Thực tế cho thấy ngoài xử lý vi phạm của cơ quan chức năng thì tuyên truyền đã góp phần không nhỏ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Người tham gia giao thông khi bị xử lý vi phạm thay vì chỉ nộp phạt hành chính thì cần được lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền. Rất nhiều người dân khi được giải thích mới biết mình vi phạm lỗi gì. Nhận thức được tầm quan trọng của tuyên truyền, nhiều năm nay lực lượng liên ngành gồm Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, các cơ quan cảng vụ, Chi cục Ðăng kiểm Hải Hưng, Công ty CP Quản lý, bảo trì đường thủy nội địa số 7 đã thường xuyên nhắc nhở, phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa tới người điều khiển phương tiện thủy, người làm nghề chài lưới, các hộ dân sinh sống ven sông. Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh cũng thành lập bộ phận chuyên trách tuyên truyền pháp luật giao thông. Hằng năm, đơn vị đều phối hợp với các nhà trường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, giáo viên, học sinh; phối hợp với các doanh nghiệp để phổ biến pháp luật giao thông; yêu cầu doanh nghiệp và công nhân lao động ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về giao thông... Công an cấp huyện trong tỉnh cũng tổ chức các đợt tuyên truyền tương tự. Qua đó, người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về giao thông. Các cơ quan chuyên trách thông tin tuyên truyền từ tỉnh xuống cơ sở cũng tích cực mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, hình thức xử lý vi phạm, các vụ tai nạn giao thông. Những năm gần đây, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT và phê bình, nhắc nhở một số Ban ATGT cấp huyện do không đôn đốc, tuyên truyền theo chỉ đạo.
Mặc dù đã có chuyển biến song công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này chưa đều khắp, có lúc chưa hiệu quả. Việc tuyên truyền chưa đến được với đông đảo người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Nhiều người được tuyên truyền chỉ có mặt theo kiểu "đánh trống, ghi tên" nên hiểu lơ mơ nội dung tuyên truyền. Sau thời gian lực lượng chức năng đến tuyên truyền thì việc phổ biến, duy trì quy định bảo đảm trật tự ATGT tại nhiều doanh nghiệp, trường học không được chú trọng, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền thấp...
Tuyên truyền là một phần không thể thiếu trong bảo đảm trật tự ATGT nên cần phải làm thường xuyên, liên tục từ tỉnh xuống cơ sở. Tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc phát tờ rơi, treo pa nô, khẩu hiệu hoặc mời nhiều người đến ngồi nghe mà cần được thực hiện dưới nhiều hình thức như đố vui có thưởng, hỏi - đáp trực tiếp, mở các cuộc thi viết, thi tìm hiểu... Với các cơ quan báo chí, tuyên truyền không nên chỉ chạy theo sự vụ, mà cần làm thường xuyên; chỉ ra được những khó khăn, các vấn đề bất cập trong xử lý vi phạm, bất cập của hạ tầng giao thông để từ đó đưa ra các đề xuất, giải pháp khắc phục. Việc tuyên truyền cần có điểm nhấn, có biểu dương, khích lệ. Lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm cần kết hợp chỉ rõ, phân tích lỗi cho người vi phạm ngay tại chỗ, coi đó là một kênh tuyên truyền thường xuyên. Ban ATGT các cấp cũng cần tích cực hơn trong chỉ đạo bảo đảm ATGT tại các địa phương, gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu địa phương đó xảy ra nhiều tai nạn giao thông; phát huy hiệu quả của hệ thống phát thanh, truyền thanh trong tuyên truyền pháp luật về giao thông...
CẨM GIANG(TP Hải Dương)