Bằng động thái phóng thành công tên lửa diệt vệ tinh để phô diễn khả năng quân sự, có vẻ như Ấn Độ đang phát đi một thông điệp răn đe đến Trung Quốc- đồng minh của Pakistan và là một trong những đối thủ chính của họ.
Một tháng sau khi một tiêm kích MiG-21 của không quân Ấn Độ bị bắn rơi trong trận không chiến với nước láng giềng Pakistan, New Dehli đã trình làng một thứ vũ khí mới và mục đích dường như nhằm gửi thông điệp đến một đối thủ hùng mạnh và có ảnh hưởng địa chính trị lớn hơn rất nhiều: Trung Quốc.
Hôm 27-3, Thủ tướng Ấn Độ Nadrendra Modi tuyên bố Ấn Độ đã xác lập vị thế "một cường quốc vũ trụ" của mình bằng việc phóng một tên lửa đạn đạo tiêu diệt thành công một vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất ở độ cao gần 300 km trong một cuộc thử nghiệm có tên là "Nhiệm vụ Shakti". Mục tiêu bị đánh chặn trong cuộc thử nghiệm là một vệ tinh do Ấn Độ phóng lên không gian.
Thủ tướng Nadrendra Modi tuyên bố Ấn Độ đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa diệt vệ tiinh trong Nhiệm vụ Shakti. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ
Động thái này đã gửi một thông điệp cảnh báo rõ ràng đến các đối thủ về hạt nhân của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan, đồng thời thay đổi thế chiến lược ở châu Á bằng cách chứng tỏ rằng Ấn Độ có khả năng tiêu diệt các vệ tinh của kẻ địch.
Cựu Đại tá Không quân Ấn Độ Ajey Lele - hiện đang là một thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA- tổ chức do Bộ Quốc phòng Ấn Độ tài trợ) – cho biết: "Ấn Độ đang muốn nói rằng chúng tôi là một nước mạnh và có tiềm lực quân sự. Chúng tôi không nhắm cụ thể vào quốc gia nào cả nhưng đây là thông điệp chung gửi đến các đối thủ của Ấn Độ. Nếu có ai đó muốn phá hoại vệ tinh của chúng tôi thì chúng tôi cũng sẽ làm được điều tương tự".
Hình ảnh phóng thử tên lửa trong "Nhiệm vụ Shakti" hôm 27.3 được đăng trên Twitter của Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ. Ảnh: Twitter
Trong khi đó, Bộ Ngoại vụ Ấn Độ cũng có phát ngôn rằng New Dehli không lao vào chạy đua vũ trang nhưng với vụ phóng thử tên lửa này, Ấn Độ đã gia nhập nhóm các nước cường quốc vũ trụ cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc.
"Trung Quốc rõ ràng là một phần trong những tính toán cho vụ phóng thử tên lửa này" - chuyên gia Rajeswari Pillai Rajagopalan thuộc phòng Sáng kiến chính sách không gian và hạt nhân của quỹ New Dehli’s Observer Research nhận định. Chuyên gia này nhấn mạnh thêm rằng một vụ phóng thử tương tự của Trung Quốc vào năm 2007 đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đối với Án Độ. "Động thái này có tính răn đe và rõ ràng là một thông điệp mà Ấn Độ muốn bày tỏ với Trung Quốc".
Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ vốn đã căng thẳng do những tranh chấp biên giới dai dẳng, giờ lại càng căng thẳng hơn do 2 nước tranh giành ảnh hưởng ở khu vực. Bắc Kinh đã củng cố mối quan hệ kinh tế - quân sự với Islamabad, khiến cho New Daily phải cải thiện quan hệ với Washington.
Trong một diễn biến có liên quan, đã có một số nguồn tin báo rằng Mỹ đã bí mật theo dõi các vụ phóng thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh của Ấn Độ. Nhưng mới đây ngày 30.3, Lầu Năm Góc đã phủ nhận những thông tin hoạt động gián điệp này.
Tuy vậy, Tư lệnh Không quân Mỹ - Trung tướng David D. Thompson ngày 28.3 cũng nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng Mỹ đã đoán trước được vụ thử tên lửa diệt vệ tinh của Ấn Độ trước khi nó diễn ra.
"Chúng tôi biết Ấn Độ sẽ phóng thử tên lửa nhờ vào những lệnh cấm bay mà họ đã thông báo cùng một số thông tin mà họ đã công bố từ trước" – ông Thompson nói với các Thượng nghị sĩ Mỹ trong phiên điều trần trước Quốc hội về các lực lượng chiến lược.
Theo Người lao động