Sau chiến thắng chấn động làng túc cầu châu lục trước Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á 2020 tại sân Mỹ Đình, đã có rất nhiều bài viết, nhiều ý kiến phân tích làm rõ các nguyên nhân làm nên chiến thắng đầy ngoạn mục này.
Tôi không có tham vọng sẽ tổng kết được tất cả các nguyên nhân ấy nhưng với góc nhìn của mình, tôi muốn góp một ý kiến làm rõ căn nguyên của thắng lợi này bằng một phép cộng hoàn hảo được mang tên: “Cái đầu của thầy Park đồng điệu cùng những đôi chân của các cầu thủ, song hành cùng tư duy bóng đá trẻ và được hâm nóng bởi trái tim người hâm mộ”.
Trước tiên là cái đầu của chiến lược gia người Hàn Quốc Park Hang Seo. Xâu chuỗi các trận túc cầu từ khi ông thầy Hàn cầm quân với vai trò là huấn luyện viên trưởng mới thấy được cái đầu của ông có giá trị cỡ nào. Bởi lẽ cũng những cầu thủ ấy, cùng bộ máy vận hành nền bóng đá ấy và vẫn bầu nhiệt huyết của hàng triệu cổ động viên ấy, tại sao trước đó bóng đá nam Việt Nam ở cấp độ đội tuyển lại cứ loanh quanh, luẩn quẩn như gà mắc tóc, không vượt qua khỏi "ao làng" Đông Nam Á? Phải chăng người ta gọi ông Park là phù thủy là bởi ông có phép thuật thật? Điều đó chỉ có trong viễn tưởng. Khi ta theo dõi từng trận đấu, theo dõi từng hành động, cử chỉ của vị chiến lược gia này sẽ cho ra đáp án đúng nhất. Các mảng miếng chiến thuật tôi xin phép không nhắc lại ở đây vì đã có hàng trăm bài phân tích, hàng nghìn ý kiến bình luận sau mỗi trận. Nhưng tôi xin đi vào một vài chi tiết được đưa ra từ cái đầu của ông. Sau trận đấu với Thái Lan, ở phòng thay đồ, ông thầy Hàn đã trở thành một người cha thân thương trìu mến khi ông đến ôm từng cầu thủ. Sức mạnh tinh thần, mặt trận tư tưởng được ông chú ý tới ngay cả sau trận đấu đã cho thấy cái cách truyền thông điệp tới các cầu thủ của ông đặc biệt đến nhường nào. Nhưng ở chiều ngược lại, ông luôn nêu cao tinh thần đồng đội - một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của mỗi trận cầu. Vì thế mà chiến lược gia này đã không cho bất cứ học trò nào có điều kiện nảy nở “bệnh ngôi sao”, mà ông trao cơ hội cho tất cả các cầu thủ và tạo ra sự ganh đua lành mạnh bằng việc tự chứng minh bản thân. Cách thức khen thưởng và kỷ luật của ông đã trở thành thứ vũ khí mềm sắc bén khiến tất cả “đàn con” của mình đều phải tự giác chấp hành, nỗ lực phấn đấu. Phải chăng ông nhìn rõ thấy sức mạnh tiềm tàng có trong nhân tố kỹ thuật và sức mạnh tuyệt đối khi người Việt đoàn kết để tìm ra phương án hóa giải tối ưu nhất. Tôi rất ấn tượng với phần chia sẻ của Đình Trọng khi nói rằng thầy Park luôn đề cao tinh thần dân tộc, ý chí tập thể (chiến đấu bằng tinh thần Việt Nam).
Cái đầu của ngài Park so với cái đầu của các chiến lược gia trong làng túc cầu thế giới thì chưa phải là xuất chúng, nhưng ở đây với tôi là xuất chúng vì nó phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Chính vì vậy mà tôi sử dụng hai chữ “đồng điệu” để chỉ độ tương thích tối ưu nhất. Người Việt có câu “dùng dao mổ trâu để giết gà” và ở điểm này thầy Park mới là người hiểu rõ câu này nhất để đưa ra những phương án nhân sự, kỹ chiến thuật, tư tưởng… đạt hiệu suất cao nhất góp phần đem lại sự bứt phá ngoạn mục cho bóng đá nam Việt Nam.
Nhân tố thứ hai trong "phép cộng hoàn hảo" mà tôi nhắc đến là những đôi chân của cầu thủ. Có thể khẳng định chưa bao giờ chúng ta có được những lứa cầu thủ trưởng thành như hôm nay. Có được dàn cầu thủ khá dồi dào và tương đối đồng đều nên ông thầy người Hàn tự tin với nhiều lựa chọn cho một vị trí theo cách thức “con cáo và chùm nho”. Trên hàng ghế dự bị đều là những cầu thủ có chất lượng đã cho ông phép “điều binh, khiển tướng” như phù thủy. Và đây cũng chính là cơ sở tạo ra cuộc đua “sóng ngầm đáy sông” để cạnh tranh có được suất đá chính trong con mắt “phù thủy” Park, tạo động lực thôi thúc các cầu thủ nỗ lực phấn đấu. Sự trưởng thành còn được thể hiện trong bản lĩnh thi đấu của các cầu thủ đã tạo ra sự khác biệt. Trước các đội bóng lớn, các cầu thủ dưới thời ông Park đã không còn lo, sợ mà ngược lại đã tự tin triển khai đội hình chiến thuật, tạo nên sự gắn kết cần thiết để chiến thắng.
Trong cơn bão truyền thông trước trận gặp Thái Lan tối 26.3 vừa qua, gần như hầu hết các nhận định được đưa ra là Việt Nam dưới cơ Thái Lan. Thậm chí người Thái và một số cổ động viên của nước khác cũng lên tiếng: “dạy cho Việt Nam một bài học”. Nhưng thực tế đã chứng minh các học trò của ông Park đảo ngược lại bài học cho Thái Lan. Những chi tiết văn hóa ứng xử của cầu thủ Việt trước những lỗi chơi xấu của người Thái đã nâng cao tầm vóc các cầu thủ, cho thấy sự trưởng thành một cách hoàn thiện, làm tan chảy tư duy chơi xấu, nghĩ xấu không chỉ của người Thái mà là phần còn lại của châu Á. Những dấu hiệu này là chỉ số trưởng thành không ngừng hoàn thiện của những cầu thủ Việt.
Có được sự trưởng thành ấy, chúng ta thành tâm gửi lời cảm ơn tới "kẻ ngông cuồng" Đoàn Nguyên Đức - bầu Đức (không ít người đã từng gọi ông như vậy). Bầu Đức đã tiên phong cho ra đời Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Đây chính là "ngòi nổ" đối với công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của học viện này là lứa cầu thủ mới vừa tài năng, vừa đức độ. Những cái tên Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường… đã trở thành “sản phẩm trưng bày” thôi thúc các lò đào tạo bóng đá trẻ học theo tư duy của bầu Đức. Làn gió mới đã thổi vào và làm thay đổi tư duy bóng đá Việt Nam. Cái tâm, cái tầm của kẻ ngông cuồng được người đời ngưỡng mộ, được cổ động viên suy tôn là “người làm bóng đá số 1 Việt Nam”. Tư duy bóng đá trẻ đã cho những lứa cầu thủ làm nên chuyện ở cấp độ châu lục. Hơn một năm qua, các cầu thủ trẻ đã không chỉ chinh phục trái tim người hâm mộ Việt mà họ đã khiến các đối thủ phải ngả mũ thán phục và trở thành đối thủ đáng gờm của làng túc cầu châu Á.
Được mệnh danh là "hooligan quyến rũ" của làng túc cầu thế giới, người hâm mộ Việt Nam đã ghi điểm là cầu thủ thứ 12 xuất sắc nhất thế giới. Những cảnh tượng làm ngỡ ngàng phần còn lại của thế giới là hình ảnh nhuộm đỏ thế giới phẳng. Từ người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội đến các cụ già, con trẻ, bóng đá đã trở thành chất kết dính không màu, không mùi nhưng đầy thi vị của thông điệp “đoàn kết dân tộc”. Cả rừng cổ động viên ấy đã gửi tới các cầu thủ khát vọng chinh phục, ý chí tự lực, tự cường và mục tiêu hướng tới của bóng đá Việt Nam. Sự tiếp lửa nhiệt huyết của người hâm mộ đã tăng cường chất thép cho các tuyển thủ, giúp họ thăng hoa trong từng trận đấu. Câu chuyện được viết nên bởi tinh thần “trong ngoài sân cỏ là một” đã tạo ra sức mạnh không thể cản phá khiến bóng đá trẻ nam Việt Nam bứt phá vượt ra khỏi "ao làng", vươn lên tầm châu lục.
ĐÀM TUẤN ĐẠT