Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ mối lo lắng và khẳng định: “Nguy cơ nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu".
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị
Trong thời gian qua, các địa phương đã cố gắng để đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng từ nay tới cuối năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước nên yêu cầu phòng, chống dịch cần phải cao hơn. Do đó, cần chuẩn bị tất cả các tình huống cho COVID-19.
Theo dự báo, dịch COVID-19 trong mùa đông năm nay sẽ rất khốc liệt không chỉ với Việt Nam mà đối với tất cả các nước.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã, do Bộ Y tế tổ chức sáng 24.11, tại Hà Nội.
Thường trực mối lo nhập cảnh trái phép
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã qua 83 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình thế giới căng thẳng, sự lây nhiễm COVID-19 không có xu hướng chậm lại.
Những nghiên cứu, đánh giá cho thấy hệ số lây nhiễm không tăng nhưng số người nhiễm COVID-19 tại nhiều quốc gia lại tăng lên. Quần thể nhiễm ở các nước rất cao nên việc phòng chống khó hơn rất nhiều.
Bộ trưởng Y tế chia sẻ mối lo lắng và khẳng định: “Nguy cơ nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu. Nếu đặt trong bối cảnh như vậy thì hệ thống y tế của chúng ta khó đáp ứng được nhu cầu điều trị COVID-19”.
Bộ trưởng Y tế dẫn chứng, chỉ riêng trong ngày 23.11, có khoảng 5.000 người nhập cảnh/xuất cảnh, trong đó có 77 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ở phía Bắc. Trong khi đó, tại các khu cách ly, dù Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhưng vẫn có tình trạng lơ là, chểnh mảng trong giám sát, cách ly, đặc biệt là ở các khách sạn, lưu trú dân sự. Do đó, Bộ trưởng Long nhấn mạnh vai trò quản lý của các địa phương để việc quản lý cách ly được đảm bảo, chặt chẽ.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết chuẩn bị tới Tết Nguyên đán nên nhu cầu thăm thân nhân của người dân khu vực biên giới rất lớn. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân ở vùng biên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, đặc biệt trong mùa nông nhàn. Vì nhu cầu mưu sinh, người dân tìm mọi cách để xuất nhập cảnh trái phép.
Đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng nêu lên thực trạng, có người Trung Quốc hết visa nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không về nước do sợ dịch COVID-19. Những đối tượng này làm giả giấy tờ để kéo dài thời gian lưu trú tại Việt Nam hoặc lưu trú bất hợp pháp tại khách sạn, khu nhà trọ…
Bên cạnh đó, tình trạng người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trốn cách ly khi về nước cũng đang diễn biến phức tạp. Một số lao động ở Lào về không muốn cách ly nên nhập cảnh trái phép qua các đường mòn lối mở, một số lao động từ Brunei nhập cảnh trái phép về nước qua tuyến biển…
Các đối tượng liên lạc với nhau bằng sim rác sau đó thuê xe ôm, taxi để vận chuyển người trái phép. Đáng chú ý, một số đối tượng lẩn trong tàu hàng, tàu cá, container để vào Việt Nam.
Từ đầu năm tới nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã được duy trì trên 6.000 chốt đường mòn, lối mở và làm thủ tục cho hơn 2,7 triệu người nhập cảnh, phát hiện hơn 20.000 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam...
Xác định cuộc chiến chống COVID-19 còn lâu dài, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép dự báo gia tăng, để đảm bảo cho lực lượng bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ, đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, thôn bản, xã phường tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân địa bàn biên giới không xuất nhập cảnh trái phép và tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh cũng cho rằng cần tổ chức chốt chặt, nghiêm tại các đường mòn, lối mở biên giới, bởi theo thiếu tướng Mạnh, về cơ bản các tỉnh hiện đã rút hế lực lượng về và cơ bản chỉ còn lực lượng biên phòng, nên công tác phòng, chống dịch cũng khó khăn...
Phương án bệnh viện chuyên điều trị COVID-19
Trong công tác điều trị, thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, hiện nay có 61,5% ca không có biểu hiện lâm sàng, 21,2% ca có biểu hiện nhẹ; số bệnh nhân nặng 156 ca chiếm tỷ lệ 14,2%.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn một ca mắc/một triệu dân, nếu chúng ta gặp phải tình huống như Nga, Mỹ, Pháp có 30.000 ca mắc trong cùng thời điểm/1 triệu dân thì vô cùng khó khăn.
Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh
“Nếu Việt Nam chỉ cần có 3.000 ca mắc/một triệu dân, chúng ta đã không có cơ sở y tế nào điều trị nổi. Chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn lực lượng cán bộ y tế nội khoa để không bỡ ngỡ khi tham gia với các cơ sở điều trị khi thiết lập bệnh viện dã chiến”, ông Khoa nhấn mạnh.
Vì vậy, các địa phương hiện có trang bị hầu hết các máy thở chức năng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng lực điều trị hiện nay còn hạn chế, chỉ có một số bệnh viện làm được kỹ thuật này, còn hầu hết huy động từ bệnh viện tuyến trên. Các địa phương phải tự mình lo cho chính mình, phục vụ bệnh nhân chính địa phương mình.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh dẫn chứng vụ dịch vừa qua tại Đà Nẵng chỉ có 1-2 địa điểm dịch nên cả nước dồn lực tập trung hỗ trợ. Nhưng với tình huống xấu có 10 địa phương như thế thì chúng ta không có khả năng hỗ trợ từ Trung ương và các địa phương khác.
Ông Khoa đề nghị các địa phương cần phải có phương án chuyển đổi từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19. Những bệnh viện này sẽ có hệ thống oxy hồi sức cấp cứu, hỗ trợ kiểm soát nhiễm khuẩn, tạo thông khí, dinh dưỡng cho người bệnh, xét nghiệm sinh hóa, vi sinh, cấy nấm.
Đặc biệt, các địa phương ít nhất có 1-2 bệnh viện có phương án chuyển đổi thành bệnh viện điều trị COVID. Phải có phương án thiết lập một đơn vị dã chiến được xây dựng từ một cơ sở dân sự. Chẳng hạn như với 60% ca mắc không có triệu chứng chỉ cần cách ly điều trị tại ký túc xá hoặc cơ sở dân sự khác, có tổ y tế theo dõi.
Liên quan tới công tác xét nghiệm COVID-19, Bộ trưởng Y tế cho hay hiện nay, mỗi ngày Việt Nam thực hiện từ 3.800-4.000 mẫu. Con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 7. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Long đánh giá, so với các trường hợp có triệu chứng cúm, viêm phổi nặng thì con số xét nghiệm này còn rất thấp, trong khi chúng ta có cơ chế, có bảo hiểm y tế chi trả.
Ông Long nhấn mạnh: Bài học là phát hiện càng nhanh, dập dịch khoanh vùng càng nhanh. Trung Quốc xét nghiệm 4 triệu dân cho 1 thành phố là như vậy. Vì vậy, cần lưu ý phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nếu không thì sẽ có tình trạng lấy mẫu không kịp xét nghiệm như bài học từng xảy ra tại Hà Nội.
Hiện, các cơ sở y tế đang hoạt động trở lại gần như bình thường, đây cũng là một trong nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. Theo ông Long, Bộ Y tế đã ban hành chỉ đạo để phòng, chống COVID-19 chặt chẽ tại các cơ sở y tế tuy nhiên, bên cạnh các bệnh viện thực hiện tốt thì vẫn còn một số bệnh viện còn lơ là, đặc biệt là khối tư nhân, bệnh viện tư nhân.
Ông Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo về việc giám sát COVID-19 ở thực phẩm nhập khẩu. Bộ Y tế đã yêu cầu thực phẩm đông lạnh từ nước có dịch phải được xét nghiệm COVID-19 vì khả năng sinh tồn ở thời gian dài. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 cần phải đẩy lên cao hơn, cần chuẩn bị tất cả các tình huống ứng phó với việc xuất hiện ca bệnh COVID-19 ở cộng đồng.
Theo TTXVN