Theo thông báo của hãng Arianespace, vào khoảng 11 giờ ngày 7-5 (giờ Việt Nam), vệ tinh VNREDSat-1 đã tách thành công ra khỏi tên lửa ở độ cao 665 km.
Hình ảnh tên lửa đẩy Vega mang vệ tinh Việt Nam vào vũ trụ. Ảnh chụp màn hình ArianespaceTV
Trước đó, vệ tinh Proba-V cũng đã tách ra thành công ở độ cao 820 km. Kế sau VNREDSat-1, vệ tinh ESTCube-1 cũng được triển khai ở độ cao 665 km, hoàn tất sứ mệnh kéo dài 2 giờ 48 giây vào hôm nay.
Theo dự kiến, sau khi vào quỹ đạo 2 giờ, các thiết bị theo dõi sẽ bắt đầu nhận được tín hiệu đầu tiên của vệ tinh. Thời điểm có thể thu nhận tín hiệu đầu tiên từ VNREDSat-1 là 14 giờ 30 ngày 7-5.
Nếu không có gì trục trặc, sau 2 ngày có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1. Những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam có thể có sau đó 1 ngày nữa. Tiếp theo là giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong 3 tháng.
* Vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 của Việt Nam đã được phóng vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA tại sân bay vũ trụ Kourou (Guiana, thuộc Pháp) vào lúc 9 giờ 6 phút sáng 7-5 (giờ Việt Nam) sau 3 ngày hoãn vì thời tiết xấu.
Thời điểm phóng đã được sắp xếp lại sau khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Công ty Aranespace quyết định hoãn vụ phóng dự kiến vào hôm 4-5 (giờ Việt Nam) vì điều kiện thời tiết không thuận lợi tại Kourou.
Dự kiến, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ tách ra khỏi tên lửa VEGA sau 1 giờ 57 phút 24 giây kể từ khi cất cánh.
|
Đồng hành với vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam trong chuyến hành trình lên quỹ đạo vào hôm nay là vệ tinh Proba-V của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và vệ tinh ESTCube-1 của Estonia.
Vệ tinh VNREDSat-1, nặng 115 kg, có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu euro, từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Pháp và 65 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Arianespace, công ty phóng vệ tinh VNREDSat-1, cũng là đối tác đã phóng thành công hai vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và VINASAT-2 của Việt Nam.
Sau khi được đưa vào quỹ đạo, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ giúp Việt Nam chủ động cung cấp ảnh vệ tinh chất lượng và độ phân giải cao cho các bộ, địa phương có nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, vệ tinh sẽ góp phần đánh giá và ứng phó với cháy rừng, bão lũ, tràn dầu cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên khác.
* Theo website của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chủ dự án Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1), vào sáng nay, Viện đã cùng với Công ty Astrium thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Châu Âu (EADS) tổ chức Lễ chào mừng sự kiện phóng vệ tinh VNREDSat-1.
Tham dự buổi lễ gồm các đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam, đại diện đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đại diện Công ty Astrium,… cùng toàn thể đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, GS. Châu Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - nhấn mạnh đây là sự kiện khoa học công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra bước phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Việt Nam tiếp nối sau thành công của các dự án vệ tinh viễn thông Vinasat1 (2008) và Vinasat2 (2012). Dự án vệ tinh VNREDSat-1 thành công sẽ không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học công nghệ mà còn góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì các mục đích hòa bình phục vụ lợi ích con người.
|
Từ VINASAT-1 đến VNREDSat-1 Kể từ năm 2008 đến nay, Việt Nam (VN) đã liên tiếp có những dự án tiếp cận dần với ngành công nghiệp vũ trụ thế giới. 4-2008: Vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên lên vũ trụ VINASAT-1, vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của VN được phóng vào vũ trụ lúc 5 giờ 16 phút ngày 19-4-2008 (giờ Hà Nội) từ bãi phóng Kourou (Guyana, Nam Mỹ, lãnh thổ thuộc Pháp).
Dự án VINASAT-1 đã được khởi động từ 1998. Trước khi đưa vệ tinh lên quỹ đạo, VN đã tiến hành đàm phán với 27 quốc gia, vùng lãnh thổ để có được vị trí 132 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh. VINASAT-1 có tổng mức đầu tư là khoảng hơn 300 triệu USD do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất chế tạo. Vùng phủ sóng của VINASAT-1 gồm: VN, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar, và mở rộng tới đông Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và quần đảo Hawaii (băng C mở rộng). Vệ tinh VINASAT-1 có tuổi thọ hoạt động tối thiểu là 15 năm. 5-2012: Phóng thành công vệ tinh VINASAT-2 Đúng 5 giờ 13 phút (giờ VN) ngày 16-5-2012 , tên lửa Ariane 5 mang theo vệ tinh VINASAT-2 (VN) đã được phóng lên từ Kouru. Đây là vệ tinh thứ 2 của VN, được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh 131,8 độ Đông, cách 0,2 độ so với VINASAT-1.
Cũng giống như "người tiền nhiệm" của mình, VINASAT-2 do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku, VINASAT-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của VINASAT-2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình. Tổng mức đầu tư cho VINASAT-2 là khoảng 260 - 280 triệu USD, trong đó 20% là vốn của VNPT, 80% là vốn vay, dự kiến thời gian thu hồi vốn trong 10 năm. Về mặt dung lượng, VINASAT-2 lớn hơn VINASAT-1 khoảng 20%. 7-2012: Vệ tinh tự chế đầu tiên lên quỹ đạo Ngày 21-7-2012 vệ tinh tự chế đầu tiên của Việt Nam F-1 đã được phóng lên vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima (Nhật Bản). Có kích thước 10x10x10 cm và nặng 1 kg. Vệ tinh này do nhóm FSpace (Viện Nghiên cứu Công nghệ, Đại học FPT) nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008 với mục tiêu là tồn tại được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640×480) của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Tuy nhiên, đến đầu 11-2012, Phòng Nghiên cứu không gian Fspace cho biết đã không thể liên lạc được với F-1. 9-2012: Khởi công xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam Ngày 19-9, dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ (TTVT) VN đã chính thức được khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Đây là dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư đồng bộ và cho đến nay cũng là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học - công nghệ của VN trong 35 năm qua, dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Được xây dựng trên diện tích rộng gần 9 ha, TTVT Việt Nam có vốn đầu tư 54 tỷ yên (khoảng 14.300 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ VN. Đơn vị triển khai thực hiện và tiếp nhận dự án trọng điểm quốc gia này là Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC) trực thuộc Viện Khoa học - Công nghệ VN. TTVT VN sẽ đảm trách những nhiệm vụ quan trọng như làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, có khả năng quan sát toàn lãnh thổ VN trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ rada hiện đại; xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường, dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu… 4-5-2013: Vệ tinh viễn thám quang học VNREDSat-1 lên vũ trụ Vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 của Việt Nam đã được phóng vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA tại sân bay vũ trụ Kourou (Guiana, thuộc Pháp) vào lúc 9 giờ 6 phút sáng 7-5 (giờ VN) sau ba ngày hoãn vì thời tiết xấu.
VNREDSat-1, nặng 115 kg, có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu euro, từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của chính phủ Pháp và 65 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau khi được đưa vào quỹ đạo, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ giúp Việt Nam chủ động cung cấp ảnh vệ tinh chất lượng và độ phân giải cao cho các bộ, địa phương có nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, vệ tinh sẽ góp phần đánh giá và ứng phó với cháy rừng, bão lũ, tràn dầu cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên khác. Tr.Sơn (tổng hợp) |