Nhận thức rõ hiệu quả từ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại, nhưng để phát triển, Ninh Giang cần thêm nhiều nguồn lực.
Mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Bùi Văn Mạnh ở thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hòe mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mặc dù là huyện thuần nông nhưng Ninh Giang vẫn chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Nhận thức rõ hiệu quả từ những mô hình này mang lại, nhưng để phát triển, huyện cần thêm nhiều nguồn lực.
Tự tìm nguồn
Huyện Ninh Giang hiện mới chỉ có 4 mô hình nhà màng, nhà lưới với diện tích khoảng 8.000 m2, chủ yếu trồng dưa lưới, rau sạch. Mô hình chăn nuôi theo CNC ở đây cũng chưa nhiều. Hầu hết các mô hình này được hình thành do người dân tự kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Năm 2018, được sự giúp đỡ của người quen, anh Bùi Văn Mạnh ở thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hòe đã đầu tư xây nhà màng trồng dưa lưới. Khu sản xuất rộng khoảng 3.000 m2, gồm 1.000 m2 của gia đình, còn lại do anh Mạnh tự thu gom thuê lại. Chỉ tính riêng số vốn đầu tư xây nhà màng của anh Mạnh đã khoảng 800 triệu đồng, chưa kể tới đầu tư hệ thống tưới tiêu, camera giám sát… Nhờ chủ động liên kết, anh Mạnh được doanh nghiệp hỗ trợ từ giống, kỹ thuật chăm sóc cho tới thu mua nông sản. Tính riêng năm 2020, khu sản xuất của anh Mạnh thu hoạch được 17 tấn dưa lưới, bán cho doanh nghiệp với giá 30.000 đồng/kg. Trong thời gian vườn dưa lưới nghỉ, anh lại trồng rau, dưa chuột để có thêm thu nhập.
“Trồng cây trong nhà màng nên nỗi lo sâu bệnh giảm đi rất nhiều, mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi phải tự học hỏi, mày mò để có thêm kinh nghiệm chăm sóc cây đậu quả được như ý, kịp thời phát hiện sâu bệnh trong thời gian cán bộ kỹ thuật công ty chưa kịp về hỗ trợ”, anh Mạnh nói.
Gia đình anh Nguyễn Văn Trường ở xóm 7, thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa cũng xây 2 khu chuồng rộng khoảng 4.000 m2 nuôi gà thương phẩm bán cho doanh nghiệp. Anh Trường cũng tự tìm hiểu, liên kết với doanh nghiệp trong chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm. Anh bỏ vốn xây khu chuồng trại đạt tiêu chuẩn tự động hóa theo yêu cầu của doanh nghiệp nên gà bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Đến kỳ thu hoạch, mỗi lứa gà gia đình anh thu lãi khoảng 90 triệu đồng.
Quan tâm hỗ trợ
Phát triển sản xuất nông nghiệp CNC là xu hướng chung của toàn tỉnh và Ninh Giang cũng không ngoại lệ. Mặc dù vậy, để phát triển huyện phải tháo gỡ được nhiều khó khăn trước mắt về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giống cây trồng, vật nuôi, nguồn nhân lực, bao tiêu sản phẩm…
Để đầu tư xây dựng một mô hình sản xuất nông nghiệp CNC đòi hỏi số vốn rất lớn, chi phí đầu tư ban đầu có thể gấp nhiều lần so với mô hình sản xuất truyền thống. Việc sản xuất kiểu mới cũng đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, thói quen canh tác. Việc tiếp cận thị trường tiêu thụ cũng là trở ngại cho nông dân khi sản xuất theo quy trình mới này. Như ở hai mô hình canh tác của anh Mạnh, anh Trường nếu họ không mạnh dạn đầu tư thì khó có được hiệu quả bởi số vốn ban đầu khá lớn. Nếu không bắt tay được với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm thì các hộ này khó có thể duy trì và phát triển. Mặc dù tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân phát triển nhà màng, nhà lưới nhưng chưa nhiều và thường xuyên. Các địa phương do kinh phí eo hẹp nên cũng "lực bất tòng tâm".
Để mô hình này phát triển, mang lại hiệu quả, ngoài việc nhận hỗ trợ từ cấp trên, huyện Ninh Giang cũng cần có nhiều cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp CNC tại địa phương. Huyện cần tăng cường tuyên truyền về những lợi ích của ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp tới nông dân. Khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng. Các ngành cần chủ động tham mưu cho huyện kết nối với doanh nghiệp giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…
THANH HOA