Từ ngày 15.11, hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt tiền.
Ngoài biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, người dân cần nâng cao ý thức không lạm dụng rượu bia
Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28.9 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 15.11. Một trong những điểm thu hút sự chú ý của dư luận là việc phạt tiền hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.
Điều 30 của nghị định quy định phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu bia theo quy định của pháp luật; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia. Hành vi uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt từ 1- 3 triệu đồng.
Nhiều người ủng hộ việc xử phạt hành vi này nhưng vẫn có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định. Anh P.H.H. ở thị trấn Gia Lộc chia sẻ anh từng chứng kiến cảnh có người bị ép uống nhiều rượu, say đến mức gục luôn tại bàn rất phản cảm. Anh H. rất ủng hộ chế tài xử phạt nhằm hạn chế những hệ lụy của việc lạm dụng rượu bia. Quy định xử phạt hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia rất tốt nhưng anh H. băn khoăn về thế nào là xúi giục, kích động, lôi kéo, thế nào là ép buộc người khác uống rượu bia...
Còn anh V.Đ.T. ở xã Tân Hương (Ninh Giang) lại nêu vấn đề công việc của anh thường xuyên phải làm vào ban đêm, thường từ 8 giờ sáng hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau. Giờ làm việc của anh lại là giờ nghỉ của mọi người, vậy quy định về giờ làm việc thế nào?
Một số ý kiến khác lại cho rằng việc giám sát, phân định hành vi không dễ vì những người cùng bàn nhậu đều quen biết nhau, có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người thân, họ hàng hoặc đối tác. Vì thế, người chứng kiến, người bị ép rượu không khai báo, bao che hành vi ép rượu là điều dễ hiểu. Vậy ai là người giám sát? Hơn nữa, việc phân biệt giữa lời nào là lời mời, lời nào là xúi giục, lôi kéo, kích động người khác uống rượu cũng khó mà phân định rạch ròi.
Theo luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), cần có cơ chế thực hiện để bảo đảm việc xử phạt các hành vi uống rượu bia tại địa điểm không được uống rượu bia theo quy định của pháp luật và xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia khả thi trên thực tế. Đối với hành vi uống rượu bia tại địa điểm không được uống sẽ dễ xử lý hơn do sự phát hiện kịp thời của cơ quan chức năng hoặc người dân, thậm chí là phạt nguội khi có video ghi lại.
Tuy nhiên, hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia sẽ khó ngăn cấm, trong khi hành vi này lại thường xuyên xảy ra, tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường do việc chuốc rượu bia quá ngưỡng chịu đựng của người uống.
Để quy định sớm đi vào cuộc sống, ngoài biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, rất cần tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức của người dân. Mỗi người cần tự xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, không lạm dụng rượu bia. Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu bia, thậm chí nâng cao mức phạt để tăng tính răn đe… Cùng với đó có những hướng dẫn cụ thể về cách phát hiện, tố giác người vi phạm, cần có quy định về người làm chứng hoặc các bằng chứng là video, hình ảnh để làm căn cứ xử phạt.
HN