Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở lứa tuổi học đường, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch do vi-rút.
Bệnh lây trực tiếp bằng đường hô hấp qua tiếp xúc với người bệnh. Thời gian lây từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường thành dịch vào mùa đông, xuân. Bệnh thường xảy ra ở thanh, thiếu niên sinh hoạt tập thể: mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh.
Tất cả những người chưa mắc quai bị đều có thể mắc bệnh, thường ở tuổi thanh, thiếu niên. Trẻ dưới 2 tuổi và người già rất hiếm bị bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại rất nhiều năm, có thể tái phát, nhưng rất hiếm.
Khởi phát bệnh người bệnh sẽ bị sốt 38 - 39 độ C, đau đầu, đau mỏi toàn thân, ăn ngủ kém.
Giai đoạn toàn phát: sau sốt 24 - 48 giờ xuất hiện viêm tuyến mang tai. Lúc đầu sưng một bên, sau 1 - 2 ngày sưng tiếp bên kia (thường sưng cả hai bên, ít gặp sưng chỉ một bên). Hai bên sưng thường không đối xứng (bên sưng to, bên sưng nhỏ), tuyến mang tai sưng to đôi khi làm mất rãnh trước và sau tai, có khi biến dạng mặt, mặt phình ra, cổ bạnh, cằm xệ. Da vùng má bị sưng căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng, đau, nước bọt ít, quánh.
Giai đoạn lui bệnh: Bệnh tự khỏi trong vòng 10 ngày. Thường hết sốt sau 3 - 4 ngày, tuyến hết sưng trong vòng 8 - 10 ngày, hạch sưng kéo dài hơn tuyến một chút. Tuyến nước bọt không bao giờ hóa mủ (trừ khi bội nhiễm vi khuẩn) và cũng không bao giờ bị teo.
Viêm tinh hoàn là thể thường gặp thứ hai, hay gặp ở nam giới đang tuổi dậy thì hoặc đã trưởng thành (khoảng 10-30% số mắc bệnh quai bị). Viêm tinh hoàn thường bị một bên. Thường vào ngày thứ 5 đến thứ 10 của bệnh thấy sốt xuất hiện trở lại hoặc sốt tăng lên. Có thể buồn nôn, nôn. Tinh hoàn đau, nhất là khi đi lại và to gấp 2-3 lần bình thường, sờ thấy chắc, da bìu có thể nề, căng đỏ. Trong những trường hợp nặng có thể kèm thêm viêm thừng tinh, viêm mào tinh hoàn và tràn dịch màng tinh hoàn. Thường hết sốt sau 3 - 5 ngày. Tinh hoàn giảm sưng từ từ, có thể 3 - 4 tuần sau mới hết sưng đau (với thể nặng) và không bao giờ có mủ. Thường nếu teo tinh hoàn có thể gây các tình trạng không có tinh trùng, vô sinh, chậm lớn, mất nam tính và liệt dương. Ngày nay, qua theo dõi nhiều năm, đa số các tác giả thấy rằng: Nếu teo một tinh hoàn sẽ không có ảnh hưởng gì, bên lành sẽ hoạt động bù trừ, khi bị teo cả hai bên hoặc ở người chỉ có một tinh hoàn thì tỷ lệ bị ảnh hưởng hoạt động sinh dục và vô sinh cũng thấp.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là nâng đỡ, tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não... Điều trị cụ thể với thể viêm tuyến mang tai: Súc miệng bằng nước muối 0,9%, dung dịch a-xít bô-rích 5%, hạ sốt nếu sốt quá cao, có thể dùng giảm đau, an thần nhẹ, dùng các vi-ta-min B, C, uống nước chanh, cam, ăn lỏng. Nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại, trong thời gian còn sốt, còn sưng tuyến. Cách ly tối thiểu 10 ngày. Với thể viêm tinh hoàn, bệnh nhân phải được nằm nghỉ tại giường khi còn sưng đau, mặc quần sịp để treo tinh hoàn; giảm đau bằng cách chườm đá, uống paracetamol, dùng 3 - 4 ngày, giảm viêm bằng thuốc cortanxy, dùng 3 - 4 ngày. Sau khi tinh hoàn đỡ sưng đau có thể dùng vi-ta-min E từ 1 - 2 tháng để tăng sinh tinh trùng.