Đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có từ 80 - 90 làng được công nhận làng nghề CN-TTCN; từ 8 - 10% số xã trong tỉnh tổ chức du nhập được các nghề mới.
Theo "Quy hoạch phát triển hệ thống làng nghề tiểu, thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025" do UBND tỉnh ban hành, đến 2015, toàn tỉnh phấn đấu có từ 80 - 90 làng được công nhận làng nghề công nghiệp tiểu, thủ công nghiệp (CN-TTCN); từ 8 - 10% số xã trong tỉnh tổ chức du nhập được các nghề mới. Đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 100 - 110 làng nghề TTCN được công nhận làng nghề CN-TTCN. Định hướng đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 130 - 140 làng nghề hoạt động và được cấp bằng công nhận. 70-80% số làng, thôn còn lại đều có nghề TTCN du nhập. Tỉnh cũng đặt mục tiêu, mỗi năm thu hút thêm 2.000 - 3.000 lao động vào sản xuất tại các làng nghề đã được công nhận trong tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống và phân công lại lao động nông thôn. Theo đó, đến năm 2015, có từ 40 - 45 nghìn lao động; đến năm 2020, có trên 60 nghìn lao động tham gia sản xuất và đến năm 2025 có trên 80 nghìn lao động sản xuất tại các làng nghề. Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp trong các làng nghề đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,7%/năm, chiếm 40% giá trị sản xuất của khu vực TTCN trong tỉnh. Đến năm 2020 và năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp tương ứng đạt mức 8.000 tỷ và 15.000 tỷ; tương đương mức tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 14%/năm. Đến năm 2020, tất cả các xã đã có làng nghề đều được quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có quỹ đất cho phát triển sản xuất TTCN; bảo đảm có đủ hệ thống cấp điện, nước sạch và xử lý nước thải tập trung, đường giao thông nội bộ. Từng bước di chuyển các hộ sản xuất ở một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường (bún, bánh đa, dệt chiếu, giết mổ gia súc, gia cầm...) ra khỏi khu vực dân cư vào cụm công nghiệp hoặc điểm TTCN - làng nghề.
PV