Trắng tay vì "tín dụng đen"

25/11/2018 06:02

Thời gian qua, "tín dụng đen" như những cơn bão càn quét khắp mọi nơi, gieo rắc nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì nó mà không ít người lâm vào cảnh trắng tay, gia đình tan nát.

Ông Đ.X.S. ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng (Gia Lộc) phải che bạt trước nhà nhiều tháng nay để chắn chất bẩn bị ném vào từ khi con trai trốn nợ “tín dụng đen”

Mất nhà, xa quê

Sau khá nhiều lần hẹn chúng tôi mới gặp được B.T.B. (27 tuổi, quê ở huyện Ninh Giang). Phần vì công việc của B. thường xuyên phải đi làm ở xa, phần vì B. khá dè dặt khi nhắc đến chuyện của mình. Vài tháng nay, cả gia đình B. phải chuyển sang nhà anh trai ở nhờ. Căn nhà và cũng là tài sản lớn nhất bố mẹ để lại cho B. đã phải bán vội để trả nợ.

Nhà không có điều kiện, nhưng là con út nên từ nhỏ B. đã được bố mẹ quan tâm, ưu ái hơn các anh chị trong nhà. Lớn lên, B. được các anh chị nhường lại cho ngôi nhà của bố mẹ để giảm bớt gánh nặng, yên tâm làm ăn. Thế nhưng đối với B. thu nhập chính đáng từ nghề xây dựng dường như không đủ cho thói quen chi tiêu hoang phí, "máu" bài bạc của mình. Còn ít tuổi nhưng B. đã có "thâm niên" về bài bạc, lô đề. Mưa dầm thấm lâu, mỗi năm "máu" đỏ đen càng ăn sâu vào con người B. Làm không đủ tiêu, không đủ chơi, việc B. phải vay nặng lãi để trang trải nợ nần là điều khó tránh khỏi. "Có đợt bí quá em phải vay lãi mỗi ngày 7.000 đồng/1 triệu. Vay kiểu này nợ tăng lên nhanh lắm. Nếu mà chậm so với lịch hẹn trả sẽ bị phạt mỗi ngày một triệu, không cần biết mình vay bao nhiêu. Đến kỳ trả lãi, chúng nó đòi mà chưa trả kịp, gọi điện không nghe máy, không khất nợ là gặp đâu bị đánh đấy", B. kể lại.

Đến đầu năm nay, chỉ tính riêng những khoản vay lãi ngày, B. đã nợ trên 500 triệu đồng. Không còn cách nào để cầm cự, B. buộc phải công khai chuyện nợ nần với gia đình và rao bán ngôi nhà đang ở. "Bây giờ thì em sợ đến già rồi. Cũng chẳng còn gì bám víu để chơi bời được nữa. Cố gắng làm lại để nuôi con chứ như này mãi thì không biết đi đến đâu", B. quả quyết. 

Theo lời B. thì bạn bè bằng tuổi cũng vay mượn nhiều. Nhưng vì số tiền chưa quá lớn nên như "quả bom nổ chậm", chưa đến lúc vỡ lở. Đối với B., dù tuổi đời còn trẻ và có thể làm lại, nhưng để mua được ngôi nhà mới có lẽ còn rất xa vời.

Một gia đình ở xã Phúc Thành (Kinh Môn) bị côn đồ đòi nợ, vứt hết đồ đạc ra ngoài, bịt cửa không cho về nhà

Cách nhà B. không xa là nhà ông B.V.T. (56 tuổi). Gần một năm nay, ngôi nhà 2 tầng khang trang, mới xây được vài năm bị bỏ hoang, không người qua lại. Phía ngoài cổng, trên tường bị xịt sơn đầy những câu đòi nợ, chửi bậy. Theo lời hàng xóm kể thì cũng vì không đủ tiền xây nhà, lại vung tay quá trán mà gia đình ông T. phải vay lãi theo ngày để trang trải. Lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi món nợ lên đến tiền tỷ thì không xoay xở được nữa. Vì chậm trả nợ mà con trai ông T. mấy lần bị dọa cắt gân, chặt tay. Gần đến Tết năm ngoái, hết cách, cả gia đình 3 thế hệ phải bồng bế nhau đi trốn trong đêm. "Cứ thỉnh thoảng lại có vài đám thanh niên kéo đến chửi bới om sòm vì không đòi được tiền. Nhà bây giờ chỉ còn xác không chứ đồ đạc có giá trị đều bị chủ nợ xiết hết rồi. Nghĩ cũng khổ cho nhà ông ấy, đến tuổi đó rồi mà phải tha hương cầu thực, không biết đến ngày nào về", một người ở gần nhà ông T. cám cảnh.

Sống trong sợ hãi

Anh Phạm Văn N. ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) vừa tiếp chuyện tôi vừa thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Mỗi khi nghe thấy tiếng chó sủa ngoài sân, anh N. lại mở cửa chạy ra ngoài để nghe ngóng. Nhà nằm trong ngõ cụt nhưng anh N. phải bỏ hơn chục triệu đồng để lắp camera quanh hàng rào sắt cao quá đầu người. Một bóng điện công suất lớn cũng được anh N. kéo ra ngoài sân thắp sáng trưng cả đêm. Mặt tiền ngôi nhà cũng được quây bạt kín mít. 

Nhiều tháng nay, gia đình anh N. ăn không ngon, ngủ không yên vì khoản nợ của cậu con trai út. Từ cuối tháng 7 đến nay, kể từ khi con trai bỏ nhà đi, mất liên lạc, gia đình anh N. thường xuyên phải tiếp những đoàn khách không mời mà đến. Nghỉ học sớm, P.V.Đ. (21 tuổi, con trai anh N.) theo các chủ thầu trong xã đi phụ xây. Nhưng ham chơi, lười làm, Đ. sa vào đủ thói hư tật xấu. Kể từ khi dính vào lô đề, game bắn cá, tiền công không đủ để chơi, Đ. vay mượn khắp nơi. "Tôi nghe người ta nói, có đêm nó chơi game bắn cá mất vài chục triệu đồng. Vợ chồng tôi ăn không dám ăn, mặc không dám mặc nhưng lâu lâu lại phải cầm cả đống tiền đi trả nợ cho nó", anh N. buồn rầu kể.

Tết năm ngoái, vợ chồng anh N. nhiều lần chạy vạy khắp nơi để trả nợ đậy gần 200 triệu đồng cho con trai. Thậm chí, anh N. còn tìm đến tận nơi để lạy lục, van xin chủ nợ đừng cho con trai vay tiền nữa. Nhưng hết lần này đến lần khác, giấy báo nợ vẫn cứ theo những thanh niên xăm trổ, bặm trợn tìm về tận nhà anh N. Thương con, muốn cho con cơ hội làm lại nhưng thu nhập từ tiền công chở thuê vật liệu và lương công nhân của vợ chồng anh N. không đủ để trả lãi ngân hàng cùng những món nợ dường như không có điểm dừng. Anh N. chia sẻ: "Tôi bảo họ là tìm con trai tôi về đây rồi ba mặt, một lời xem nợ nần thế nào. Chứ cứ người vay người trả thế này không biết đâu mà lần. Có khi còn trả thì người ta lại tiếp tục cho nó vay". 

Chỉ vài dòng chữ sơ sài của con trai mà gia đình anh N. phải oằn mình cõng nợ

Kể từ lúc vợ chồng anh N. nhất định không trả nợ, các chủ nợ thường xuyên kéo đến dọa dẫm. Mẹ anh N. năm nay đã gần 80tuổi, mỗi khi thấy các đối tượng đến lại sợ hãi, chạy ra xin xỏ. Còn vào ban đêm, cứ thỉnh thoảng gia đình lại phải hứng chịu đủ thứ chất bẩn ném vào nhà. Hàng xóm bên cạnh cũng không yên ổn vì có lần bị các đối tượng ném cả sang, phải mất cả buổi để dọn dẹp, lau chùi. Gần đây nhất, tối29.10, bọn chúng ném vào nhà anh N. một mẻ thuốc trừ sâu khiến mùi hóa chất nồng nặc bay khắp nơi, chó mèo cũng hoảng loạn ầm ĩ cả đêm. Liên tục bị các đối tượng quấy rầy, anh N. đã viết đơn gửi công an xã, công an huyện. Công an huyện đã gọi anh N. lên làm việc nhưng vụ việc cũng chưa đi đến đâu. Có lúc nghĩ quẩn, anh N. đã kê giường lên tầng thượng ngủ một mình và chất gạch, đá xung quanh để mong giáp mặt các đối tượng.

Theo nhẩm tính của anh N. thì ở thôn anh có tới hàng chục trường hợp dính vào "tín dụng đen". Có trường hợp nợ nhiều, bán mấy lô đất cũng không đủ trả nợ nên cả nhà phải dắt nhau đi trốn. Có nhà bị bọn chúng chặn đường đánh rồi sau đó lại giảng hòa trừ nợ, không báo công an. Nhiều nhà có người thân, họ hàng nợ nần cũng bị các đối tượng đến ném chất bẩn vào nhà để gây áp lực. Nhắc đến cậu con trai chơi bời, anh N. ngao ngán: "Giờ tôi cũng không biết chính xác nó ở đâu. Chỉ nghe nói nó đi theo băng nhóm nào đấy. Hình như cũng đi đòi nợ thuê cho người ta. Vợ chồng tôi cũng hết cách rồi. Nếu nó làm gì sai thì để pháp luật xử lý cho nó sớm tỉnh ngộ ra".

Những năm gần đây, những hoàn cảnh như B., như Đ. hay ông T. dường như không còn hiếm gặp. Dịch vụ cho vay tiền mặt dễ dàng như một chất xúc tác khiến nhiều người, nhất là các thanh niên vốn ham chơi càng trở nên bất chấp, dễ dàng sa vào các thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội. Các quán cầm đồ, "tín dụng đen" mọc lên như nấm sau mưa, len lỏi khắp các thôn, xã đã làm nhiều gia đình tan nát, nhiều xóm làng bất an. Thậm chí, không ít người còn phải tìm đến cái chết để trốn tránh, giải thoát cho mình và người thân khỏi vòng xoáy nợ nần. Và khi "tín dụng đen" còn đất sống thì có lẽ số lượng nạn nhân của nó vẫn sẽ còn tăng lên.

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trắng tay vì "tín dụng đen"