Nhiều nhà sản xuất đắn đo trong việc lựa chọn thời điểm đưa phim ra rạp. Họ cho biết đang cân nhắc, theo dõi thị trường cũng như tâm lý khán giả.
Nhà sản xuất Việt cân nhắc lựa chọn thời điểm ra mắt phim sau dịch. Bẫy ngọt ngào nhiều lần hoãn ra rạp
Một bộ phim Việt sẵn sàng ra rạp sau thời gian ngành điện ảnh đóng băng là phép thử đối với thị trường. "Phép thử" ấy là sự đo lường về tâm lý, thị hiếu khán giả cũng như thời điểm công chiếu để phim đạt được hiệu quả cao nhất.
Trong số hơn 15 dự án điện ảnh chờ ngày ra rạp, đâu sẽ là phép thử có thể tạo ra bước đột phá, giúp “hâm nóng” bầu không khí rạp chiếu phim sau quãng thời gian dài ảm đạm vì giãn cách xã hội? Đó là câu hỏi đặt ra cho các nhà sản xuất Việt hiện nay.
Nhà sản xuất đắn đo chọn thời điểm công chiếu
Nhà sản xuất Minh Hằng cho biết việc lựa chọn thời điểm công chiếu cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của tác phẩm. Sau hai năm "thai nghén", cô và ê-kíp nôn nóng để đưa phim giới thiệu với khán giả.
Hiện tại, nhà sản xuất của Bẫy ngọt ngào trong quá trình cân nhắc để tìm ra thời điểm công chiếu phù hợp.
"Đa số các phim Việt có mức đầu tư lớn đã ra mắt từ đầu năm và sót lại mỗi Bẫy ngọt ngào. Vì thế, tôi mong dự án lần này của mình cùng ê-kíp có màn trình làng ấn tượng và tạo được dấu ấn", cô cho biết.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho hay anh đã tạm chốt được thời điểm ra mắt của Rừng thế mạng và Chuyện ma gần nhà trong năm nay. Tuy nhiên, ê-kíp phải chờ ngày rạp phim được mở cửa trở lại mới sẵn sàng công bố chính thức.
Đại diện của công ty Điền Quân - nhà sản xuất Vô diện sát nhân - nói với Zing doanh thu của phim chủ yếu từ phát hành tại rạp do đó họ phải chờ đợi, theo dõi thị trường.
"Phim quay từ năm 2019, trải qua nhiều đợt dịch, đến nay vẫn lỡ hẹn ra rạp. Đầu năm nay, ê-kíp dự kiến công chiếu vào tháng 4 nhưng lại dời lịch. Thiệt hại hiện chưa thống kê cụ thể. Hiện, chúng tôi chờ rạp phim mở cửa trở lại để có thể bàn bạc với nhà phát hành và chọn lựa thời điểm tốt nhất ra mắt phim", đại diện Điền Quân chia sẻ.
Theo đại diện của Lotte Cinema, ba phim từng phát hành trước đợt giãn cách gồm Lật mặt 5, Thiên thần hộ mệnh và Trạng Tí, hiện chưa phim nào sẵn sàng ra mắt lại.
"Doanh thu của họ phụ thuộc vào các tỉnh phía Nam nhiều. Nếu không có rạp ở miền Nam, doanh thu có khả năng giảm 50% nên họ phải suy nghĩ. Tôi có trao đổi với nhà phát hành của Lật mặt 5 nhưng chưa có lịch chính xác. Thiên thần hộ mệnh đang xem xét. Trạng Tí thì chưa có kế hoạch gì", người này cho biết.
Trong số hơn 15 dự án điện ảnh chờ ngày ra rạp, nhà sản xuất của 578: Phát đạn của kẻ điên, Em và Trịnh quyết định dời lịch chiếu sang năm 2022.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết việc lùi lịch chiếu sẽ khiến phim phải chịu thiệt hại lớn về chi phí sản xuất, truyền thông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch trong 5 tháng qua, quá trình sản xuất không thực hiện được. Vì thế, để đảm bảo hoàn thành phim chỉn chu, ê-kíp chấp nhận dời lịch phát hành.
Cơ hội nào cho phim Việt nếu ra rạp cuối năm?
Nếu ra rạp trong 3 tháng cuối năm, phim Việt sẽ đối đầu trực tiếp với loạt bom tấn nước ngoài được công chiếu tại Việt Nam như Shang-Chi, No Time to Die, Black Widow, Fast & Furious 9, Dune, Eternals, Spider-Man: No Way Home...
Thông thường, các nhà làm phim Việt thường chọn thời điểm ra mắt phim vào dịp lễ Tết truyền thống hoặc tránh công chiếu cùng lúc với các tác phẩm lớn của Hollywood để đảm bảo về mặt doanh thu.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của đạo diễn Trần Hữu Tấn, việc phim Việt công chiếu cùng thời điểm với bom tấn Hollywood ở thời điểm hiện tại mang đến nhiều lợi ích hơn là tác hại.
Anh lý giải: "Việc có nhiều phim hay trên thế giới công chiếu sẽ giúp lôi kéo khán giả quay lại rạp. Ngoài ra, sau chuỗi bom tấn nước ngoài, có thêm phim Việt sẽ giúp người xem đổi khẩu vị. Tôi tin một bộ phim Việt tốt, chỉn chu và có yếu tố mới lạ vẫn được đón nhận".
Ngoài việc đối đầu với bom tấn nước ngoài, phim Việt còn đối mặt với thách thức lớn đến từ tâm lý của khán giả. Sau quãng thời gian dài ở nhà vì dịch, người xem có tâm lý "lười" ra rạp. Kinh tế bị ảnh hưởng khiến họ cũng cân nhắc trong việc chi tiêu cho các sản phẩm giải trí. Thay vào đó, họ tìm đến với nhiều phim hay được chiếu trên nền tảng trực tuyến.
Nhận xét về điều này, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cho biết đối tượng và nhu cầu của khán giả xem phim tại rạp và trực tuyến khác nhau. Vì thế, đạo diễn cho rằng mảng chiếu phim rạp truyền thống sẽ không bị ảnh hưởng bởi các nền tảng trực tuyến.
"Xem phim ở rạp vẫn là một thói quen giải trí của người Việt Nam. Đã một thời gian dài chúng ta không được đi xem phim, ăn bắp rang chắc hẳn sẽ nhớ lắm. Tôi luôn cố gắng nhìn vào bức tranh tươi sáng của ngành điện ảnh Việt", cô trao đổi.
Đinh Hà Uyên Thư viện dẫn thành công về mặt phòng vé ngoài mong đợi của Venom: Let There Be Carnag hay Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings là dấu hiệu chứng minh khán giả vẫn xem trọng màn ảnh rộng.
"Ở Mỹ sau đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhu cầu xem phim và giải trí tăng vọt 70%. Những tưởng nền tảng trực tuyến có thể thay thế rạp chiếu phim, nhưng rồi Shang-Chi và sau đó là loạt phim khác, Disney vẫn quay về độc quyền tại rạp trước khi chiếu trực tuyến. Khán giả cũng sẵn sàng trở lại rạp, bên cạnh việc chi tiền để xem phim trên ứng dụng trực tuyến", cô nói.
Cùng quan điểm, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ trong thời đại này, khán giả có nhiều lựa chọn trong hình thức giải trí. Việc phim phát hành tại rạp và chiếu trực tuyến là xu hướng chung của điện ảnh thế giới.
Tuy nhiên, mỗi phương tiện đều có giá trị riêng nên điện ảnh chiếu rạp sẽ không thể mất đi.
"Tôi luôn mong các tác phẩm điện ảnh sẽ đến được rạp chiếu. Rạp chiếu thực sự là nơi lý tưởng để mang đến mọi cảm nhận và giá trị thưởng thức ngôn ngữ điện ảnh đầy đủ nhất tới khán giả. Có những cảm giác mà bạn chỉ có thể trải nghiệm khi xem phim tại rạp".
Theo Zing