Tín dụng đen "tấn công" cả học sinh

12/12/2018 11:31

Sáng 12.12, các đại biểu HĐND tỉnh chia 4 tổ thảo luận. Tình trạng hoạt động tín dụng đen, khai thác cát trái phép được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi.


Các đại biểu thảo luận tại tổ

"Cho vay kiểu này như ăn cướp"

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho biết tình trạng cho vay nặng lãi hiện đã biến tướng, không còn dạng cầm đồ nữa mà chuyển sang dạng hỗ trợ tài chính. Nhiều gia đình vướng vào nợ nần dẫn đến ly tán cũng chỉ vì vướng vào cho vay nặng lãi.

Đồng quan điểm với Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc đề nghị lực lượng công an lập chuyên án xử lý triệt để nạn tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn hiện nay. "Có những học sinh mới học cấp 2, cấp 3 nhưng đã vay cả trăm triệu mà bố mẹ không biết. Khi mọi việc vỡ lở, chủ nợ đến đòi nợ, đe dọa thì gia đình mới biết", ông Tuấn lo lắng.

Bức xúc về tình trạng tín dụng đen lan sang cả công nhân lao động, đại biểu Mai Xuân Anh (Tứ Kỳ) cho biết thời gian gần đây xuất hiện một số đối tượng đứng sẵn ở cổng các khu công nghiệp, khu nhà trọ mời chào công nhân cho vay tiền dưới dạng tín chấp, hỗ trợ tài chính. Một số công nhân vay nhưng không có khả năng trả nợ đã bị chủ nợ thuê người đe dọa, đánh, nhiều công nhân phải bỏ việc.

Tình hình an ninh trật tư cũng được một số đại biểu nêu tại cuộc thảo luận. Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà) phản ánh tại khu vực nút giao lập thể Ba Hàng thường xảy ra tình trạng "xin đểu". Mùa vải vừa rồi, 2 chủ xe chở vải từ Thanh Hà ra quốc lộ 5 phản ánh khi đến đầu cầu nút giao có một số đối tượng chặn xe xin tiền. UBND huyện yêu cầu Công an huyện kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, khi công an đến thì đối tượng đã rút đi. Gần đây, công nhân phản ánh khi đi làm về muộn có một số đối tượng dừng xe, cướp tiền bạc công nhân. 

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Kim Thành) cho biết thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ giết người có xu hướng tăng, các vụ về tín dụng đen. Đại biểu Thưởng đề nghị lực lượng công an làm rõ có tình trạng “thầu tặc” hay không, những đối tượng núp bóng doanh nghiệp gây khó khăn choh các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.

Đại biểu Đoàn Quang Định (Tứ Kỳ) đồng tình với việc Công an tỉnh đã giảm bớt chốt xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông. Đại biểu Định đề nghị Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tập trung hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm Luật Giao thông, hạn chế xử phạt hành chính. "Chúng tôi muốn thấy hình ảnh người cảnh sát hướng dẫn người dân thực hiện luật giao thông. Qua đó tạo sự thân thiện giữa lực lượng công an với người dân", đại biểu Định đề nghị. Theo đại biểu Định, những đối tượng cố tình vi phạm, có nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng thì cần xử lý nghiêm.

Về tình trạng tín dụng đen, đại tá Vũ Thanh Chương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh thừa nhận hoạt động này giờ rất tinh vi, núp bóng dưới dạng tư vấn tài chính, hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp nên người dân dễ mắc. Lãi suất mỗi triệu từ 3.000-5.000 đồng/ngày, thậm chí có những nơi cho vay tới 7.000 đồng/ngày nên chẳng mấy lúc mà tiền lãi bằng, thậm chí cao hơn cả tiền gốc. Khi người dân không trả được, các đối tượng sẵn sàng sử dụng áp lực để đòi  nợ. "Cho vay kiểu này như ăn cướp", đại tá Chương nói. Theo đại tá Chương, Đảng ủy Công an tỉnh lập chuyên đề để lực lượng cảnh sát hình sự lập chuyên án xử lý hoạt động tín dụng đen. 

Đại tá Chương cũng đồng tình với ý kiến của một số đại biểu là lực lượng cánh sát giao thông cần tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện Luật Giao thông, tạo hình ảnh người cảnh sát "Thân thiện với người dân, vì nhân dân phục vụ".

"Giám định" cát

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà bức xúc về tình trạng tín dụng đen đang hoành hành hiện nay

Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông tiếp tục làm nóng buổi thảo luận tổ khi đại biểu Lê Văn Dũng cho biết gần đây có dư luận cho rằng Công an tỉnh yêu cầu khi đề nghị phối hợp bắt giữ tàu cát khai thác trái phép phải cung cấp tọa độ tàu vi phạm, lấy mẫu giám định xem là cát hay đất. Theo đại biểu Dũng, năm 2018, Thanh Hà phạt hành chính 1,7 tỷ đồng cho thấy tình trạng khai thác cát trái phép tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Có ngày, Thanh Hà bắt giữ từ 3-4 tàu vi phạm. "Dù là cát hay đất cũng là khai thác bất hợp pháp khoáng sản, cần phải xử lý nghiêm", đại biểu Dũng bức xúc.

Ông Cao Ngọc Quang, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ cho biết thời gian gần đây xuất hiện nhiều tàu "không số", không đăng kiểm nhưng trên tàu có lắp đầy đủ hệ thống vòi hút, máy hút cát, thậm chí có cả cát trên khoang. Ông Quang đề nghị lực lượng công an kiểm tra nếu các tàu vi phạm cần xử lý nghiêm. Một vấn đề ông Quang nêu tại cuộc thảo luận là việc giữ tàu vi phạm đối với cấp huyện gặp nhiều khó khăn, không có đủ lực lượng trông giữ. Có chủ tàu còn tự đánh đắm rồi vu vạ cho lực lượng chức năng địa phương. "Đề nghị công an vào cuộc xử lý việc này", ông Quang nói.

Làm rõ việc phải "giám định đất cát" mới xử lý được các đối tượng khai thác cát trái phép, đại tá Vũ Thanh Chương cho biết theo quy định, hồ sơ xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép phải có tọa độ tàu vi phạm, phải giám định đó là cát hay đất. 

Theo đại tá Chương, toàn tỉnh có 420 km đường sông trong khi lực lượng mỏng nên việc xử lý khai thác cát trái phép gặp nhiều khó khăn. "Vừa rồi, tôi trực tiếp đi trên tuyến sông từ Phả Lại - Kinh Môn thấy nhiều tàu ban ngày thì nằm chờ ở bờ nhưng đêm xuống, khi lực lượng chức năng giảm tuần tra, các tàu tổ chức khai thác cát trái phép", đại tá Chương nói và đề nghị rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Buổi chiều, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng đen "tấn công" cả học sinh