Những dấu tích, hiện vật cổ nằm rải rác trong khu vực chùa Côn Sơn cho thấy hình hài ngôi chùa cổ độc đáo chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc đã dần lộ diện.
Nơi phát lộ công trình Cửu phẩm Liên hoaSau một thời gian tiến hành khai quật, các nhà khoa học hàng đầu của Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã phát hiện nhiều dấu tích, hiện vật cổ nằm rải rác trong khu vực chùa Côn Sơn. Các phát hiện trên đều tương ứng với những ghi chép trên văn bia từ thế kỷ XVII hiện đang lưu giữ tại ngôi chùa này. Hình hài ngôi chùa cổ độc đáo chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc đã dần lộ diện.
Lần đầu tiên Cửu phẩm Liên hoa thời Trần phát lộTrước đây, nhiều thế hệ làm công tác văn hóa ở Hải Dương luôn đau đáu việc quy mô, kiến trúc của chùa Côn Sơn đã bị gió mưa, vận động địa chất nhiều thế kỷ bôi xóa, nên việc hình dung tổng quát về công trình kiến trúc văn hóa đặc sắc này còn gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, văn bia có từ thế kỷ XVII hiện đang lưu giữ phía hữu, đằng sau Tam quan nội của ngôi chùa khẳng định: "Chùa Côn Sơn cổ có Lầu chuông, Gác trống, Cửu phẩm Liên hoa, nhà Tổ, hậu Tổ, hậu hành lang...". Riêng công trình nhà Tổ đã được xây dựng lại, nhưng vị trí các công trình còn lại vẫn chỉ nằm trong phỏng đoán. Quyết định 4564 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 21-11-2012 đã gia hạn thời gian thăm dò khai quật khảo cổ học tại ngôi chùa này, cho phép thực hiện khảo cổ từ ngày 22-11-2012 đến 22-1-2013. May mắn là, chỉ trong thời gian rất ngắn, các dấu tích chứa đựng những thông tin quý giá về ngôi chùa đang nằm dưới nhiều lớp tầng văn hóa đã dần phát lộ. Tại 2 hố thám sát và 3 hố khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích của hậu Tổ, Lầu chuông, Gác trống. Trong đó, đặc biệt nhất là dấu tích Cửu phẩm Liên hoa thời Trần và thời Lê đã phát lộ. Các nhà khoa học tại Viện Khảo cổ học Việt Nam do Tiến sĩ Lê Đình Phụng trực tiếp chỉ đạo tiến hành khai quật khẳng định: Đây là một phát hiện cực kỳ quý giá, Cửu phẩm Liên hoa thời Lê có nhiều, song Cửu phẩm Liên hoa thời Trần thì đây là lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Hiện chưa rõ nguyên nhân Cửu phẩm Liên hoa thời Trần bị sụp đổ. Còn Cửu phẩm Liên hoa thời Lê nằm chồng lên chắc chắn bị hủy hoại do hỏa hoạn. Trong quá trình khai quật, các tầng địa chất tại đây còn sót lại nhiều tro, dấu tích của vụ hỏa hoạn từ nhiều thế kỷ trước. Hiện nay, việc khai quật công trình Cửu phẩm Liên hoa đã tạm thời dừng lại, nhất là ở phía bắc, do hố khai quật đã đến sát thềm nhà Tổ. Các nhà khoa học cũng khẳng định, nhà Tổ (xây dựng sau này) đã nằm chồng lên dấu tích Cửu phẩm Liên hoa. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy, móng Cửu phẩm Liên hoa được xếp bằng đá tự nhiên, kế thừa lớp kiến trúc phía dưới, trụ móng bằng chất liệu cát sỏi. Để xây dựng được công trình này, người xưa đã trình đất và đặt chân tảng lên trên. Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, nhân việc phát hiện kiến trúc trên cũng cơ bản làm rõ tuổi thọ của cây thị cổ thụ phía tả Thượng điện, cách hố khai quật khoảng 6 m. Cây thị trên có thể được trồng từ thế kỷ XVII, do rễ của cây này nằm trên kiến trúc Cửu phẩm Liên hoa thời Lê. Tại 2 hố khai quật rộng 32 m2 sau nhà Tổ, hố 36 m2 nằm bên tả phía sau Tam quan nội, 2 hố thám sát gần cây đại cổ thụ bên tả và góc sân bên hữu Tam quan nội cũng đều khẳng định thêm những điều liên quan tới xây dựng tả hành lang, hữu hành lang, hậu Tổ, trùng khớp với những tài liệu và bia ký ghi lại. Cũng trong lần khai quật này, nhiều hiện vật đã được tìm thấy, phổ biến là các mảnh ngói đen, ngói mũ kép, gạch Bát Tràng thời Nguyễn và một đầu rồng thời Lý.
Khẩn cấp thực hiện phương án bảo tồnKết quả bước đầu của đợt khai quật khảo cổ học vừa qua đã làm nức lòng giới khảo cổ học và những người tâm huyết với di tích Côn Sơn. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phục dựng và trưng bày phục vụ nhân dân ra sao hiện đang là vấn đề được lãnh đạo tỉnh và các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Có nhiều phương án đã được đưa ra, trong đó, biện pháp làm lan can bao quanh và phủ kính trong suốt lên trên để nhân dân chiêm ngưỡng được nhiều người ủng hộ. Phương án này cũng đã được áp dụng thành công tại chùa Dâu (Bắc Ninh). Phương án sau khi nghiên cứu xong sẽ lấp lại, hoàn trả mặt bằng đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối, vì đây là một điểm nhấn cực kỳ quan trọng, nâng tầm giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc, cần công bố và trưng bày cho du khách thập phương, nhất là khi lễ hội mùa xuân đang đến gần.
Các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam đều đưa ra ý kiến cần xây dựng lại Cửu phẩm Liên hoa tại đúng vị trí phát lộ, nhà Tổ cần phải di dời ra phía sau, gần khu vực hậu Tổ mới được thám sát. Lầu chuông, Gác trống cũng cần được xây dựng lại đúng vị trí vừa phát lộ, xứng tầm với quy mô, tầm vóc của cả quần thể kiến trúc. Nếu thực hiện việc xây dựng lại, trong quá trình di dời cần bảo tồn nguyên trạng tất cả các cây cổ thụ, đại thụ trong khu vực. Hiện việc bảo tồn, trưng bày hay phục dựng vẫn đang chờ ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà khoa học, song trước mắt, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng đã đề xuất phương án phủ cát sàng kỹ, giấy bảo vệ lên toàn bộ hố khai quật. Việc này cần thời gian từ 15 - 20 ngày mới hoàn thành. Trong quá trình thực hiện việc trên, phương án dựng lều bạt hoặc lợp mái tôn lên toàn bộ hố cũng đã được tính đến. Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chiều 10-1, đơn vị đã thực hiện khẩn cấp xây gạch bao toàn bộ xung quanh hố để đề phòng nước mưa tràn xuống khu vực này.
CẨM GIANG