Sự tăng trưởng mạnh mẽ của điện ảnh với những tác phẩm đạt doanh thu lớn tạo dấu ấn đậm nét, kéo theo sự kỳ vọng của giới làm phim về câu chuyện đưa phim Việt ra với quốc tế.
Series Lật mặt của Lý Hải đã manh nha chiếu tại Mỹ, Úc và Canada từ năm 2019. Hai Phượng của Ngô Thanh Vân được xem là phim Việt có doanh thu quốc tế cao nhất đến hiện tại với gần 2 triệu USD tiền vé (khoảng gần 50 tỷ đồng) ở thị trường quốc tế.
Phim Bố già đã ra rạp tại Singapore và Malaysia từ ngày 22.4 và Mỹ hôm 28.5. Theo báo cáo từ trang Deadline, tác phẩm đã thu về hơn 820.000 USD (gần 20 tỷ đồng) sau 2 tuần. Con số này dự kiến còn tăng cao khi tác phẩm vẫn đang được mở rộng suất chiếu với 45 rạp trong tuần tới. Đây cũng là một thành tích ấn tượng đối với một phim Việt tại phòng vé hàng đầu thế giới, nhất là trong mùa dịch Covid-19.
Phim Thiên thần hộ mệnh được công chiếu ở nhiều nước dù không đạt được doanh thu như mong đợi tại Việt Nam
Một số phim Việt dù không nổi trội về doanh thu nhưng nhà sản xuất đã đạt được thỏa thuận với các đối tác để bảo đảm công chiếu ngoài lãnh thổ. Phim Thiên thần hộ mệnh sẽ được ra mắt khán giả Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ireland, Czech, Australia và một số nước trong khu vực ASEAN. Phim kinh dị Bóng đè dù chưa phát hành trong nước nhưng đã được mua bản quyền để phát hành tại 25 quốc gia trên thế giới.
Cục Điện ảnh Việt Nam cũng tiếp tục tạo thế chủ động, tích cực tham gia vào liên hoan phim quốc tế uy tín như Cannes, Berlin, Busan thông qua dòng phim nghệ thuật. Việc gửi các phim đề cử tranh giải tại Oscar như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô ba Sài Gòn, Cha cõng con... để thông qua đó học hỏi, cọ xát trình độ với bạn bè, đồng nghiệp trong khu vực và châu Âu, châu Mỹ ngày càng phổ biến. Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức Tuần phim Việt Nam tại các nước ngoài để mang những phim đoạt giải trong nước đến bạn bè quốc tế.
Nếu trước đây, các nhà sản xuất trong nước chủ yếu ra nước ngoài bằng hình thức liên hoan phim, đề cử giải hay chiếu với quy mô nhỏ lẻ, thì nay nhiều tác phẩm đã được chiếu thương mại (dù chỉ mới chập chững bước đầu) song đã đạt được một số thành tích tương đối khả quan.
Biến tiềm năng thành tiền
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2030, điện ảnh được xác định là ngành giàu tiềm năng và có nhiều cơ hội bứt phá. Sự tăng trưởng mạnh mẽ với những tác phẩm đạt doanh thu lớn tạo dấu ấn đậm nét, kéo theo sự kỳ vọng của giới làm phim về câu chuyện đưa phim Việt ra với quốc tế.
Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt tăng trưởng đáng kể. Nhiều tác phẩm có doanh thu kỷ lục. Trong giai đoạn trước dịch Covid-19, tổng doanh thu toàn thị trường năm 2019 đạt hơn 4.000 tỷ đồng so với dự báo 3.000 tỷ đồng của chiến lược phát triển văn hóa.
Nhiều phim Việt đạt doanh thu phòng vé trăm tỷ trong những năm gần đây
Theo thống kê từ trang Box Office Vietnam, tổng doanh thu 10 phim ăn khách nhất Việt Nam hiện nay xấp xỉ 1.800 tỷ đồng. Phim có doanh thu cao nhất là Bố già với 420 tỷ đồng, các phim còn lại trong top 10 đều đạt trên trăm tỷ đồng (Em là bà nội của anh, Tiệc trăng máu, Cua lại vợ bầu…). Điều này chứng tỏ tiềm năng về sự bứt phá thị trường điện ảnh trong nước luôn hiện hữu.
Điện ảnh Việt Nam được đánh giá non trẻ và manh nha những bước đầu ra thế giới cũng nỗ lực hội nhập quốc tế. Đưa phim Việt công chiếu ở nước ngoài là hướng đi của nhiều nhà sản xuất gần đây sau khi phim đạt được thành tích cao trong nước.
Giải pháp để phim Việt “ra biển lớn”
Một số nhà sản xuất trong nước hiện lựa chọn hướng đi an toàn khi làm phim, tức đi mua kịch bản tác phẩm nổi tiếng và làm lại (remake). Điều này vừa đỡ áp lực phần nào về doanh thu, vừa chiều chuộng được thị hiếu khán giả. Các dự án phim làm lại từ bản gốc như: Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Tiệc trăng máu,… đều đạt lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại về yếu tố văn hóa trong phim Việt cùng câu hỏi Việt Nam đến bao giờ có kịch bản đủ hay cho riêng mình?
Điện ảnh Việt đang thiếu những phim có tính văn hóa bản địa mạnh mẽ, độc đáo. Các nhà làm phim cần kể câu chuyện riêng biệt của mình, thay vì cố gắng vay mượn hình ảnh của các nước khác.
Phim Việt muốn xâm nhập vào thị trường ngoại đều phải có bản sắc dân tộc. Thực tế cho thấy những bộ phim ăn khách của nước ngoài và cả những bộ phim giành giải liên hoan phim đều phản ánh những đặc trưng của một xã hội, một quốc gia. Ký sinh trùng của Hàn Quốc là một minh chứng cụ thể khi giành Oscar 2020 cho hạng mục "Phim xuất sắc nhất".
Khoan hãy nói đến giải thưởng, ngay từ bây giờ, để hội nhập quốc tế mạnh mẽ thì những nhà làm phim cần chú trọng cho kịch bản chất lượng, phản ánh con người, văn hóa và lịch sử Việt Nam. Thực tế các phim Việt ăn khách, đạt doanh thu cao đều có những điểm chung về nội dung là phản ánh đời sống, ước mơ của người châu Á; hoặc có yếu tố máu mủ ruột thịt, gia đình.
Phim Bố già của Trấn Thành tạo cú hích lớn cho điện ảnh Việt.
Sự thành công của Bố già gần đây là minh chứng cho điều này. Yếu tố then chốt quyết định thành công của tác phẩm là kịch bản được xây dựng gần gũi, “đời”, với mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình khá phổ biến của người Việt. Điều này đã đáp ứng được thị hiếu và “chạm” đến cảm xúc số đông khán giả.
Do đó, muốn hội nhập quốc tế một cách nghiêm túc chỉ có một con đường duy nhất là làm phim về con người, văn hóa và lịch sử Việt Nam. Hình ảnh của mỗi dân tộc, vùng miền Việt Nam cần được gìn giữ, phát huy thông qua ngôn ngữ điện ảnh để chúng ta hòa nhập nhưng không hòa lẫn. Đây cũng là cách định vị Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển theo xu thế toàn cầu hóa.
Theo Vietnamnet