Chợ quê đã đi vào kí ức cộng đồng bao thế hệ. Cuộc sống phát triển thì chợ quê cũng thay đổi là điều dễ thấy. Nhưng nét dân dã, chất phác, tươi mởn của chợ quê chẳng hề thay đổi.
Chợ quê đã đi vào kí ức cộng đồng bao thế hệ. Cuộc sống phát triển thì chợ quê cũng thay đổi là điều dễ thấy. Nhưng nét dân dã, chất phác, tươi mởn của chợ quê chẳng hề thay đổi. Chợ quê vẫn là nơi phô trưng đậm đặc những nét văn hóa Việt. Và nó cũng tạo nên bao cảm xúc, để rồi đằm sâu trong nỗi nhớ của bao thế hệ dân làng, nhất là phiên chợ đầu năm.
Sáng tinh mơ mùng 3 Tết, có khi trời còn lất phất mưa bay thì các mẹ, các chị đã vội vàng đi chợ. Dân quê tôi gọi là phiên chợ mở hàng. Chợ quê mở hàng không đơn thuần là bán mua trao đổi những vật phẩm, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao gửi tình làng nghĩa xóm của những người làm bà, làm mẹ, làm vợ.
Trước hết, trong phiên chợ mở hàng này, họ coi đó là phiên chợ cầu may với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt, cho sức khỏe dồi dào, cho toàn gia êm ấm. Vì vậy, trên gương mặt ai cũng hớn hở tươi vui, dịu dàng trong từng câu nói, như bản chất vốn có của nét đẹp chợ quê.
Chợ họp sớm, tan nhanh. Hàng hóa chủ yếu là những sản phẩm làm ra từ vườn ruộng. Đơn giản thôi. Chỉ ít bó rau tươi mởn còn ngậm sương xuân, mấy bó hoa tươi đẫm hương khoe sắc, ít bó trầu, chùm quả cau xanh... Họ xem đấy là “lộc trời” của nhà mình làm ra, đem chia sẻ trao đổi cùng nhau là chính nên chẳng kỳ kèo giá cả. Dường như vừa bán, vừa biếu. Chỉ mong đem về ít lộc làm niềm vui năm mới.
Rồi con sông quê hiền hòa chạy dọc ven làng. Nơi cho “con trâu đằm phía dưới, bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn” luôn lưu giữ trong kí ức dân làng. Con sông quê thân thương ấy lại đem đến nguồn thủy sản được người dân vớt lên từ những mẻ lưới cầu may đêm qua cũng được đem sớm đến chợ quê mở hàng. Họ cũng cùng chung quan niệm: sẻ chia trao đổi, chỉ mong đem về tí lộc đầu năm.
Nếu chợ quê 30 Tết có cái háo hức mua sắm để đón Tết mừng xuân, có đầy đủ các thức các món, có lũ trẻ lon ton theo chân mẹ để được sắm cho áo quần, giày mũ mới thì chợ quê mở hàng chỉ chủ yếu là sản phẩm của quê. Cách mua sắm các mặt hàng mang đậm dấu ấn tâm linh ở phiên chợ này. Thức mua đầu tiên mà các bà, các mẹ chú tâm là trầu cau, hương hoa, giấy vàng mã cùng ít hàng tươi sống khác, để lo mâm cỗ đưa tiễn tiên linh ông bà. Tất cả đều được chuẩn bị tinh tươm với tấm lòng khiêm cung hiếu đễ. Tiếp đến là muối, họ không thể không mua. Vì theo tập tục: “Đầu năm mua muối...” mà ông bà xưa truyền lại, với ước vọng mua về cái ấm no hạnh phúc, cái thủy chung tình nghĩa, cái may mắn an lành.
Chợ quê mở hàng còn thấp thoáng hình bóng lứa đôi đang tuổi xuân thì bên những bó hoa đẫm hương, đậm sắc như tuổi xuân của họ. Họ mua về thay cho lọ hoa Tết mấy ngày qua. Và gửi vào đó là những ước mơ tuổi trẻ trong năm mới đang về. Trong số họ, có người xa quê lên chốn thị thành lập nghiệp, hay còn đeo đuổi trên con đường học vấn. Có thể, “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” nhưng chất quê vẫn còn đó, cái đậm đặc nồng nã của kí ức quê nhà, cái chân chất chợ quê vẫn theo họ đi suốt cuộc đời.
Chợ quê mang lại những chiều cảm xúc lắng đọng của người dân quê trước mùa xuân mới với bao ước vọng tốt đẹp.
BÙI HUYỀN TƯƠNG