Tròn 60 năm trước, vào mùa xuân năm Kỷ Hợi, ngày 1.4.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm tỉnh Hải Dương lần thứ ba.
Tuy thời gian thăm Hải Dương không dài nhưng những lời căn dặn của Bác trong chuyến thăm ấy đã phát huy giá trị trên nhiều lĩnh vực và còn nguyên ý nghĩa cho đến hôm nay.
Tại trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Bác khen ngợi những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã đạt được, nhắc nhở một số công việc sản xuất trong vụ đông và các nhiệm vụ của tỉnh phải thực hiện trong thời gian tới… Thực hiện lời Bác dặn, toàn tỉnh đã tập trung lực lượng chống hạn, đẩy mạnh phong trào đổi công hợp tác hóa. Kết quả là đến hết năm 1960, toàn tỉnh đã đào đắp 19 triệu m3 đất các công trình thủy lợi, khôi phục được hơn 7.740 mẫu ruộng bỏ hoang, đưa trên 70% diện tích cấy lúa 1 vụ thành 2 vụ. Phong trào thi đua làm thủy lợi đó có tác dụng không chỉ trong thời gian ngắn mà đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp của tỉnh nhà trong thời gian dài sau đó.
Những năm gần đây, nhiều người có sự nghi hoặc hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước bởi ở một số nơi, trong một số trường hợp việc thực hiện các phong trào nặng tính hình thức nên không có nhiều tác dụng trên thực tế. Song những phong trào thành công trong quá khứ như phong trào làm thủy lợi theo lời dặn của Bác là bài học kinh nghiệm quý giá để chúng ta vững tin vào sức mạnh của thi đua khi được tổ chức hợp lý và thực chất. Minh chứng gần đây nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh đang ngày càng khởi sắc. Được phát động trên nhiều lĩnh vực, trong nhiều tầng lớp nhân dân, phong trào đã lan tỏa rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo tổ chức, người dân với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ. Đến nay, toàn tỉnh có 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 77,5%) và 3 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới. Và quan trọng hơn cả là bộ mặt nông thôn được thay đổi, khang trang, đẹp đẽ hơn, sản xuất phát triển, đời sống của người dân được nâng cao về nhiều mặt. Điều đó cho thấy khi các phong trào được tổ chức nghiêm túc, bài bản, khoa học, hướng tới tác dụng thực tế thì sẽ huy động được sức mạnh của toàn thể xã hội vì mục tiêu chung.
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mảnh đất và con người Hải Dương không chỉ dừng lại ở chuyến thăm. Mà sau đó, từ tháng 11.1959 đến tháng 8.1969, Bác đã tặng tổng số 78 Huy hiệu cho cán bộ, công nhân viên, bộ đội, cụ già, em nhỏ, bác sĩ, giáo viên, học sinh của Hải Dương đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, cải tiến kỹ thuật, chiến đấu, giáo dục... Những sự khích lệ, động viên đó đã tạo thêm sức mạnh to lớn cho Đảng bộ và nhân dân Hải Dương vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành những thắng lợi vẻ vang, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong các thời kỳ. Đó cũng là bài học kinh nghiệm quý giá về những cách thức khen thưởng, động viên để tạo động lực phấn đấu cho các tổ chức, cá nhân. Trong thời buổi lạm phát danh hiệu, giải thưởng khiến những hình thức này nhiều khi phản tác dụng thì việc soi vào tấm gương của Bác giúp chúng ta có thể phát huy tác dụng của việc khen thưởng một cách tích cực như Bác từng làm.
VIỆT HÒA