Phụ gia thực phẩm "3 không"

14/07/2016 08:03

Sử dụng các loại phụ gia thực phẩm không bảo đảm trong chế biến thực phẩm thời gian qua đã gây không ít lo lắng cho người tiêu dùng.



Phụ gia thực phẩm “3 không” dễ dàng mua được tại các cửa hàng ở cổng chợ Phú Yên

Phụ gia thực phẩm (PGTP) được sử dụng trong chế biến thức ăn, đồ uống hằng ngày. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng lượng, đúng loại, nhất là những loại không được phép sử dụng sẽ gây ra nguy hại đối với sức khỏe.

Sẵn có trên thị trường

Theo chỉ dẫn của một chủ quán bán phở ở chợ Thanh Bình (TP Hải Dương), tôi đến cửa hàng chuyên bán đồ khô ngay cổng chợ Phú Yên hỏi mua bột ninh nhừ xương. Chị bán hàng đưa cho tôi một gói bột trắng giống như bột mỳ và bảo: “Tôi chỉ bán cả cân, không bán lẻ. Với 20.000 đồng/kg, cô có thể ninh nhừ khoảng 60 kg xương hoặc cũng từng ấy đỗ đen. Mang về dùng dần, loại này không phải lúc nào cũng có bán”. Gói bột không nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, hướng dẫn sử dụng... Người bán nói loại bột có tên là cần sủi, thường được dùng để ninh nhừ thực phẩm. Thông thường để ninh nhừ 1 kg xương phải mất từ 2-3 tiếng nhưng chỉ cần một thìa nhỏ chất bột này có thể làm nhừ xương nhanh trong vòng từ 20-30 phút. “Cần sủi xuất xứ từ Trung Quốc. Dùng loại này tiết kiệm điện mà nước phở lại trong và ngon”, người bán bật mí.

Các cửa hàng chuyên bán đồ khô tại chợ Phú Yên không chỉ bán cần sủi mà còn cung cấp nhiều loại PGTP giá rẻ “3 không” (không xuất xứ, không hạn sử dụng và không hướng dẫn sử dụng). Để làm dậy mùi của nước ép hoa quả, không ít cửa hàng đã mua những loại si - rô, tinh dầu hoa quả đủ màu sắc đóng trong các can nhựa về sử dụng. Chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng, chị Nguyễn Thị H. chủ cửa hàng chuyên bán nước ép hoa quả trên đường Trương Mỹ có thể mua được một lít si - rô với hương vị tùy chọn. Chị H. kể: “Ban đầu mình mở quán bán nước ép hoa quả thấy khách chê là mùi không thơm bằng quán bà B. cũng ở trên phố này. Tìm hiểu mới biết bà ấy cho thêm tinh dầu hoa quả vào nước ép cho dậy mùi”.

Trên đường Bùi Thị Cúc (TP Hải Dương), người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua được nhiều loại phụ gia khác nhau, từ đắt đến rẻ, nhập khẩu hay loại “3 không”. Các chủ quán ở đây không dám bày bán công khai các loại PGTP giá rẻ, nguồn gốc, nhãn mác tù mù để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Tại Việt Nam, có 23 nhóm PGTP, bao gồm 337 chất được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Thế nhưng vì lợi nhuận, không ít cơ sở kinh doanh thực phẩm sử dụng phụ gia giá rẻ, chất lượng trôi nổi. Nhiều người còn mua phụ gia chỉ được sử dụng trong công nghiệp để chế biến thực phẩm.

Cơ quan chức năng khó kiểm soát

Theo quy định của Bộ Y tế, đối với PGTP được phép sử dụng, trên bao bì phải ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn...), liều lượng, cách dùng (cho lúc nóng hay nguội...), tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu? Tuy nhiên, thực tế, không ít những PGTP trên thị trường hiện nay không bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Những phụ gia trôi nổi trên thị trường thường rẻ hơn nhiều lần so với các loại nằm trong danh mục cho phép và phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc.



Chỉ cần một thìa cần sủi có thể ninh nhừ được 1 kg xương trong vòng từ 20-30 phút

Theo ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm rất khó để kiểm soát, phát hiện được PGTP không bảo đảm chất lượng mà chủ yếu phụ thuộc vào lương tâm của người sản xuất. Hầu hết các loại PGTP “3 không” ảnh hưởng đến sức khỏe lại được bán lén lút. Thậm chí ngay cả khi nhà sản xuất mua PGTP có nhãn mác, xuất xứ, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định nhưng không tuân thủ liều lượng cho phép thì vẫn có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Do đó, chỉ khi nào người kinh doanh thực phẩm nhận thức được mối nguy hại của những loại PGTP không bảo đảm đối với sức khỏe của cộng đồng thì mới hy vọng những loại PGTP giá rẻ, trôi nổi, không bảo đảm chất lượng không còn trên thị trường.

Sử dụng các loại PGTP không bảo đảm trong chế biến thực phẩm thời gian qua đã gây không ít lo lắng cho người tiêu dùng. Do đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, kịp thời phát hiện các chất phụ gia có hại cho sức khỏe. Đồng thời, cần phải xử phạt nghiêm những cơ sở vi phạm. Trung tâm Y tế dự phòng của các địa phương quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chế biến, kinh doanh thực phẩm về sử dụng PGTP.

HẢI MINH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ gia thực phẩm "3 không"