Phụ huynh thiếu chia sẻ: Giáo viên thêm áp lực

08/12/2019 06:11

Công việc dạy học ngày càng nặng trước yêu cầu của xã hội và nhiệm vụ đổi mới giáo dục, cộng với sự thiếu chia sẻ, hợp tác của nhiều phụ huynh càng khiến giáo viên thêm áp lực.

Giáo viên mầm non phải chăm sóc trẻ tỉ mỉ từ bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang cho trẻ ốm đau

Hay phản ứng

Hiện nay, giáo viên dạy ở mầm non và tiểu học chịu nhiều áp lực nhất từ phía gia đình học sinh. Từ những sự việc nhỏ, đơn giản nhưng do cách ứng xử thiếu chia sẻ, thậm chí thiếu văn hóa đã xúc phạm tới danh dự của giáo viên và ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. 

Là người đã có hơn 30 năm gắn bó với giáo dục mầm non, cô giáo Vũ Thị Tuyết Chinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sứ (TP Hải Dương) còn nhớ rất nhiều câu chuyện về cách ứng xử thiếu tế nhị của phụ huynh. Gần đây nhất, vào đầu năm học này, có bà đưa cháu đến trường xin học. Nhà trường hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết và sắp xếp lớp cho trẻ.

Giáo viên phụ trách lớp bảo bà hôm nay cứ cho cháu về, mai gia đình đến đóng cho cháu tiền học phí, ăn bán trú rồi chính thức vào học. Không rõ bà về nói với bố cháu thế nào, hôm sau bố cháu đến lớp nói rất nặng lời, ầm ĩ và nằng nặc đòi xin chuyển lớp vì không thích con học cô giáo này. Sau khi hiệu trưởng giải thích rõ ràng thắc mắc, phụ huynh này mới thôi. 

Một giáo viên dạy mầm non ở thị xã Kinh Môn chia sẻ thời gian trước, một phụ huynh sau khi đã đón trẻ về rồi ra trường làm ầm lên với lý do cháu bị một vết xước ở má. Phụ huynh liên tục mắng giáo viên là không chăm sóc cẩn thận để cháu mình như vậy. Mặc dù giáo viên giải thích nhưng phụ huynh vẫn không nghe và yêu cầu lãnh đạo nhà trường xử lý cô giáo này.

Sau khi lãnh đạo nhà trường làm việc với phụ huynh và hỏi kỹ giáo viên, một số trẻ khác mới biết hai cháu ngồi cạnh nhau trêu đùa chẳng may gây nên vết xước đó. Để tránh những hiểu lầm như trên, ngay sau đó nhà trường lắp đặt hệ thống camera để có căn cứ giải thích với phụ huynh khi xảy ra những trường hợp tương tự.

Không chỉ ở lứa tuổi nhỏ mà ngay cả với học sinh THCS, THPT, giáo viên cũng gặp rất nhiều tình huống dẫn đến sự hiểu lầm, thiếu sự chia sẻ, hợp tác của phụ huynh. Các em học sinh lớp lớn đang ở lứa tuổi có những thay đổi mạnh về tâm sinh lý nên khá phức tạp. Không ít gia đình có điều kiện nuông chiều và thiếu quan tâm chăm sóc, uốn nắn con.

Cô giáo N.T.D. ở Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) chia sẻ: “Nhiều gia đình mua cho con điện thoại thông minh và sử dụng trong giờ học, chúng tôi thu lại thì phụ huynh có lời lẽ xúc phạm. Một số học sinh hay làm mất trật tự trong lớp, giáo viên mời phụ huynh đến làm việc thì họ bảo: Nó có hư tôi mới mất tiền thuê nhà trường dạy dỗ. Những tình huống này khiến chúng tôi rất buồn và lo cho tương lai của các em khi có bố mẹ như vậy”.

Việc ứng xử thiếu tế nhị của phụ huynh đã gây áp lực không nhỏ tới giáo viên và nhà trường (ảnh mang tính minh họa)

Không chỉ phản ứng trực tiếp, có những sự việc đơn giản nhưng nhiều phụ huynh lại đưa lên mạng xã hội như Facebook, Zalo. Sau đó, một số phụ huynh khác cùng chia sẻ và đưa ra những nhận xét, bình luận không đúng sự thật, đôi khi còn có lời lẽ xúc phạm tạo dư luận không tốt cho xã hội và ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà trường, giáo viên. 

Nâng cao kỹ năng ứng xử

Môi trường giáo dục hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến phản ứng của phụ huynh. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế chiều con quá mức, chưa quan tâm dạy bảo, phó mặc cho nhà trường, nhất là trong cách ứng xử còn thiếu sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà giáo viên đang phải đối mặt. Do thiếu đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất chưa bảo đảm cũng dẫn đến việc chăm sóc, dạy dỗ, môi trường thiếu an toàn cho trẻ và học sinh.

Nhiều giáo viên lo lắng khi hiện nay quy định của ngành về việc xử lý vi phạm khá nặng và giáo viên không được quát mắng, phạt chép bài nhiều lần, hay những hình thức truyền thống khác. Nhưng trước những học trò ương bướng, thiếu ý thức, chưa tôn trọng giáo viên, nếu chỉ xử lý bằng những hình thức nhắc nhở thông thường sẽ không hiệu quả.

Cùng với đó, sự thiếu quan tâm, phối hợp, thái độ của phụ huynh chưa đúng mực sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Sợ bị kỷ luật, sợ bị đưa lên mạng xã hội hay phụ huynh xúc phạm, nhiều giáo viên sẽ có tư tưởng bỏ mặc học sinh thích làm gì thì làm, thiếu sát sao nên người chịu thiệt nhất là học sinh. Nhiều giáo viên không chịu được áp lực đã bỏ nghề.

Thời gian qua, để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, nhất là nâng cao đạo đức nhà giáo, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh đã thực hiện nhiều phong trào, mô hình như "Dạy tốt, học tốt", "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo"...

Cô giáo Vũ Thị Tuyết Chinh cho biết thêm: “Nhà trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở giáo viên không ngừng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cùng với kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu thương trẻ, chia sẻ kịp thời, tế nhị những vấn đề của trẻ để phụ huynh hiểu, đồng hành”.

Nỗ lực của các trường và các thầy, cô giáo là chưa đủ mà rất cần sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội, nhất là phụ huynh để học sinh được học tập trong môi trường giáo dục tốt. Các gia đình cần dành sự quan tâm đúng mức trong việc chăm sóc, kèm cặp con em. Trước mỗi sự việc, phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu và có thái độ, cách giải quyết hợp lý, hợp tình bằng sự tôn trọng, chia sẻ để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Phụ huynh thiếu chia sẻ: Giáo viên thêm áp lực