Nếu có cách đối nhân xử thế đúng đắn, có phép lịch sự trong giao tiếp thì người ta sẽ có nhận thức đúng đắn về đạo đức, tư cách, lối sống của mình.
Hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là khác nhau, được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành trong một môi trường nhất định. Hành vi ứng xử văn hóa được coi là các giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Nó được biểu hiện trong mối quan hệ với những người chung quanh, trong học tập, công tác, với bạn bè và thậm chí ngay cả với chính bản thân mình. Chúng ta bàn nhiều về đạo đức, nhân cách của một con người, nhưng ít ai bàn đến phép lịch sự, cách đối nhân, xử thế trong các mối quan hệ giao tiếp diễn ra hằng ngày trong gia đình và ngoài xã hội.
Con người chúng ta sống giữa các mối quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp. Các mối quan hệ này có ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển nhân cách và xu hướng hành động của họ. Chính cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải có cách xử thế đúng đắn, thể hiện qua phép lịch sự trong quá trình giao tiếp với các đối tác khác nhau. Cách xử thế của mỗi cá nhân trong sự giao tiếp xã hội, được gắn với nền văn minh của từng thời đại và đặc điểm văn hoá của từng dân tộc, khu vực dân cư. Các biểu hiện của cách ứng xử mang tính dân tộc, tính giai cấp, giới tính, tuổi tác... Nó chịu ảnh hưởng của nghề nghiệp, địa vị xã hội và cũng mang đặc điểm cá tính của mỗi người. Phép lịch sự trong việc ứng xử chính là một sự tổng hợp các nghi thức được biểu hiện ra trong cách giao tiếp, nhưng không phải là những ứng xử một cách máy móc mà là những việc làm, lời ăn tiếng nói linh hoạt, nhiều vẻ, gắn với từng hoàn cảnh, từng môi trường cụ thể và tuỳ theo đối tác gặp gỡ.
Để có thể tiếp xúc, trò chuyện với người khác một cách thoải mái thì bản thân chúng ta phải biết thích ứng với những gì đang diễn ra xung quanh mình. Sự cân bằng tình cảm đó sẽ đem lại cho ta một cảm giác thoải mái, tin tưởng trong sự giao tiếp. Khéo ứng xử và ứng xử tế nhị là không nên làm phiền người khác, không đi sâu vào đời tư của họ, biết giữ một khoảng cách giữa mình với người tiếp xúc, đặc biệt khi mới gặp, không nên kể chuyện đời tư của mình một cách dễ dãi, không mời đến nhà những người ít quen biết...
Nếu có cách đối nhân xử thế đúng đắn, có phép lịch sự trong giao tiếp thì người ta sẽ có nhận thức đúng đắn về đạo đức, tư cách, lối sống của mình. Điều này giúp chúng ta ngày càng trưởng thành lên và có kinh nghiệm sống ngày càng phong phú.
VÕ HOÀNG NAM(Khánh Hòa)