Phụ nữ sau ly hôn - Vất vả trăm bề

10/01/2015 03:59

Hôn nhân đổ vỡ gây ra tổn thương cho người trong cuộc nhưng người chịu thiệt thòi, vất vả nhất vẫn là phụ nữ.



Sau ly hôn, phụ nữ vất vả hơn và phải chịu nỗi đau tinh thần (ảnh có tính chất minh họa)


Lắm nỗi truân chuyên

Năm 1995, chị Nguyễn Thị Mận ở huyện Thanh Miện lập gia đình khi đã bước sang độ tuổi 37. Những tưởng cuộc sống của chị sẽ xuôi chèo mát mái dù hạnh phúc muộn màng. Nhưng mâu thuẫn nảy sinh khi người chồng đặt điều và không tin tưởng chị. Không còn tiếng nói chung, hai người quyết định ly hôn. Khi đó, con gái lớn của chị Mận mới lên 9, đứa thứ hai vừa tròn 5 tuổi. Trước đây, chị ở nhà cấy vài sào ruộng và chăm sóc con cái. Sau khi ly hôn, người chồng thiếu trách nhiệm không gửi đều đặn tiền nuôi con. Sau một thời gian suy sụp về tinh thần, chị Mận quyết định xoay xở tìm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chị đi làm phụ hồ cho một đội thợ xây trong xã. Dù công việc vất vả, cực nhọc nhưng tình thương dành cho các con chính là động lực giúp chị vượt qua tất cả.

Năm vừa qua, con gái chị Mận trúng tuyển vào một trường đại học trên Hà Nội nhưng em đành bỏ ngang do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chị Mận chia sẻ: “Số tiền tôi kiếm được chỉ đủ cho ba mẹ con chi tiêu tằn tiện, nếu cho con đi học trong 4 năm là quá sức đối với gia đình. Dẫu biết có thể vay vốn ngân hàng, nhưng tôi lo thời buổi này sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều nên tôi khuyên con đi làm công nhân”. Nghe lời mẹ,  con gái của chị xin làm công nhân tại khu công nghiệp Đại An (Cẩm Giàng). Mối lo cơm áo gạo tiền đã vơi đi, nhưng bây giờ chị lại thêm nỗi lo khi cô con gái thứ hai đang bước vào độ tuổi mới lớn. Chị Mận cho biết: “Ở tuổi này, trẻ khá ngang bướng, tôi vừa phải trong vai người cha nghiêm khắc nhưng cũng cần cái mềm dẻo của người mẹ để dạy dỗ, chỉ bảo cho con đi đúng hướng”. Khi được hỏi về dự định trong tương lai, ánh mắt chị Mận xa xăm: “Sự đổ vỡ trong hôn nhân đã khiến tôi bị tổn thương. Bây giờ, tôi chỉ biết cố gắng nuôi dạy hai con nên người, mong sao bù đắp tình cảm cho chúng mà thôi”.

Nỗi đau tinh thần

Chị Phạm Thị Phương ở huyện Kinh Môn không giấu nổi sự xúc động khi nhắc đến cuộc hôn nhân tan vỡ cách đây 2 năm. Chị và chồng đến với nhau bằng tình yêu chân thành, khi hai người cùng làm công nhân trên TP Hải Dương. Tâm lý đã sẵn sàng đối diện với ly hôn nhưng khi mỗi người một nơi, chị vẫn thấy hụt hẫng trong một thời gian dài. Chị luôn lo lắng cho đứa con gái 8 tuổi khi biết tin người chồng tái hôn, liệu con có được yêu thương, chăm sóc chu đáo? Còn đứa nhỏ ở với chị trong khi đồng lương công nhân ít ỏi phải chắt bóp để trang trải cuộc sống. Phòng trọ chật chội, nhiều thứ đi vay, đi mượn, chị sợ con mình phải chịu quá nhiều thiệt thòi.

Chị Phương cho biết, “tưởng rằng ngày nay người ta đối diện với chuyện ly hôn quá nhiều nên sự soi mói, dị nghị bớt đi, nhưng thực ra định kiến của xã hội vẫn rất khó thay đổi. Khó khăn về kinh tế là một chuyện, thêm vào là những mối dằn vặt không tên cứ hành hạ chị. Rồi chị vực dậy bằng cách tự khuyên mình phải hướng về phía trước, cuộc đời luôn rộng mở đối với những người biết sống tích cực, không bi quan và chán nản. Chị bỏ làm công nhân, quyết định đi học trung cấp mầm non. Nghĩ là làm, chị gửi con ở nhà với bố mẹ để đi học. Biết rằng bố mẹ cũng buồn, cũng khổ tâm nhiều vì mình, nên chị càng nỗ lực cố gắng hơn. Khó khăn biến thành động lực, thời gian học tập lấp dần khoảng trống trong chị. Con của chị còn quá nhỏ, chưa hiểu thế nào là sự ly tán, chia lìa. Nhiều lúc nhìn cảnh gia đình khác sum vầy, hạnh phúc, chị Phương lại cảm thấy những gì mình bù đắp cho con vẫn thật ít ỏi.

Với sự cố gắng, nỗ lực hiện nay, chị đã là cô giáo mầm non, lương tháng hơn 2 triệu đồng. Tuy còn vất vả nhưng chị nghĩ mình đã may mắn hơn nhiều phụ nữ khác. Hằng tháng, chị thường đón con từ nhà chồng về chơi, mua quần áo, sách vở cho con, hoặc gọi điện trò chuyện với con. Chị nghĩ, bằng cách này chị có thể bù đắp được phần nào thiệt thòi cho con. Duyên tình còn đến nữa không, chị chẳng dám nghĩ tới, một phần vì chưa sẵn sàng, một phần vì lo ngại cảnh “con tôi con anh”. Việc đón nhận một tình cảm mới đối với bất kỳ người phụ nữ nào như chị đều không hề dễ dàng.

Những trường hợp như chị Mận, chị Phương không phải hiếm gặp, đặc biệt khi chúng ta chứng kiến nhiều hơn những cuộc hôn nhân đổ vỡ trong cuộc sống hiện đại. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh, năm 2013, tòa các cấp trong tỉnh đã giải quyết 2.716 vụ ly hôn, năm 2014, con số này là 2.769. Từng ấy con số là nhiều hơn những nỗi đau. Thực tế cho thấy, sau ly hôn, người phụ nữ phải chịu nhiều lời đàm tiếu, dị nghị hơn so với nam giới. Trong khi đa số nam giới tái hôn thì phần đông phụ nữ không có ý định tiến tới hôn nhân khi sự đổ vỡ của lần hôn nhân trước đó đã trở thành nỗi ám ảnh. Nhiều người phụ nữ chịu nỗi đau một mình chứ không tìm tới bác sĩ hay chuyên gia tư vấn tâm lý. Dù vất vả, nhưng họ cố gắng vượt qua và vun đắp tình cảm cho những đứa con để chúng không bị thiệt thòi.

Ly hôn là điều không ai mong muốn nhưng các cặp vợ chồng cần suy nghĩ kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định. Hãy cố gắng hàn gắn cuộc hôn nhân nếu còn có thể vì xét cho cùng, sau khi ly hôn, người phụ nữ và những đứa con luôn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn.

NHÃ HUYỀN


* Tên nhân vật đã được thay đổi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ sau ly hôn - Vất vả trăm bề