Nét đẹp tục dâng chữ ở Văn miếu Mao Điền

11/03/2023 09:00

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, cán bộ và nhân dân huyện Cẩm Giàng lại tụ hội về Văn miếu Mao Điền, thành kính tổ chức lễ hội truyền thống để tôn vinh truyền thống giáo dục, tôn vinh khoa bảng.


Trong nền nhạc Lưu thủy, đội rước chữ gồm 36 phụ nữ chầm chậm tiến vào sân văn miếu

Trong lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền khai mạc ngày 9.3, các du khách tỏ ra rất ấn tượng với nghi thức tiến chữ dâng Thánh. Đây là nghi thức đặc biệt, chỉ có ở di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền và di tích đền Xưa của huyện Cẩm Giàng.

Nghi thức tiến chữ dâng Thánh được đội tế của xã Cẩm Điền - nơi Văn miếu Mao Điền tọa lạc chủ trì. Để thực hiện nghi thức này, 36 phụ nữ được tuyển chọn kỹ làm nhiệm vụ rước chữ, múa quạt trong nền nhạc Lưu thủy. Nghi thức này được thực hiện từ xưa tới nay, vào mỗi mùa lễ hội.

Theo ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, 4 chữ được dâng trong lễ hội truyền thống năm nay là chữ Hán: Tôn - Sư - Trọng - Đạo. 36 phụ nữ được chọn lựa kỹ, là những người sống hiếu thuận, hòa nhã với xóm giềng, gương mẫu trong cuộc sống. 36 là con số tâm linh, chứ không phải là tượng trưng cho 36 vị tiến sĩ đại khoa trong thời phong kiến như một số người từng thắc mắc.

Khi nhạc Lưu thủy được cử hành, đoàn rước chữ từ tam quan chầm chậm tiến vào sân văn miếu, xếp thành 2 hàng trang nghiêm. Chủ tế dẫn dắt, giải thích cho du khách tại sao có nghi thức này và chỉ có ở Văn miếu Mao Điền.

Đức Văn Trinh Chu Văn An/ Người Thanh Liệt, Thanh Trì/ Từ nhỏ không màng danh lợi/ Giữ đạo lý cương thường... Tả bộc xạ Mạc Đĩnh Chi/ Làng Lũng Động, Nam Tân, Nam Sách/ Nhà nghèo cố dân/ Vẫn đỗ Trạng nguyên... Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh/ Quê Kính Chủ, Kinh Môn/ Trí sĩ hào hùng... Đây là các vị đang phối thờ tại Văn miếu Mao Điền, được xướng danh trong lễ dâng chữ.

Theo ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, dâng chữ là một nghi thức đặc biệt, riêng có ở một số di tích của huyện Cẩm Giàng. Nghi thức nhằm tôn vinh đạo học, tôn vinh khoa cử, kính trọng các bậc hiền tài nguyên khí quốc gia. Bốn chữ Tôn - Sư - Trọng - Đạo dù ngắn gọn nhưng đã nói lên tinh thần đó.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đội tế lễ gồm các bô lão có uy tín ở Cẩm Điền trịnh trọng bước lên sân khấu. Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Thuật (Nhà hát Chèo Hải Dương) cất giọng sang sảng ngợi ca đạo học: Hiền tài chư vị/ Nguyên khí quốc gia/ Anh hùng hào kiệt/ Cho sự học hưng vượng/ Cho đất nước Việt Nam/ Hội nhập quốc tế ngang tầm/ Sánh vai với năm châu cường quốc...

Kết thúc nghi thức tiến chữ dâng Thánh, bài văn tế được trịnh trọng rước vào văn miếu đặt trước bài vị các vị tiên hiền của khoa bảng Việt Nam.

Văn miếu Mao Điền thờ Khổng Tử và 8 vị đại khoa tiêu biểu cho các triều đại, các lĩnh vực là người con quê hương Hải Dương và các danh nhân có liên quan sâu sắc với lịch sử, văn hóa Hải Dương. Tiêu biểu như Chu Văn An - con người tiêu biểu cho giáo dục; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi - người đại diện cho lĩnh vực ngoại giao; Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh - đại diện cho văn thơ; Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh - người đặt nền móng cho nền y dược Việt Nam; Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi - người đại diện cho quân sự, chính trị; thần toán Việt Nam - Tiến sĩ Vũ Hữu - đại diện cho lĩnh vực toán học Việt Nam; Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Oanh cho biết thêm tại đây chỉ có một số vị đại khoa được đúc tượng, số còn lại chỉ có bài vị. Đây là điều đã được cân nhắc rất kỹ. Ví dụ Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh chỉ có bài vị, vì quan niệm phong kiến, trò không được ngồi ngang với thầy. Tại đây đã có tượng thầy Chu Văn An nên Phạm Sư Mạnh chỉ có bài vị.

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, cán bộ và nhân dân huyện Cẩm Giàng lại tụ hội về Văn miếu Mao Điền, thành kính tổ chức lễ hội truyền thống để tôn vinh truyền thống giáo dục, tôn vinh khoa bảng, thể hiện sự trân trọng lịch sử với các bậc hiền tài. Tài đức của các danh nhân mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế. Văn miếu Mao Điền là một thắng cảnh đẹp, một điểm đến trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, niềm tự hào văn hiến tỉnh Đông, nơi khuyến học, khuyến tài của xứ Đông xưa và Hải Dương nay. Trong đó, dâng chữ là một nghi thức độc đáo mà ít nơi nào có được.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét đẹp tục dâng chữ ở Văn miếu Mao Điền