“Nhất chính đạo” ở Côn Sơn có gì đặc biệt?

06/02/2023 06:20

“Ở miền Bắc, nhất chính đạo trước chùa Côn Sơn là con đường hiếm có và mang rất nhiều ý nghĩa của giáo lý nhà Phật”, tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc khẳng định.

Tam quan ở di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn

Nhiều du khách về trẩy hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 tỏ ra ấn tượng với cảnh sắc ở khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, nhất là tuyến đường từ tam quan dẫn vào chùa Côn Sơn dài khoảng 100m, rộng 10 m thênh thang. Hai bên đường có hàng thông cổ trăm năm tuổi dáng thắng đứng, thân xù xì, mốc meo nhưng tán phía trên vẫn xanh rì. “Tôi đến nhiều di tích rồi nhưng thấy rất ít ngôi chùa nào lại có con đường dẫn vào tuyệt đẹp như ở chùa Côn Sơn”, anh Nguyễn Văn Liệu ở Bắc Ninh về trẩy hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc nhận xét.

Sau tam quan là "nhất chính đạo" dẫn vào chùa Côn Sơn

Nhưng có lẽ không nhiều người hiểu về ý nghĩa đặc biệt của con đường trên. Theo tiến sĩ Lê Duy Mạnh, con đường gây nhiều ấn tượng với du khách gọi là “nhất chính đạo”. Theo bài trí của tôn giáo đạo Phật thì trước mỗi ngôi chùa cổ nhất thiết phải có tam quan, tiếp đến là nhất chính đạo, lầu chuông rồi mới đến chùa.

Hai bên "nhất chính đạo" trồng hàng chục cây thông có niên đại hàng trăm năm tuổi

Tam quan được giải thích như sau: tam là 3, quan là cửa. Tam quan là cửa có 3 lối đi. Theo triết lý nhà Phật, nếu đứng ngoài tam quan, người ta có 84.000 con đường tìm đến với Phật giáo. Nhưng qua tam quan thì chỉ có 3 con đường, gồm: trung quan (cửa to ở giữa), giả quan và không quan (cửa nhỏ ở hai bên).

Du khách dạo bước trên "nhất chính đạo"

Trung quan là con đường chính đáng nhất để đến với đạo Phật. Giả quan là “không tức thị sắc”, không quan là “sắc tức thị không”, tức là vẫn còn “sắc sắc không không”-một quan niệm tương đối, ẩn ý nói về những người chưa hiểu biết gì về giáo lý nhà Phật, còn u mê. Nên khi đã chọn bước vào trung quan thì người ta đã chọn theo con đường chính đáng để tìm đến với Phật, buộc họ phải gạt bỏ mọi ưu phiền. Đây là một phạm trù rất giàu tính triết lý. “Nói một cách dễ hiểu thì tam quan thu hút 84.000 lối đi về với Phật, vấn đề là họ sẽ chọn bước đi vào cửa nào trước khi bước tiếp vào nhất chính đạo”.

Sau khi đi hết "nhất chính đạo", du khách sẽ đi qua lầu chuông trước khi vào sân chùa Côn Sơn

Nhất là duy nhất, chính là chính đáng, đạo là đường. Nhất chính đạo được hiểu là con đường chính đáng duy nhất đến với Phật giáo. Theo quan niệm nhà Phật, khi đến với Phật, người ta phải đi qua một con đường. Nếu không đi qua con đường ấy mà đi thẳng vào phật điện thì không có ý nghĩa.

Sau khi đi hết “nhất chính đạo” sẽ tới lầu chuông. Theo triết lý nhà Phật, khi người ta đi qua đây, nghe thấy tiếng chuông, con người ta sẽ tỉnh cơn mê để nhập vào miền giác ngộ. Qua lầu chuông, bước vào sân chùa tức là đã bước vào thế giới của Phật. “Theo kinh Phật, tiếng chuông giúp tâm con người ta thanh tịnh, gạt trừ ưu phiền”, tiến sĩ Mạnh nhấn mạnh.

Trên lầu có quả chuông nặng 1,2 tấn, cao 1,8m, đường kính 1,2m được đúc năm 2019 theo mẫu chuông có niên đại đời Trần

Còn vì sao hai bên “nhất chính đạo” chùa Côn Sơn lại chỉ trồng thông mà không phải là cây khác, tiến sĩ Lê Duy Mạnh giải thích: “Trong 6 hiểu biết cao nhất của nhà Phật, lậu tận thông là hiểu biết cao nhất. Người xưa trồng thông hai bên con đường này là muốn nhắn nhủ mỗi người khi đã tìm đến cửa Phật thì phải có chút hiểu biết về những giáo lý nhà Phật, phải biết gạt trừ những cái u minh, ngu tối, những thứ tham, sân, si trước khi vào chùa”.

Theo triết lý nhà Phật, khi đã bước vào sân chùa là bước vào thế giới của Phật

Nói một cách đơn giản, khi đã tìm đến cửa Phật, mỗi người cần biết gạt hết mọi ưu phiền, vượt lên khó khăn, thử thách trong cuộc sống, cùng đoàn kết sống tốt đời, đẹp đạo, biết yêu thương và được yêu thương.

TIẾN MẠNH - TIẾN HUY

>>> Nghệ nhân Kinh Môn, Chí Linh giành giải nhất Hội thi bánh chưng, bánh giầy
>>> [Video] Dâng hương, vật phẩm lên chùa Côn Sơn và đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán
>>> Tưng bừng thi giã bánh giầy

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Nhất chính đạo” ở Côn Sơn có gì đặc biệt?