Phong trào "Vì sự tiến bộ của phụ nữ" ở Thanh Miện

07/09/2010 13:53

Trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức 51 lớp dạy may công nghiệp, tin học văn phòng, mây tre đan, đan cói, thêu tranh, móc sợi, bóc hạt điều, đính hạt cườm... cho hơn 4.000 lao động nữ.

Những năm qua, phong trào Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) huyện Thanh Miện được đẩy mạnh, đạt kết quả đáng khích lệ.


 Trong 5 mục tiêu VSTBCPN, nổi bật là việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ... Trong giải quyết việc làm, chính quyền, đoàn thể các cấp có nhiều biện pháp thúc đẩy hoạt động dạy nghề, duy trì, nhân rộng các mô hình sẵn có ở địa phương và mở rộng một số nghề mới phục vụ xuất khẩu. Kết quả, trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức 51 lớp dạy may công nghiệp, tin học văn phòng, mây tre đan, đan cói, thêu tranh, móc sợi, bóc hạt điều, đính hạt cườm... cho hơn 4.000 lao động nữ. Bên cạnh đó, Ban VSTBCPN huyện chỉ đạo phụ nữ tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Đã có hơn 1.000 sản phẩm được trưng bày tại các hội chợ, được một số khách hàng mua với số lượng lớn, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều phụ nữ.

Điển hình như tổ may túi gia công xuất khẩu ở thị trấn Thanh Miện với gần 20 lao động, thu nhập 50 nghìn đồng/người/ngày; tổ móc sợi xã Tiền Phong có hơn 100 lao động, thu nhập 30 - 35 nghìn đồng/người/ngày; hơn 300 chị ở các xã Ngũ Hùng, Thanh Giang duy trì nghề đan rổ, rá, thừng...; hàng chục chị làm bánh đa, khâu nón ở xã Chi Lăng Nam... Hội Phụ nữ các cấp còn tích cực phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp, đảm nhận các mô hình trình diễn phát triển kinh tế nông nghiệp cho hiệu quả cao như phụ nữ xã Đoàn Kết xây dựng 10 ha mô hình "1 vùng, 1 giống, 1 thời gian"; phụ nữ Lam Sơn, Đoàn Kết nuôi thuỷ sản cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa...

Thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Ban VSTBCPN huyện tích cực tham mưu, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, vận động chị em tiết kiệm chi tiêu, quyên góp, ủng hộ đầu tư kinh phí xây dựng trường học; vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường học, tạo điều kiện cho học sinh được đến trường. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội luôn động viên, tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp học ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong 3 năm qua, toàn huyện đã có hàng chục nghìn phụ nữ tham gia học tập, đạt hơn 90%. Các cấp Hội Phụ nữ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp chị em từng bước nâng cao nhận thức, áp dụng vào từng lĩnh vực công tác, cuộc sống gia đình, đạt được những tiến bộ rõ rệt...

Trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho chị em, ngoài các hoạt động thường xuyên, Ban VSTBCPN và các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân hiểu về Dự án "Phụ nữ với việc phòng, chống tác hại của thuốc lá". Kết quả, bước đầu đã có hơn 90% số cán bộ, đảng viên và hơn 60% số nam giới không hút thuốc lá trong nhà và cộng đồng. Hội còn tham mưu với chính quyền huyện và 19 xã, thị trấn xây dựng quy định về việc cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, đồng thời bổ sung vào hương ước của làng, khu dân cư, xây dựng gia đình, khu dân cư không có khói thuốc...

Thanh Miện cũng quan tâm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo các cấp, các ngành. Hội Phụ nữ phối hợp với các cấp, các ngành cử 17 trong tổng số 19 cán bộ cơ sở đi học, trong đó, có 8 chị có trình độ cao đẳng; giới thiệu 19 chị tham gia cấp uỷ cơ sở. Hiện 9 trong tổng số 19 xã, thị trấn có tỷ lệ nữ trong cấp ủy đạt từ 15% trở lên. Hiện có 2 đồng chí nữ tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy.

Phong trào VSTBCPN ở Thanh Miện đã giúp chị em tự khẳng định mình trước gia đình và xã hội, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh.

THU LAI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phong trào "Vì sự tiến bộ của phụ nữ" ở Thanh Miện