Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế nước ta gặp khó khăn và cơ hội khởi nghiệp của nhiều người, trong đó có phụ nữ gặp không ít trở ngại.
Gần đây khi cả nước thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế đã bước đầu được cải thiện, phụ nữ cũng có môi trường tốt hơn để tìm cơ hội lập nghiệp.
Trước đây quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” đã trở thành rào cản khiến phụ nữ không đủ mạnh dạn, tự tin lập nghiệp, làm chủ doanh nghiệp. Họ phải chăm lo, vun vén cho cuộc sống gia đình mà không dám thể hiện bản thân, khẳng định tài năng ở những lĩnh vực mà mình đam mê. Ngày nay, xã hội hiện đại, cơ hội khởi nghiệp, kinh doanh chia đều cho hai phái. Bằng chứng là thời gian qua, ở Hải Dương đã có không ít những "bóng hồng" làm chủ doanh nghiệp. Họ dám dấn thân, xây dựng doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ, thương mại. Họ có cơ hội được giao lưu, học tập, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, từ đó trao cơ hội, truyền lửa khởi nghiệp cho nhiều chị em khác.
Khởi nghiệp vốn không dễ dàng, nhất là với phụ nữ bởi họ phải gánh trên vai hai trọng trách gia đình và công việc. Sự mất cân bằng sẽ khiến nhiều phụ nữ thiệt thòi. Vì thế, hơn bao giờ hết để phụ nữ tự tin khởi nghiệp, khẳng định bản thân thì sự hậu thuẫn của các thành viên trong gia đình rất quan trọng. Đó là sự thấu hiểu, sẻ chia, động viên kịp thời để họ vượt qua khó khăn, thử thách làm điều mình yêu thích.
Sau gia đình, sự hỗ trợ của các ngành chức năng cũng rất cần thiết để ươm mầm khởi nghiệp cho phụ nữ. Những năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ chị em khởi nghiệp, khẳng định vị thế của mình. Hội đã tổ chức Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo" tạo sân chơi để phụ nữ có cơ hội lập nghiệp. Từ đây nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã hình thành và nhiều chị em khởi nghiệp thành công như mô hình sản xuất nông sản an toàn của chị Lương Thị Cúc ở xã Liên Mạc (Thanh Hà); dự án sản xuất bún, bánh đa cá rô đồng của chị Hoàng Thị Khánh (TP Hải Dương)... Cùng với đó, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hưởng ứng mang lại hiệu quả như “Phụ nữ khởi đầu mới”, “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ”. Hội cũng đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, tín chấp cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Đây là động lực lớn để phụ nữ Hải Dương tự tin khởi nghiệp.
Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay phụ nữ không cô đơn trên con đường lập nghiệp. Môi trường xã hội đã thay đổi. Song để khởi nghiệp thành công, ngoài sự hỗ trợ của người thân, gia đình, Nhà nước thì bản lĩnh của người phụ nữ cần được khẳng định. Phụ nữ cần sớm trang bị cho mình nguồn tri thức vững chắc để khởi nghiệp. Ngoài vốn đầu tư thì kiến thức quản trị doanh nghiệp, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh, điều hành cũng hết sức quan trọng. Vì vậy, phụ nữ nên dành thời gian thích hợp để học tập, nâng cao kiến thức trước khi bắt đầu thực hiện ý tưởng khởi nghiệp.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 nêu rõ mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Để đạt mục tiêu trên, ngay thời điểm này cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của chị em. Sự hỗ trợ thích đáng của Nhà nước, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương là chìa khóa quan trọng để trao cơ hội khởi nghiệp cho phụ nữ, giúp họ tự tin khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
BẢO ANH