Phát huy vai trò của MTTQ trong giai đoạn mới. Bài 1: Giám sát và phản biện xã hội – nền tảng của xã hội dân chủ

18/03/2018 07:43

Giai đoạn mới của cách mạng nước ta, với mục tiêu xuyên suốt là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó nội dung xây dựng một xã hội dân chủ được đặc biệt quan tâm.



MTTQ Việt Nam với chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện giám sát, phản biện xã hội - là quá trình thực hiện dân chủ xã hội mà MTTQ các cấp cần phát huy.

Xây dựng một xã hội dân chủ là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng nước ta, ngay từ khi dựng nước tên gọi của nước ta đã thể hiện mục tiêu đó - nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 

Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ dân chủ nhân dân thể hiện tập trung trong câu nói của người: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, giai đoạn hòa bình, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng một xã hội dân chủ, thể hiện trong cương lĩnh xây dựng đất nước ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng, là xây dựng một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Ý thức sâu sắc vai trò quan trọng đặc biệt của dân chủ trong sự nghiệp kiến thiết chế độ mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phải thực hành dân chủ: bảo đảm cho nhân dân có quyền làm chủ, thực sự là người chủ, tham gia trực tiếp vào các công việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và xã hội.

Người dân được thực hiện quyền dân chủ qua hai hình thức: trực tiếp và đại diện. Dân chủ trực tiếp là việc người dân “được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra” qua việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan, tổ chức, thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở. Hình thức dân chủ đại diện là việc người dân thực hiện quyền hạn của mình thông qua tổ chức đại diện, đó là: Quốc hội, HĐND các cấp (do cử tri bầu ra), thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và thực hiện giám sát hoạt động của Nhà nước và xã hội; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội (mà nhân dân là hội viên, đoàn viên) với chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân. 

Quá trình xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật trong những năm qua đã thể hiện ngày càng rõ nét cơ chế để người dân thực hiện quyền dân chủ của mình; ngày càng tách bạch quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi thành tố ở hệ thống chính trị trong mối quan hệ: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ.

Vai trò đại diện của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới được thực hiện tập trung ở hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Chủ trương về thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2006). Đến Đại hội XI (năm 2011), chủ trương này tiếp tục được khẳng định, khi sửa đổi Hiến pháp cũng đã được thể chế hóa trong điều 9 (Hiến pháp 2013) về MTTQ Việt Nam. Ngay sau khi Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua, Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 217/QĐ-TW, ban hành Quy chế về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tiếp đó, được thể chế hóa trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.

Dân chủ - cái gốc của sự đồng thuận xã hội

Dân chủ và đồng thuận xã hội là hai nội dung liên quan mật thiết với nhau, có dân chủ sẽ có đồng thuận, muốn có sự đồng thuận thì phải mở rộng dân chủ. MTTQ Việt  Nam thực hiện giám sát, phản biện chính là tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Điều đó xuất phát từ bản chất, ý nghĩa của hoạt động giám sát và phản biện xã hội:

Thứ nhất, giám sát của MTTQ là giám sát của nhân dân, mang tính nhân dân với phạm vi giám sát rộng, bao gồm cả các tổ chức đảng, cán bộ, Đảng viên, đại biểu dân cử; các cơ quan nhà nước (cả cơ quan dân cử), các tổ chức kinh tế, xã hội khác. Trong khi đó, cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND) không có chức năng giám sát các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên.

Tính nhân dân trong giám sát của MTTQ thể hiện tính đại diện của Mặt trận đối với nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát những vấn đề mà nhân dân bức xúc và quan tâm; qua giám sát, phát hiện, nhân rộng những điển hình, những tấm gương, cách làm hay để lan tỏa trong xã hội. 

Thứ hai, phản biện xã hội mang tính tất yếu, hay nói cách khác mang tính quy luật của xã hội dân chủ. Đó là xã hội mà trong đó quyền lực của nhân dân được thừa nhận và được thực hiện thông qua các tổ chức đại diện của mình, mà ở Việt Nam là MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội...

Phản biện xã hội có vai trò to lớn, quan trọng trong quản lý xã hội, các đề xuất, kiến nghị của MTTQ qua phản biện xã hội được các cơ quan tiếp thu sẽ góp phần làm cho chủ trương, chính sách, biện pháp của chính quyền bớt tính chủ quan, sẽ đúng đắn hơn, cân bằng và khoa học hơn. Nhờ những ý kiến bổ sung, các góp ý, trong đó có cả ý kiến phê phán của các tổ chức, người dân với tư cách phản biện xã hội mà lợi ích sẽ được cân bằng hơn. Và như vậy, phản biện xã hội góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội cao hơn, nghĩa là tăng tính ổn định và phát triển của xã hội.

LƯƠNG ANH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy vai trò của MTTQ trong giai đoạn mới. Bài 1: Giám sát và phản biện xã hội – nền tảng của xã hội dân chủ