Mặc dù có thế mạnh về văn hóa lịch sử và sở hữu tài nguyên du lịch quý giá, song Điện Biên vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng.
Sáng 13-3, tại thành phố Điện Biên Phủ đã diễn ra Hội thảo "Phát huy giá trị đặc biệt của di tích lịch sử Điện Biên Phủ để đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Điện Biên trong mối liên kết với vùng Tây Bắc" do tỉnh Điện Biên phối hợp với Tổng cục du lịch tổ chức.
Hội thảo nhằm mục đích nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giá trị mới của di tích lịch sử Điện Biên Phủ, từ đó đưa ra các giải pháp khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch Điện Biên nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên nói chung. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng hướng tới tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên với các tỉnh trong cả nước, đặc biệt với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định giá trị to lớn của quần thể di tích chiến thắng Điện Biên đối với phát triển du lịch của Điện Biên. 60 năm đã trôi qua, khu vực diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu đã có nhiều thay đổi nhưng những di tích liên quan đến sự kiện lịch sử này vẫn được bảo vệ và phát huy giá trị.
Các đại biểu tại Hội thảo |
Tỉnh Điện Biên đã đặc biệt chú ý tới việc khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích, nhất là đổi mới phương pháp trưng bày tại bảo tàng và các điểm di tích để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, mặc dù có thế mạnh về du lịch văn hóa lịch sử và sở hữu tài nguyên du lịch đặc biệt và quý giá, song Điện Biên vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có.
Nhiều đại biểu rất băn khoăn, trăn trở về những bất cập trong việc bảo tồn, gìn giữ các di tích chiến thắng Điện Biên Phủ hiện nay, mong muốn trong việc trùng tu cần giữ được nguyên gốc hiện trạng của di tích, phản ánh được chiến công hào hùng của cha anh ta đã làm nên chiến thắng 60 năm về trước.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trương Quốc Bình thuộc Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết: “Chúng ta cần phải tư liệu hóa về các di tích, làm một sa bàn thật chi tiết đặt trong bảo tàng để du khách cảm nhận được thời điểm diễn ra trận đánh Điện Biên Phủ. Và cho đến tận bây giờ - sau 60 năm, lòng chảo Mường Thanh và khu di tích chiến trường đã thay đổi như thế nào. Đó là để phục vụ du lịch”.
Từ một điểm đến chưa thực sự hấp dẫn, nhưng đến năm 2013, đã có hơn 400.000 lượt khách du lịch, trong đó có hơn 66.000 lượt khách quốc tế đến với Điện Biên. Để tiếp tục phát huy giá trị của nguồn tài nguyên đó, ngoài nguồn lực của địa phương, tỉnh Điện Biên rất mong muốn có sự đầu tư của nhiều nguồn lực khác.
Ông Phạm Xuân Côi, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên nói: “Kinh phí để tôn tạo, trùng tu khu di tích vẫn chưa đáp ứng được. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới sẽ được tạo các điều kiện, ngoài việc giúp Điện Biên về định hướng còn có thêm các nguồn lực để Điện Biên có thể phát huy được tiềm năng của quần thể di tích lịch sử này”.
VOV