua mặt tất thảy. Không bao giờ hắn cho phép lũ tay chân được lấy đồ vật. Theo hắn đó là bằng chứng tội phạm không thể che giấu được. Vật càng quý, càng độc đáo bao nhiêu càng dễ bị phát hiện nhanh bấy nhiêu. Chỉ có “đồ ăn chín” như tiền, vàng là dễ tiêu thụ và kín đáo nhất. Vì cái khóa vẫn còn nguyên vẹn nên mọi hướng nghi ngờ của cơ quan chức năng đều hướng vào những ai cầm giữ chìa khóa hoặc thân cận với họ. Như một con nghiện, hắn lao vào các phi vụ một cách điên dại, như để trả thù những ngày gian nan và cơ cực. Hắn quên hết mọi thứ trên đời, trừ đồng tiền. Thế nhưng ngần bấy năm lăn lộn, mái nhà hắn về đêm vẫn đầy ánh sao trời lọt xuống. Có thể hắn quên nghĩa vụ làm con, làm anh. Nhưng cũng có thể hình như người mẹ đã nghi ngờ những nắm bạc hắn cầm về. Bà không nhận với lời lẽ ôn tồn: “Con hãy giữ gìn để sau này có điều kiện học tiếp. Mẹ đủ sức lo cho các con”. Đêm đêm, sau khi rời bỏ lũ đệ tử trác táng, phóng túng, rời bỏ cuộc nhậu nhẹt thả dàn và cả những vết son lem luốc, chuỗi cười cầu tài của lũ “ca-ve”, hắn lại trở về ngôi nhà dột nát trong ngõ hẻm. Mẹ hắn bao giờ cũng thức chờ hắn. Độ này bà gầy và xanh quá. Hắn tự hứa ngày mai sẽ mua cho mẹ vài thang thuốc bổ. “Sao con về muộn thế?”. Giọng mẹ hắn dường như trách móc mà vẫn dịu dàng đến khó chịu. Hắn thoáng ân hận. Cũng như những lần tự hứa mua thuốc bổ cho mẹ. Sáng hôm sau, khi ngồi lên chiếc xe máy phân khối lớn lao nhanh như điên như dại trên đường phố là hắn lại quên sạch nhẵn. Hắn như kẻ ăn mặn, càng uống càng khát.

Điều gì đến ắt phải đến, hắn bị bắt quả tang cùng đồng bọn khi đang “đập hộp” một ngân hàng tư nhân. Hắn “cõng” cái án mười hai năm tù giam cho tội lỗi của mình. Đó cũng là “cái kết có hậu" cho cuộc đời của hắn...

Trở về với tư cách một công dân tự do, hắn chạy trốn mọi lời mời mọc của lũ bạn giang hồ. Người trong ngõ ban đầu còn ngờ vực. Sau thấy hắn sống bình thường như tất cả công dân nên cũng quen mắt. Đã có những nụ cười, lời chào với hắn. Nhưng với hắn lại chẳng bình thường chút nào. Công việc kiếm sống thật gian nan cực nhọc quá. Không cơ quan nào nhận một kẻ có dĩ vãng tội lỗi như hắn. Có lúc tưởng như hắn không thể đứng vững trước sự cám dỗ của vật chất. Hắn chỉ cần gật đầu một cái, hoặc nửa cái thôi, lập tức tiền vàng lại lao vào túi, lại phè phỡn, lại xênh xang, lại vô khối kẻ vị nể, tôn kính. Lũ “thần dân” lại quỳ xuống dưới chân hắn mà tung hô, mà công kênh hắn như một vị lãnh chúa đầy quyền uy. Những lúc ấy hắn viết thư cho ông giám thị trại giam. Gửi thư xong, tự nhiên hắn thấy lòng mình thanh thản lạ thường. Hắn quyết tâm trở lại làm người theo đúng nghĩa.

Chiều nay trời nắng và nóng quá. Bầu trời cao vời vợi không một gợn mây. Gió tây hầm hập. Hắn mệt mỏi nên nghỉ một buổi đi làm. Hình như định mệnh vẫn không muốn buông tha hắn. Hoặc muốn thử thách sự hoàn lương của hắn. Đang thiu thiu ngủ, chợt hắn nghe rõ tiếng ai đó kêu thất thanh: “Cháy nhà ông Quyền rồi, bà con ơi!”. Hắn vùng dậy, lao vội ra khỏi nhà. Ngõ chật ních, toàn người là người. Tất cả đang lao xao tìm cách xông vào dập lửa. Ông Quyền, giám đốc một công ty sản xuất đá quý và bà vợ đi làm cả. Cổng và cửa nhà được khóa bằng những cái khóa to tướng nhập ngoại, có bao sắt bảo vệ chống cắt. Hắn thở dài định quay về. Hắn nhớ hôm đầu tiên từ trại giam trở về. Lúc đi qua nhà ông Quyền, hắn nghe ông ta bảo bà vợ: “Từ nay nhà ta phải cẩn thận. Không thể lơ mơ với thằng này được đâu”. Người vợ ông ta nói: “Tôi nghe nói nó được đặc cách tha vì có thành tích đặc biệt trong lao động cải tạo cơ mà?”. Tiếng ông Quyền đanh lại: “Bà ngây thơ lắm, đã một lần ăn cắp thì cả đời vẫn cứ là thằng ăn cắp”. Hắn hiểu ông Quyền đang ám chỉ hắn. Lòng hắn sôi lên. Hắn muốn quay lại vả ngay vào cái miệng dẩu lên kia. Nhưng rồi điều hắn chợt nghĩ xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Luật đời có vay có trả. Hắn đang phải trả nợ những tội lỗi của hắn trước đây từng gây bao đau khổ cho người khác. Hắn len lỏi trong đám đông tìm lối về. Cháy nhà ông Quyền không phải do hắn gây nên. Dĩ nhiên hắn không phải chịu trách nhiệm. Nhiệt huyết chữa cháy của mọi người có thừa. Nhưng những cái khóa hiện đại vô tình đã là vật cản. Tiếng ai đó bật lên: “Chẳng lẽ chúng ta cứ đứng nhìn lửa cháy sao?”. Người khác trả lời: “Biết làm sao bây giờ, chỉ độc phá hai cái khóa kia cũng mất đến nửa ngày rồi. Đúng là hiện đại thì hại... tiền”. Hắn bỏ mặc tất cả, chậm rãi đi. Bỗng hắn nghe trong tiếng lửa réo ù ù có tiếng trẻ kêu: “Cứu cháu với, các bác ơi!”. Thôi chết! Trong nhà ông Quyền còn hai đứa con nhỏ đang bị nhốt. Ông ta thường nhốt con như thế mỗi buổi đi làm. Mọi người đứng ngoài càng lúng túng hoảng sợ. Đã có tiếng phá khóa chan chát trong tuyệt vọng. Tiếng lửa cháy phần phật. Ngọn lửa bốc cao ngạo nghễ, thách thức. Lẫn trong tiếng lửa là tiếng kêu thét đầy tuyệt vọng của hai đứa trẻ. Cái khóa vẫn bền chặt một cách lỳ lợm. Đã có những ánh mắt nhìn hắn như đòi hỏi, như cầu xin. Lòng hắn thắt lại, mặt tái đi. Hắn không muốn làm bất cứ việc gì nhắc lại “nghề” cũ. Hắn quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ tội ác. Nhưng đây không phải là tội ác, không phải là quá khứ xấu xa, mà là hai đứa trẻ bằng xương bằng thịt. Không thể để chúng bị thiêu cháy dưới ngọn lửa hung tàn, dù hắn có lúc không bằng lòng với thái độ kỳ thị của ông Quyền. Ông trưởng khu thì thầm vào tai hắn: “Nếu quả thật con có tài mở khóa thì lúc này nên vận dụng tài năng ấy. Hãy mở lòng mình, con ạ”. Hắn khẽ “Vâng” một tiếng rồi rẽ đám người đang hì hục phá khóa cổng. Không ai nhìn thấy hắn làm thế nào mở được khóa cổng. Quá sức tưởng tượng của mọi người. Họ chỉ nghe thấy “tách” nhẹ một tiếng, cánh cổng được mở tung. Rồi chiếc khóa ở cửa cũng cùng chung số phận dưới bàn tay “phù thủy” của hắn. Công việc chữa cháy quá đơn giản với số đông người đang tràn đầy nhiệt huyết. Hắn thanh thản nhận lời cảm ơn vội vã của mọi người.

Sáng hôm sau, hắn thong thả dắt chiếc xe đạp cà khổ ra khỏi nhà để đi làm. Đột nhiên hắn sững lại như trời trồng ngay giữa ngõ. Hắn mở to đôi mắt nhìn trừng trừng. Hắn nghĩ mình bị hoa mắt nhìn gà hóa cuốc. Hắn dụi mắt nhìn lại lần nữa. Không. Hắn không nhầm. Lòng hắn cuộn lên niềm chua xót. Hắn giận đời. Hắn giận mình. Ánh sáng vừa lóe lên trước mặt như dìu hắn, như vực hắn đứng lên, như vẫy gọi hắn bước những bước làm người đích thực. Giờ đây tất cả vội vã tắt ngấm, đẩy hắn trở về với màn đêm tội lỗi. Hắn vội lao vào trong nhà, gục xuống giường nức nở trước những đôi mắt ngạc nhiên của lũ em nhỏ. Bà mẹ bước ra ngõ. Bà nhìn quanh. Bà chợt hiểu. Tất cả cổng ngõ của mọi nhà hôm nay được khoác thêm một cái khóa thứ hai. Bà quay vào nhìn hắn. Hắn vật vã đau đớn đến tuyệt vọng. Hắn thấy việc hoàn lương của mình trở nên vô nghĩa. Người ta chỉ ham sống khi cuộc sống có ý nghĩa. Còn hắn, hắn sống để làm gì khi con thuyền không còn bến bờ nào neo đậu? Bà mẹ lập cập vực hắn dậy. Bà ôm lấy cái đầu bù xù như tổ quạ của hắn ấp vào bộ ngực lép kẹp của mình. Bà thủ thỉ: “Con không được đầu hàng, không được nản chí. Hãy dũng cảm đứng lên từ ngay chỗ mình vừa ngã. Đừng sợ. Mẹ tin ở con trai của mẹ. Rồi mọi người sẽ hiểu”. Hắn lại nhớ tới lời ông giám thị trại giam. Sao ông nói giống mẹ hắn thế: “Phải qua lửa mới biết vàng thật hay vàng giả, con trai ạ!”.     

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi nhân phẩm