Ngày 24.11, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại Hà Nội.
Hội nghị sẽ đưa ra một số định hướng và giải pháp trọng tâm, nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (Chủ tịch Hội đồng Phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật trung ương):
Phải có bản lĩnh và tầm nhìn văn hóa
Văn hóa giữ vai trò rất quan trọng đối với sự hưng thịnh của một quốc gia. Khi thực sự có bản lĩnh và tầm nhìn văn hóa, quan chức mới không tham nhũng hoặc bớt tham nhũng, càng không tham nhũng trắng trợn; doanh nghiệp, doanh nhân không vì lợi ích thuần túy mà phá hủy di sản văn hóa, hủy hoại môi trường, bóc lột người lao động; nông dân không trồng rau hai vườn, nuôi lợn hai chuồng để lợi mình hại người, thậm chí đe dọa sức khỏe, tính mạng người khác...
Đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa luôn được bổ sung, phát triển, từng bước hoàn thiện; xác định văn hóa luôn quan trọng như chính trị, kinh tế, xã hội nhưng khi thực thi, nhất là quá trình thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước thì bắt đầu có khoảng cách, thiếu đồng bộ, thiếu tính hệ thống. Đến khi thực hiện lại có thêm sự thiếu hụt, hẫng hụt, đứt gãy...
Đội ngũ cán bộ làm văn hóa, cũng giống các lĩnh vực khác, phải am hiểu văn hóa từ chiều sâu, từ bản chất, có tính hệ thống.
Muốn có được điều đó, phải coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ bài bản, có tính lâu dài chứ không phải như ủ giá đỗ, từng mẻ, cho những nhu cầu, yêu cầu ngắn hạn, tình thế.
Đừng tưởng cán bộ văn hóa không có chuyên môn thì không làm "chết" người, thậm chí nó có thể làm yếu, làm hỏng, làm "chết" nhiều việc, nhiều khâu, có khi là nhiều thế hệ.
Đảng đã xác định quan điểm văn hóa có vị trí ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội nhưng hiện nay ngay cả cán bộ ngành văn hóa cũng không thấy mình ngang hàng với cán bộ các lĩnh vực vừa nêu, thậm chí không thích làm văn hóa. Hình như ở đây có nguyên nhân sâu xa là lợi ích kinh tế, là quyền lực.
Khi nói đến văn hóa là nói đến hàng nghìn năm xây dựng, bồi đắp, sáng tạo các giá trị văn hóa dân tộc, hun đúc thành tinh hoa văn hóa; làm văn hóa mà không nhìn lâu dài, không có tầm chiến lược, chỉ quanh quẩn những điều cụ thể, sự vụ, tình thế, tư duy nhiệm kỳ, không nhìn văn hóa là một hệ thống, là một cấu trúc sâu rộng, bền chặt của xã hội; nếu cứ "chặt" ra từng khúc, làm từng phần việc cát cứ, rời rạc, giống kiểu "thầy bói xem voi" thì đương nhiên không tránh khỏi kết quả hạn chế, bất cập, có khi dị hình, méo mó.
GS.TS Nguyễn Chí Bền (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam):
Xác định đúng quan điểm xã hội hóa về văn hóa
Tôi kỳ vọng sau Hội nghị văn hóa toàn quốc phải đưa ra được các giải pháp để khắc phục các điểm yếu của công tác văn hóa trong thời gian qua.
Trong đó mong nhất là xác định cho đúng quan điểm về xã hội hóa văn hóa thế nào. Việt Nam đang hiểu xã hội hóa là làm sao Nhà nước bớt phải chi tiền đầu tư cho văn hóa, tăng tiền từ tư nhân. Nhiều nước không hiểu theo cách đó.
Các doanh nghiệp hiện nay sẵn sàng đầu tư cho văn hóa, nhưng Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích họ bằng những lợi ích thực tế. Xã hội hóa văn hóa phải là câu chuyện của kinh tế chứ không phải chuyện hảo tâm như ở ta hiện nay.
Quan điểm xã hội hóa trong đầu tư cho văn hóa cần giải quyết, để đồng vốn đầu tư được rõ ràng, hiệu quả cho cả văn hóa và nhà đầu tư, để văn hóa không phải trông vào lòng hảo tâm của doanh nghiệp. Phải có hệ thống văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động tài trợ cho văn hóa.
Thứ hai, Nghị quyết 33 Đại hội Đảng XII có điểm mới là nhấn mạnh yếu tố con người. Nói đến văn hóa phải nói đến con người - chủ thể sáng tạo văn hóa đồng thời là khách thể tiếp nhận văn hóa.
Học sinh thăm quê Bác Hồ ở khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Nhà thơ Vũ Quần Phương (đại biểu Quốc hội khóa IX):
Giúp tác giả và bạn đọc tìm thấy nhau
Nhiều người phàn nàn: "Văn chương hiện nay ít có tác phẩm lớn". Nhận xét này không phải không có căn cứ. Nhưng để tìm cách vượt lên cũng cần nhìn kỹ hơn những yếu tố tạo nên nhận định ấy.
Đầu tiên, thử nhớ lại xem các tác phẩm được coi là thành công của các giai đoạn trước, từng được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho các thế hệ học trò, tới nay đọc lại có ai còn coi chúng là tác phẩm lớn không?
Thứ hai, bây giờ để có được ý kiến thống nhất, đồng thanh khen một tác phẩm không dễ như trước.
Tác phẩm văn chương làm cả xã hội chú ý bây giờ không dễ bởi người đọc có nhiều thứ nghệ thuật thu hút quá, người ta ít thì giờ dành cho đọc sách. Chưa kể, xã hội thiếu biện pháp nghiệm thu, phân loại chính phẩm và thứ phẩm. Có một sự hỗn loạn nào đó trong việc biên tập, xuất bản và phát hành làm nản chí người đọc.
Một vấn đề nữa liên quan tới chất lượng và uy tín của các cuộc thi văn chương hiện nay. Phẩm chất chuyên môn của các ban giám khảo cũng cần hoàn thiện thêm nếu muốn kết quả các cuộc tặng giải có tác động tới bạn đọc và bạn viết. Tôi có cảm giác công chúng văn chương ngày càng thờ ơ với các giải thưởng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh):
TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa hiện nay thật sự cần thiết, giúp TP Hồ Chí Minh tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao.
TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 với các ngành: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, Internet và quảng cáo ngoài trời), du lịch văn hóa, thời trang.
Mục tiêu phát triển cụ thể theo từng giai đoạn. Chẳng hạn, 2021 - 2025 sẽ phát triển thành phố trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực.
Theo đó, sẽ đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa; định hướng và từng bước phát triển các ngành: nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP của TP Hồ Chí Minh và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh):
Tôn vinh tinh hoa của nghệ thuật truyền thống
Người ta xây dựng công nghiệp văn hóa tức là người ta đang nói đến nhiều thứ. Cơ sở vật chất, tổ chức tiếp thị, quảng bá... Chúng ta đang mong muốn vươn tầm thế giới nhưng thực tế chúng ta chưa có chuẩn bị tốt về trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện...
Nói công nghiệp văn hóa không chỉ nói phương tiện, cơ sở vật chất mà còn nói đến cách tổ chức, giới thiệu sản phẩm đó như thế nào. Thứ nhất, phải tôn vinh được tinh hoa của nghệ thuật truyền thống. Thứ hai, phải tìm được yếu tố hình thức hấp dẫn được du khách.
Thạc sĩ Lê Đình Lực (CEO hệ thống Anh ngữ DOL IELTS Đình Lực):
"Trẻ hóa" đội ngũ làm chính sách về văn hóa
Cá nhân tôi cho rằng việc nhận ra giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là vô cùng quan trọng. Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ và bản sắc văn hóa dân tộc là cái làm cho một con người, một quốc gia tạo nên giá trị riêng.
Nếu không có bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta khó có thể tạo nên các "câu chuyện" riêng đặc sắc. Tôi nghĩ chúng ta cần "trẻ hóa" những người làm chính sách về văn hóa.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh
Ông Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc - thông tin những vấn đề đặt ra tại hội nghị quan trọng này:
Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị cũng đưa ra định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa.
Tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa quy mô quốc gia. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế cũng được định hướng phát triển. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa.
Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị. Và cuối cùng là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa.
Theo Tuổi trẻ