Những năm trước, bèo tây chỉ được dùng làm phân bón, thức ăn cho gia súc, thì gần đây, nhiều hộ dân ở Thanh Hà đã thu gom, phơi bèo tây để tăng thêm thu nhập.
Mỗi năm chị Luyên có thêm 5-6 triệu đồng nhờ phơi bèo tây
Với đặc điểm có nhiều sông ngòi nên bèo tây mọc phổ biến ở Thanh Hà. Những năm trước, bèo tây chỉ được dùng làm phân bón, thức ăn cho gia súc, thì gần đây, nhiều hộ dân ở Thanh Hà đã thu gom, phơi bèo tây để tăng thêm thu nhập. Bèo tây khi phơi khô có độ dai, trở thành nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng mỹ nghệ đẹp mắt như: ghế, túi xách, lẵng hoa… Tuy nhiên, hiện nay ở Thanh Hà, người dân chỉ phơi và bán bèo phơi khô dạng thô cho các đầu mối thu mua.
Khoảng 8 năm trước, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây bèo tây, Hội Phụ nữ xã Thanh An đã đứng ra vận động hội viên thu gom, phơi khô để tăng thêm thu nhập. Bèo có sẵn trong tự nhiên, người dân chỉ cần tranh thủ thời gian rảnh rỗi cũng có thêm vài triệu đồng mỗi năm. Theo chị Ngô Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, năm trước cả xã có khoảng 100 người làm nghề này. Ngoài nguồn bèo ở địa phương, nhiều chị em còn rủ nhau đến các xã của huyện lân cận để thu gom. Tuy nhiên, năm nay lượng người cắt bèo ở xã giảm hẳn do ảnh hưởng của thời tiết, bèo phát triển chậm; mưa nhiều nên việc phơi gặp khó khăn.
Đến thăm gia đình chị Ngô Thị Luyên ở đội 5 thôn Quách An, vừa bước qua cánh cổng nhỏ chúng tôi bắt gặp bèo tây ở khắp nơi: bèo còn tươi phơi trên sân, trên bờ tường, bèo tây đã khô xếp ngay ngắn trước cửa. Vừa đưa tay gạt mồ hôi, chị vừa cho biết: “Thời gian này phải tranh thủ gặt, làm màu cho xong để tuần sau đi cắt bèo. Mỗi năm, tranh thủ vài tháng nông nhàn đi cắt bèo phơi khô, vẫn bảo đảm thời vụ mà lại có thêm 5-6 triệu đồng chi tiêu nữa. Cũng nhờ có nghề này mà 8 năm nay, gia đình tôi có thêm thu nhập”.
Không chỉ ở Thanh An, bèo tây còn được nhiều phụ nữ trong huyện thu gom, phơi khô như ở các xã Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Cường, Tân An, An Lương… Theo những người làm nghề, phơi bèo tây cũng có mùa, thường là từ tháng 5 tới tháng 12. Để có được những cọng bèo tây khô đều, trắng đẹp, nông dân cũng khá vất vả. Bèo tây được chọn thường là những cọng có chiều dài thân từ 60 cm trở lên, cắt hết lá, rễ, đem phơi khô. Vào mùa hè, khoảng 1 tuần bèo sẽ khô cong. Sang mùa thu, khi bèo khô khoảng 70-80%, buổi tối phải thu gọn và cất đi, nếu để bèo phơi sương sẽ bị đen, mốc. Người phơi bèo cũng phải luôn chân, luôn tay, cả ngày đi cắt, phơi, tối về phải ngồi phân loại. Thông thường 9-12 kg bèo tươi sẽ được 1 kg bèo khô, giá khoảng 6.000 - 6.500 đồng1 kg bèo khô.
Trên địa bàn huyện Thanh Hà hiện có 8-10 điểm thu mua bèo tây khô. Anh Phạm Văn Toản ở thôn 3 xã Thanh Xá - một trong những người đầu tiên phơi và thu mua bèo tây trong huyện cho biết, 9 năm trước, anh theo thuyền bè chở than, đi qua khu vực Bình Dương thấy phơi rất nhiều bèo. Hỏi ra mới biết bèo khô dùng để xuất bán sang Trung Quốc, Ma Cao làm đồ mỹ nghệ. Thanh Hà là vùng đất có nhiều vườn cây ăn quả, bèo tây mọc ở các rãnh nước trong vườn có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, khí hậu lạnh ngoài Bắc giúp cho cọng bèo dai, cứng hơn. Anh nảy ra ý định phát triển nghề này ngay chính tại quê hương. Những năm trước, mỗi ngày anh có thể thu mua 4-5 tấn bèo khô từ các xã lân cận. Sau khi được xử lý tẩy trắng, những cọng bèo tây khô trắng muốt, dẻo dai. Mỗi năm gia đình anh Toản thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng từ nghề này. Chỉ cho chúng tôi xem một chiếc túi xách đẹp mắt được làm từ bèo tây, anh cho biết: "Mỗi 1 kg bèo tây khô chỉ có giá 6 nghìn đồng. Để làm ra sản phẩm này chỉ mất khoảng 15-16 nghìn đồng, nhưng khi xuất bán sang nước ngoài, giá của nó là 24 đô-la, tương đương 500 nghìn đồng”. Vì vậy, anh vẫn luôn ước có đủ vốn liếng, phát triển nghề đan bèo giúp người dân cải thiện cuộc sống, vừa phát triển kinh tế gia đình.
Nghề phơi bèo tây đã giúp một bộ phận người dân Thanh Hà có thêm một khoản thu nhập lúc nông nhàn. Đặc biệt, việc cắt bèo tây trong các rãnh ở vườn, ao, sông còn góp phần hạn chế tình trạng ách tắc dòng chảy.
HỒNG HẠNH