Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là chuyên đề toàn khóa về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, của nhiệm kỳ Ðại hội XIII.
Ðây cũng là một trong những quan điểm chỉ đạo về động lực phát triển đất nước trong những năm tới được khẳng định trong Văn kiện Ðại hội XIII.
Nền tảng truyền thống và vững chắc
Dân tộc Việt Nam là dân tộc có đạo lý làm người, trong đó nổi bật là ý chí tự lực, tự cường và khát vọng độc lập tự do. Nguyễn Trãi khẳng định: Xét như nước Ðại Việt ta,/Thật là một nước văn hiến./Bờ cõi sông núi đã riêng,/Phong tục Bắc - Nam cũng khác./Trải Triệu, Ðinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,/Cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên đều chủ một phương./Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,/Mà hào kiệt không bao giờ thiếu.
Năm 1911, với lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và hoài bão cứu nước cứu dân, không phụ thuộc vào các sĩ phu bậc cha chú, không ngồi chờ ai đến giúp dân ta chống Pháp, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, sang tận nước Pháp nơi có bọn thực dân đang áp bức người dân nước mình để xem cho rõ, tìm xem những gì ẩn đằng sau các từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái, rồi trở về giúp đồng bào ta. Người chọn phương tiện tàu biển để đi được "vòng quanh thế giới", đến được nhiều nước, thâm nhập vào đời sống của giới cần lao; chọn cách làm việc kiếm sống bằng lao động chân tay như một công nhân thực thụ. Ý chí tự lực, tự cường ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bắt đầu hình thành từ thuở đó.
Nguyễn Tất Thành biết đến thắng lợi của cách mạng Mỹ 1776, Ðại cách mạng Pháp 1789, nhưng anh coi đó là những cuộc cách mạng thành công chưa đến nơi. Ngưỡng mộ Lê-nin và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, hoàn toàn tin theo Lê-nin và Quốc tế thứ ba, nhưng Nguyễn Tất Thành nhận thức đó là cách mạng vô sản. Với ý chí tự lực, tự cường, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cách mạng Việt Nam không thể là cách mạng vô sản kiểu Nga mà phải là cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, tức là trước hết phải giành độc lập dân tộc rồi đi tới chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng đó muốn thành công phải nhờ Ðệ tam Quốc tế và sự ủng hộ của nhân dân thế giới, nhưng muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự cứu mình đã.
Từ đó trở đi, coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là kim chỉ nam, mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ động sáng tạo trong việc thành lập Ðảng cộng sản ở Việt Nam, đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là đảng của dân tộc Việt Nam; thay đổi chiến lược, lập Mặt trận Việt Minh, thức tỉnh tinh thần dân tộc xưa nay trong dân chúng, huy động sức mạnh toàn dân tộc đứng dậy làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, lập nên chính thể Dân chủ Cộng hòa là một thắng lợi xưa nay chưa từng thấy. Thắng lợi ấy là nhờ ý chí tự lực, tự cường và lòng khát khao độc lập tự do của dân tộc mà Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời.
Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, cùng với Ðảng ta lãnh đạo kháng chiến kiến quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện ý chí tự lực, tự cường chống các đế quốc xâm lược theo tinh thần "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; "Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do."; "Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!". Viết Di chúc, trăn trở về kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ hơn trước chiến tranh, Người tin tưởng: "Còn non, còn nước, còn người,/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!".
Nội dung sâu sắc, sinh động
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường. Tự lực là tự mình làm lấy, không nhờ cậy ai. Ðiều này gắn liền với tự lực cánh sinh, tức là tự mình lo cuộc sống của mình, không ỷ lại vào người khác. Tự cường là tự mình xây dựng sức mạnh của mình, không ỷ lại vào người khác. Nó gắn liền với tự lập, tức là tự mình gây dựng cho mình, không cần sự giúp đỡ của người khác. Nói ngắn gọn, tự lực, tự cường là tự mình lo công việc của mình và gây sức mạnh cho mình, không lệ thuộc, không phụ thuộc, không ỷ lại ngồi chờ.
Nhận thức rõ sức mạnh của lòng yêu nước, thương người, đức tính cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, vì nghĩa của dân tộc trong hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước, Hồ Chí Minh có suy nghĩ độc lập và giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam theo tinh thần tự lực, tự cường. Người xác định rõ nước ta là thuộc địa, nên nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc. Nhận thức rõ nọc độc và sức sống của con rắn đế quốc chủ nghĩa nằm ở thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ rằng không cần ngồi chờ thắng lợi của cách mạng vô sản ở nước Pháp, chúng ta có thể chủ động giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc và sẽ tác động trở lại cách mạng chính quốc.
Nhận thức rõ sức mạnh chủ nghĩa Mác - Lê-nin là vũ khí không gì thay thế được, nhưng Hồ Chí Minh luôn luôn dặn cán bộ đảng viên rằng hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải gắn với thực tiễn Việt Nam. Theo Người, nghe người ta nói giai cấp đấu tranh mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh mà không xét rõ hoàn cảnh nước mình thế nào để làm cho đúng là thất bại. Người chỉ rõ chủ nghĩa Mác - Lê-nin vô địch nhưng chưa phải là toàn thể nhân loại, chúng ta có trách nhiệm bổ sung những tư liệu của phương Ðông và các xứ thuộc địa, điều mà Mác và Lê-nin, do nhiều lý do, chưa có điều kiện đi sâu.
Nhận thức nền tảng có ý nghĩa soi đường đó giúp Hồ Chí Minh luôn luôn tự lực, tự cường trong việc chuẩn bị đầy đủ các nhân tố về tinh thần và vật chất cho sự nghiệp giải phóng. Ðó là chuẩn bị lực lượng chính trị bằng việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; lực lượng vũ trang bắt đầu từ những đội du kích; xây dựng căn cứ địa cách mạng, đặc biệt là căn cứ địa lòng dân; kết hợp sức mạnh dân tộc - mà hạt nhân là khối đại đoàn kết toàn dân tộc -với sức mạnh thời đại. Người chỉ dẫn rằng đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, nhưng phải biết tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập". Tự lực, tự cường gắn với ngoại giao theo tinh thần "Chiêng có to tiếng mới lớn".
Có nhiều lý do giải thích thế giới ủng hộ chúng ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, nhưng phải trước hết và quan trọng là do Hồ Chí Minh và Ðảng ta có ý chí tự lực, tự cường từ đường lối đến lãnh đạo, chỉ đạo bằng những phương pháp cách mạng cụ thể, sáng tạo.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã nghĩ tới một xã hội không còn áp bức, bóc lột, bất công; phải có một xã hội có tự do, bình đẳng, bác ái thật sự trên đất nước mình, chứ không phải giả dối như thực dân Pháp khoe khoang.
Hồ Chí Minh nghĩ tới một xã hội đẹp đẽ ở Việt Nam khi lần đầu tiên được học ở Trường đại học phương Ðông với cảm nhận nước Nga chưa phải thiên đường cho tất cả mọi người, nhưng nước Nga đã là một thiên đường cho trẻ con. Bức tranh của một xã hội đẹp đẽ được Hồ Chí Minh phác thảo ngay trong các văn kiện khi thành lập Ðảng về các phương diện xã hội, chính trị, kinh tế và tiếp tục được khẳng định trong Chương trình Việt Minh. Ðó là nền tảng để khi chế độ mới Dân chủ Cộng hòa ra đời từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã đề ra mục tiêu Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc. Ðó là triết lý phát triển Hồ Chí Minh cũng là triết lý phát triển Việt Nam. Theo Người, chúng ta có độc lập rồi thì nhất định phải đi tới chủ nghĩa xã hội. Bởi vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc.
Xã hội xã hội chủ nghĩa như vậy thể hiện sự phồn vinh, hạnh phúc của đất nước, của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chăm lo thực hiện dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ. Làm cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, chữa bệnh, có nhà ở.
Học tập và làm theo thiết thực
Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay và trong tương lai. Bởi vì, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có giá trị trường tồn, sức mạnh to lớn, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Ðặc biệt trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chúng ta đang đối mặt với những thách thức không nhỏ cả trong nước và trên thế giới.
Muốn thực hiện được khát vọng phát triển đất nước vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cần có một hệ giải pháp được tiến hành đồng bộ, sáng tạo. Cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học để làm chứ không phải để trang trí, để báo cáo lấy thành tích. Cần có nhận thức đúng đắn rằng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một thể thống nhất, hòa quyện, tác động qua lại, không thể tách bạch. Phải gắn kết chặt chẽ giữa học và làm, vừa học vừa làm, trong học có làm, trong làm có học, học nữa, học mãi, học suốt đời, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Xây phải đi với chống. Xây lớn nhất là đức chí công vô tư; chống quan trọng nhất là chủ nghĩa cá nhân.
Ðể đạt được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc phải tập trung xây dựng nhân tố con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vừa "hồng" vừa "chuyên". Phải làm theo gương Bác về việc nêu gương, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu, theo tinh thần một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Cán bộ, đảng viên phải tu thân chính tâm hằng ngày, suốt đời; tận tâm tận lực trong việc lớn việc nhỏ, không dính líu gì với vòng danh lợi.
Xây dựng đất nước là công trình tập thể của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh của một Ðảng đạo đức văn minh, chân chính cách mạng. Phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, triệt để lời dặn của Bác trong Di chúc: Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, phát triển đất nước, là một cuộc chiến đấu khổng lồ. Muốn giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ đó, phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Theo Nhân dân