"Rút ruột" tiền Quỹ tín dụng nhân dân xã Nguyên Giáp

05/04/2022 10:49

Do chủ quan, cẩu thả, không chấp hành quy định khi thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo, nhân viên của Quỹ tín dụng nhân dân xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) đã làm đơn vị thiệt hại hàng tỷ đồng.



Sai phạm trong thời gian dài


Tháng 7.2017, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương quyết định thanh tra đột xuất Quỹ tín dụng nhân dân xã Nguyên Giáp. Đoàn thanh tra phát hiện nhiều sai phạm xảy ra tại đây. Có những hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm nên đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương làm rõ. Kết quả điều tra xác định tại quỹ xảy ra 3 hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến các đối tượng: Phùng Văn Trọng sinh năm 1981, kế toán; Phạm Hữu Tương sinh năm 1960, Giám đốc và Lê Thị Thu Hà sinh năm 1986, thủ quỹ. Cả ba người đều ở xã Nguyên Giáp.

Nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, chiều 3.11.2015, tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Nguyên Giáp, Trọng tự ý lập một hồ sơ tất toán sổ tiết kiệm của khách hàng có tên Phạm Hữu N. (sinh năm 1967, ở xã Nguyên Giáp) số tiền gửi 500 triệu đồng mà không có mặt khách hàng, không có sổ tiết kiệm bản gốc của khách hàng. Sau đó, Trọng mang hồ sơ gồm: thẻ lưu sổ tiết kiệm, phiếu chi tiền gốc, phiếu chi tiền lãi cho Tương xét duyệt. Không có mặt khách hàng, không có sổ tiết kiệm bản gốc nhưng do tin tưởng Trọng, Tương vẫn ký duyệt chi số tiền gốc 500 triệu đồng, tiền lãi 55.300 đồng. Sau đó, Trọng chuyển hồ sơ cho Hà làm thủ tục chi tiền. Hà kiểm tra hồ sơ thấy không có sổ tiết kiệm bản gốc, không có mặt khách hàng, không có mặt trưởng ban kiểm soát tại quỹ nhưng vẫn làm thủ tục chi cho Trọng số tiền trên. Trọng mạo chữ ký của ông N. vào bản kê các loại tiền lĩnh rồi nhận tiền.

Ngày 6.2.2017, ông N. mang sổ tiết kiệm bản gốc đến Quỹ tín dụng nhân dân xã Nguyên Giáp để tất toán. Thấy vậy, Trọng đã tẩy xóa các thông tin trên thẻ lưu sổ tiết kiệm lưu tại quỹ để hoàn thành việc tất toán sổ tiết kiệm của ông N. Do đó, quỹ không phát hiện ra việc đã tất toán thực hiện vào ngày 3.11.2015.

Thấy việc làm trên trót lọt và không bị phát hiện, cũng với phương thức, thủ đoạn tương tự, ngày 30.12.2015, Trọng tiếp tục tự ý lập một hồ sơ tất toán sổ tiết kiệm của khách hàng mang tên Trần Huy D. (sinh năm 1974, ở phố Quý Cao, xã Nguyên Giáp) với số tiền gửi 950 triệu đồng. Trọng mang hồ sơ gồm: thẻ lưu sổ tiết kiệm, phiếu chi tiền gốc, phiếu chi tiền lãi trình Tương xét duyệt rồi mang hồ sơ đến chỗ Hà làm thủ tục chi. Do tin tưởng Trọng nên dù không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, khách hàng và trưởng ban kiểm soát tại quỹ theo quy định, Tương, Hà vẫn xét duyệt hồ sơ và làm thủ tục chi cho Trọng. Ngày 11.10.2016, anh D. mang sổ tiết kiệm bản gốc đến Quỹ tín dụng nhân dân xã Nguyên Giáp làm thủ tục tất toán. Trọng cũng tiến hành tẩy, xóa và thực hiện được việc tất toán sổ tiết kiệm cho anh D. mà không bị phát hiện đã thực hiện hành vi vi phạm trước đó.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an còn phát hiện vụ việc "rút ruột" khác xảy ra tại quỹ. Năm 2011, Tương với cương vị Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân xã Nguyên Giáp đã ký hợp đồng đại lý chuyển tiền trong nước và mở tài khoản tại một ngân hàng. Ngân hàng cấp cho Tương và Trọng mỗi người một mã khóa bảo mật để quản lý việc chuyển tiền từ tài khoản của quỹ gửi tại đây. Theo quy định, mỗi người phải giữ một mã khóa bảo mật, kế toán lập chứng từ chuyển tiền trên máy vi tính, trước khi chuyển tiền phải trình giám đốc kiểm tra chứng từ trên giấy và trên máy vi tính xem có khớp với nhau không. Sau đó, nhập mã khóa bảo mật của giám đốc và kế toán thì lệnh chuyển tiền mới thực hiện được. Do tin tưởng, cũng như trình độ tin học kém, Tương đã giao mã khóa bảo mật của mình cho Trọng quản lý đồng thời để Trọng tự lập các lệnh chuyển tiền mà không kiểm tra. Từ tháng 7.2014 đến tháng 1.2017, Trọng tự ý lập 20 lệnh chuyển tiền sai nguyên tắc gây thiệt hại cho quỹ gần 616 triệu đồng. Trong đó, có 14 lệnh chuyển tiền vào tài khoản của Trọng, 6 lệnh chuyển tiền vào tài khoản của người khác để trả nợ tiền Trọng thuê thiết kế nhà, cho bạn bè vay.

Hậu quả đau lòng

Sau khi có kết luận kiểm toán, kiểm tra tiền mặt tồn quỹ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương vào ngày 4.7.2017, biết vụ việc bị vỡ lở, chiều cùng ngày, Trọng đã treo cổ tự tử.
Tòa án Nhân dân huyện Tứ Kỳ vừa đưa vụ việc trên ra xét xử. Với các hành vi phạm tội, tòa tuyên phạt đối tượng Tương 9 tháng tù giam, Hà 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội vô ý gây thiệt hại nghiệm trọng đến tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng liên quan phải chịu trách nhiệm dân sự đền bù toàn bộ số tiền đã gây thiệt hại cho Quỹ tín dụng nhân dân xã Nguyên Giáp. Do đối tượng Trọng liên quan đến vụ án đã chết nên vợ của đối tượng đứng ra nhận thực hiện trách nhiệm dân sự thay.

Theo quy định, Trọng phải bồi thường hơn 1 tỷ 041 triệu đồng; đối tượng Tương bồi thường hơn 716 triệu 440 nghìn đồng; đối tượng Hà bồi thường hơn 201 triệu 457 nghìn đồng. Đến trước phiên xét xử, gia đình Trọng đã bồi thường 594 triệu 987 nghìn đồng; đối tượng Tương đã bồi thường 500 triệu đồng; Hà đã bồi thường 170 triệu đồng. Tòa buộc các đối tượng phải tiếp tục bồi thường hết số tiền còn lại.

Đây là bài học đắt giá cho công tác lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Rút ruột" tiền Quỹ tín dụng nhân dân xã Nguyên Giáp