Tình cờ vào phòng xem con đang trong giờ học trực tuyến, chị Hồng Vân (một phụ huynh có con học lớp 9 ở Hà Nội) bất ngờ khi thấy con đang đứng tập thể dục, trước mặt là màn hình máy tính.
Hóa ra cậu con trai chị đang trong tiết học thể dục. Đây là môn học cuối cùng của trường con chị triển khai dạy trực tuyến, Trước đó, các thầy giáo dạy thể dục đã phải thức đêm để thiết kế bài giảng và tập giảng bài qua mạng.
“Với mình chưa bao giờ kiến thức là mục tiêu số 1 và duy nhất, mà điều quan trọng hơn là động lực, thái độ, tình cảm, ứng xử, khả năng vượt khó của con và nhiều kĩ năng khác quan trọng hơn rất nhiều.
Do đó, khi nhìn thấy con học thể dục trực tuyến, mình đã rât xúc động. Dù có thể nó khác xa được chạy nhảy trên sân tập, nhưng mình thích nhìn thấy con đứng vận động trong phòng một mình trước cái máy tính một cách nghiêm túc và hào hứng. Sẽ hơn rất nhiều nếu con chỉ nằm dài trên giường hay chơi game hoặc than vãn vì chán”, chị Vân chia sẻ.
Mặc dù khó khăn của hình thức này cũng không ít như cũng có hôm con đang làm bài kiểm tra thì nhà mất mạng internet. Chồng chị hôm đó phải chạy về xử lý bằng cách phát 3G để con kết nối lại với bài tập. Nhưng điều chị cảm thấy vui nhất là qua đó thể hiện sự nghiêm túc thực hiện, có trách nhiệm trước yêu cầu học của con mình.
Phụ huynh và giáo viên “nâng cấp level” để dạy trực tuyến cho học sinh |
Nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến, giao bài và yêu cầu gửi sản phẩm, kết quả học tập lại cho giáo viên. Do đó, để có thể học cùng con, nhiều phụ huynh cũng phải học cách quay clip, chụp ảnh và các ứng dụng mạng để hỗ trợ cô trò tương tác.
Anh Nguyễn Văn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Hằng ngày, sau giờ làm việc ở cơ quan, tối về mình vẫn thường xuyên chụp ảnh kết quả bài làm của con, thậm chí có hôm phải thực hiện quay clip để gửi cho giáo viên nếu nội dung bài học của con yêu cầu”.
Là một trường công lập nhưng trong thời gian học sinh nghỉ phòng chống dịch Covid-19, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn tổ chức triển khai đều đặn hình thức dạy học trực tuyến.
Thời gian đầu, trường tiến hành giao và chữa bài trực tuyến đối với các môn toán, văn, tiếng Anh theo từng khối. Phụ huynh và học sinh tải phiếu bài tập các môn toán, văn, tiếng Anh các khối lớp 6, 7, 8, 9 tại website của trường để làm. Sau đó, nhà trường tổ chức ghi hình phần chữa bài của giáo viên và thông báo chi tiết thời gian chữa bài để học sinh theo dõi.
“Các thầy cô sẽ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công. Về kỹ thuật và máy móc, chúng tôi kêu gọi sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của cha mẹ học sinh”, thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng nhà trường nói.
Theo thầy Cường, giai đoạn ứng phó ngắn hạn này thực hiện trong khoảng 1 tháng đầu với khoảng hơn 40 video. “Các buổi ghi hình ban đầu vất vả vì các thầy cô làm quen với việc đứng trước máy quay, giảng cho học sinh mà không có tương tác, nói vấp, sự chuẩn bị công phu hơn nhiều so với dạy trên lớp. Tuy nhiên, sau một đến hai buổi, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo thuần thục.
Sau đó, để chuẩn bị cho giai đoạn dài hạn, nhà trường đã chủ động tập huấn cho toàn thể giáo viên về các ứng dụng dạy học trực tuyến hiệu quả hiện nay như Zoom, Hangouts… Ưu điểm rất lớn là các thầy cô tương tác trực tiếp với học sinh, chủ động về thời gian, nắm rõ tâm tư, vướng mắc của học sinh và tính hiệu quả là rất lớn.
Theo thầy Cường, ban đầu sự e dè của các thầy cô, đặc biệt là giáo viên lớn tuổi là có, bởi kỹ năng công nghệ thông tin còn hạn chế. Nhưng sau đó, với cách thức tập huấn “cầm tay chỉ việc”, học đến đâu thực hành đến đó, mọi chuyện nay đã đi vào nếp.
Hiện, nhà trường vẫn duy trì việc dạy học trực tuyến ở tất cả các lớp theo thời khóa biểu từ sự phối hợp của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và phụ huynh học sinh.
“Giáo viên cung cấp tài khoản và mật khẩu của các buổi học giúp ban giám hiệu có thể “dự giờ online”. Khó khăn ở các tuần tiếp theo chắc chắn không phải là vấn đề công nghệ mà là vấn đề ở nội dung. Bởi việc ôn tập trong một thời gian dài khiến học sinh có biểu hiện mệt mỏi, giảm hứng thú. Nhà trường cũng mạnh dạn chỉ đạo với lớp 9, các thầy cô có thể giảng kiến thức mới, bổ trợ cho chương trình “Học trên truyền hình” do Sở Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội thực hiện. Chúng tôi cũng đưa ra các giải pháp ngoài ôn tập kiến thức, giáo viên có thể thực hiện đa dạng các hình thức trong các buổi sinh hoạt lớp online như giáo dục về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tìm hiểu và giải đáp thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng của học sinh, giáo dục các kỹ năng cho học sinh, hoặc đan xen các trò chơi trực tuyến…”, thầy Cường cho hay.
Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức dạy qua truyền hình cho lớp 9 và 12 với những môn cơ bản như toán, văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và giáo dục công dân.
Tại các địa phương chưa tiến hành hình thức này thì các trường tự tổ chức dạy trực tuyến bằng nhiều cách như giao bài qua hệ thống mạng xã hội như zalo, facebook, viber…
Tại trường THPT Nguyễn Khuyến, thầy cô tổ trưởng chuyên môn lập kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức môn học và phân công biên soạn bài tập thường xuyên trong thời gian tạm nghỉ. Thầy cô giáo bộ môn, giáo viên chủ nhiệm phối hợp giao bài ôn tập cho học sinh mỗi lớp – đặc biệt bài luyện tập các môn thi THPT cho học sinh các lớp 12 - thông qua website của nhà trường và các trang mạng của tổ, nhóm.
Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) ngoài việc học sinh học theo lịch Sở Giáo dục và Đào tạo kết hợp với đài truyền hình, các thầy cô cũng giao bài qua website của trường, zalo và các phương tiện khác.
Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường cho hay nếu bỏ qua những khó khăn khi dạy trực tuyến như đường truyền, tốc độ, điều được nhất của phương thức này là học sinh không quên bài, có bài tập chính thống từ các giáo viên để làm, không phải lên mạng tìm kiếm để lọt vào ma trận kiến thức. “Nếu không dạy, học sinh cũng có thể tự ý thức lên internet tìm các sản phẩm trí tuệ. Song cái cần là sự tương tác với giáo viên”.
Không chỉ ở phổ thông, ở các trường đại học hiện nay cũng tổ chức dạy trực tuyến. Thậm chí hoạt động này lại phát triển mạnh hơn nhiều. Có trường quy định nếu giảng viên không dạy trực tuyến sẽ cắt thu nhập tăng thêm, lao động tiên tiến. Đặc biệt, không chỉ những môn chính mà các môn như thể dục quốc phòng cũng được các trường đại học dạy trực tuyến.
Bà Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho hay cả thầy và trò của trường xác định tiếp tục học trực tuyến trong thời gian tới. Do đó, hiện nay tất cả các môn học của trường đều đã được triển khai dạy học theo hình thức này.
“Nhờ hình thức này, thời khoá biểu và tiến độ vẫn được giữ nguyên như kế hoạch giảng dạy ban đầu, bảo đảm các em sinh viên vẫn hoàn thành học kỳ II năm 2019-2020 đúng thời hạn”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, để làm được việc này, các giảng viên của trường đã thực sự phải vượt khó, bởi giảng dạy trực tuyến vất vả hơn rất nhiều so với bình thường. “Mặc dù học liệu đã được xây dựng trước đó theo đề án của nhà trường nhưng để bài giảng chất lượng phù hợp với phương pháp giảng dạy hiện đại thì bắt buộc tự các thầy cô phải bổ sung thêm những học liệu khác.
Ngoài ra, việc kéo sinh viên chủ động tham gia bài giảng thông qua giảng dạy trực tuyến sẽ khó hơn là giảng dạy trên lớp, điều này đòi hỏi các thầy cô phải đầu tư nhiều công sức hơn”.
Tuy nhiên, theo bà Hương, tín hiệu rất tích cực là hiện nay khi lấy ý kiến, các sinh viên đánh giá rất tích cực việc các thầy cô giảng dạy trực tuyến.
“Dạy học trực tuyến có 2 mặt. Nếu chỉ coi là kênh truyền bài giảng trực tiếp cho sinh viên thì sẽ không mấy hiệu quả, nhưng nếu biết khai thác kết hợp giữa bài giảng trực tiếp, hệ thống bài đánh giá trực tuyến, giải quyết vấn đề trực tuyến thì sẽ mang lại hiệu quả cao”, bà Hương nói.
TS Luật học Nguyễn Ngọc Sơn nhìn nhận không có một cách dạy nào hoàn hảo hơn là trực tiếp giảng dạy, nhưng điều đó không có nghĩa những phương thức khác không hiệu quả. Nếu muốn phương thức không gặp mặt trực tiếp có hiệu quả thì phải có hệ thống hỗ trợ đó là tài liệu, nội dung minh mạch (có giáo trình, tham khảo, đề cương), có hệ thống khảo thí (bài tập đa dạng và làm online).
“Dạy online phải làm sao để học sinh có cơ hội, điều kiện và trách nhiệm nghe đi nghe lại”, ông Sơn nói.
Ông Sơn khẳng định dạy online có cách thức riêng nhưng nếu thờ ơ, cho xong thì không đem lại kết quả. Còn nếu xác định lợi thế của dạy online là lưu lại bài giảng sinh động (dạy trực tiếp nói 1 lần) thì rất hiệu quả. Như vậy, nếu học sinh nghe 10 lần thì ít nhất cũng lĩnh hội được 70% kiến thức. “Nếu có một hệ thống bài giảng hoàn hảo, kiểm định tốt, đa dạng, hệ thống trao đổi trực tiếp giữa giáo viên và học sinh thì dạy trực tuyến là hoàn hảo. Song ở bậc tiểu học cần sự quan sát, theo dõi của phụ huynh về việc học của con”- ông Sơn khẳng định.
Với việc dạy trên các đài truyền hình, để hiệu quả, ông Sơn cho rằng cần gửi bài giảng này cho học sinh ở nhà xem mà không phụ thuộc vào giờ phát của nhà đài.
Theo Vietnamnet