Philippines đã trình 4.000 trang tài liệu lên Tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan kiện Trung Quốc liên quan tới các tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông.
Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert Del Rosario (trái) và Tổng công tố
Francis Jardelaza phát biểu với báo chí - Ảnh: inquirer.net
Ngày 30-3, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines nói với báo Philippine Star rằng các tài liệu đã được nộp ở The Hague nhằm giải thích lập trường và các đòi hỏi chính đáng của phía Philippines.
Chính phủ Philippines đã đưa các tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ của họ với Trung Quốc ra tòa án quốc tế từ tháng 1-2013, sau khi các tàu của chính quyền Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát một rặng san hô ở phía tây bắc Philippines.
Đơn kiện của Philippines yêu cầu tòa tuyên bố việc Trung Quốc nhận tới 80% vùng biển chiến lược này và việc Bắc Kinh chiếm 8 rặng san hô và đảo đá ngầm ở Biển Đông là bất hợp pháp. Trung Quốc đã nói họ sẽ không tham gia vụ kiện.
Chi tiết của 4.000 trang tài liệu, theo báo Philippines The Inquirer, bao gồm:
1) Chương 1 bao gồm các phân tích của phía Philippines, trong khoảng 270 trang, trình bày “các bằng chứng pháp luật liên quan và có thể áp dụng được”.
2) Cũng trong chương này, yêu cầu tòa án quốc tế phán xử về những tuyên bố chủ quyền của phía Philippines thông qua tuyên bố chủ quyền chính thức của nước này.
3) Chương 2 tới chương 10 có các bằng chứng và bản đồ ủng hộ tuyên bố của Philippines với các quần đảo tranh chấp.
4) Chương 2 tới chương 10, gồm gần 3.700 trang, có gần 40 bản đồ ủng hộ các lập luận trong chương 1.
5) Tổng công tố nhà nước Philippines Francis Jardeleza cũng nói tài liệu bác bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Del Rosario nói tài liệu này thể hiện “lợi ích quốc gia (của Philippines)… để bảo vệ những gì thuộc về chúng ta một cách hợp pháp, bảo đảm cho tương lai của con cháu chúng ta, bảo đảm tự do hàng hải cho tất cả các nước”.
Ông cũng giải thích Philippines “không chỉ hy vọng tìm kiếm một phán quyết mà cả một giải pháp công bằng và bền vững dựa trên luật pháp quốc tế”.
HẢI MINH(Tuổi trẻ)