Những người liên quan tới tai nạn giao thông phải được kiểm tra nồng độ cồn

05/07/2018 12:08

Mặc dù số người liên quan đến tai nạn giao thông nhập viện nhiều, song rất ít người được xét nghiệm máu để phát hiện nồng độ cồn.

Việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là cần thiết để xác định, phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông, làm cơ sở để xử lý

Quy định về kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với những người liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT) chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan công an hoặc cơ sở y tế. Điều này gây khó khăn cho việc thống kê người sử dụng rượu bia liên quan đến TNGT để phục vụ công tác điều tra, xử lý, phân tích nguyên nhân tai nạn và tuyên truyền.

Nhập viện nhiều, xét nghiệm ít

Theo số liệu của Sở Y tế, năm 2017 toàn tỉnh có 12.702 ca liên quan đến TNGT phải vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh và BVĐK các huyện,  thị xã, thành phố. Cùng thời gian này, các trạm y tế trong tỉnh đã tiếp nhận 1.467 ca liên quan TNGT. Trong tháng 6.2018, BVĐK tỉnh và BVĐK cấp huyện tiếp nhận 960 trường hợp, trạm y tế tiếp nhận 128 trường hợp liên quan TNGT.

Mặc dù số người liên quan đến TNGT nhập viện nhiều, song rất ít người được xét nghiệm máu để phát hiện nồng độ cồn. Tại BVĐK tỉnh, các Khoa Cấp cứu, Xét nghiệm, Ngoại 1, Ngoại 2... thường xuyên tiếp nhận các ca liên quan đến TNGT nhưng rất ít trường hợp được kiểm tra nồng độ cồn. "Người được kiểm tra nồng độ cồn chỉ chiếm tỷ lệ vài phần trăm trong tổng số người nhập viện do TNGT. Việc kiểm tra chỉ được thực hiện khi có chỉ định của cơ quan chức năng", cử nhân xét nghiệm Nguyễn Cường, Khoa Xét nghiệm (BVĐK tỉnh) cho biết.

Đại diện Khoa Ngoại (BVĐK huyện Cẩm Giàng) cho rằng việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với người liên quan TNGT là cần thiết, song nếu có chỉ định của cơ quan công an thì không phải cơ sở y tế nào cũng có điều kiện thực hiện. Hiện BVĐK huyện Cẩm Giàng chưa đủ thiết bị để kiểm tra. "Nếu đầy đủ máy móc thì việc kiểm tra cũng không dễ dàng vì có thể nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân không đồng ý. Nguyên nhân do họ lo ngại nếu bị phát hiện có nồng độ cồn sẽ vi phạm pháp luật giao thông, bị xử phạt hoặc không được hưởng chế độ bảo hiểm. Mặt khác, người được kiểm tra nồng độ cồn phải trả chi phí xét nghiệm nên việc kiểm tra cũng khó khăn hơn", một lãnh đạo Khoa Ngoại (BVĐK huyện Cẩm Giàng) cho biết.

Thượng tá Lê Minh Hoàn, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Hà cho rằng việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là cần thiết để xác định, phân tích nguyên nhân tai nạn, làm cơ sở để xử lý, nhưng thực hiện không dễ. "Nếu người liên quan tai nạn chuyển đến trạm y tế để sơ cứu ban đầu, rất lâu sau mới chuyển đến cơ sở y tế cấp huyện, rồi mới lên tỉnh hoặc Trung ương thì nồng độ cồn đã giảm hoặc không còn. Mặt khác, nếu bệnh nhân không hợp tác, phản đối thì việc xét nghiệm sẽ càng khó khăn hơn", thượng tá Lê Minh Hoàn cho biết thêm.

 Cần bắt buộc kiểm tra

Cần có quy định bắt buộc kiểm tra máu để phát hiện nồng độ cồn đối với tất cả những người liên quan đến tai nạn giao thông. Trong ảnh: Bệnh nhân tai nạn giao thông được điều trị tại Khoa Ngoại 2 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Theo ông Vũ Xuân Phong, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, hiện nay theo quy định tại khoản 2, điều 5 Thông tư 77 ngày 28.12.2012 của Bộ Công an về quy trình điều tra, giải quyết TNGT thì phải kiểm tra nồng độ cồn của lái xe gây tai nạn. Nhưng tại điều 3 Thông tư liên tịch số 26 ngày 23.7.2014 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lại quy định: lái xe bị TNGT được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được công an hoặc bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Như vậy, việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu những người trực tiếp va chạm và những người liên quan đến TNGT chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan công an hoặc bác sĩ chỉ định.

Quy định trên dẫn đến việc cơ quan chức năng sẽ không nắm bắt hết được những người liên quan TNGT có nồng độ cồn, dễ bỏ sót các trường hợp vi phạm nồng độ cồn gây TNGT để đưa ra truy tố, xét xử. Cũng xuất phát từ quy định này nên mặc dù xác định vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến TNGT, nhưng trong tất cả các bản báo cáo của cơ quan chức năng từ trước đến nay đều không chỉ ra được vi phạm nồng độ cồn chiếm bao nhiêu phần trăm tổng số vụ TNGT. Cơ quan chức năng cũng chưa đưa được trường hợp vi phạm nào liên quan đến TNGT có nồng độ cồn ra truy tố, xét xử nên tính răn đe đối với vi phạm này còn thấp.

Khẳng định sự cần thiết của việc kiểm tra nồng độ cồn đối với những người liên quan đến TNGT, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Giàng cho rằng để việc thực hiện kịp thời, đều khắp thì cần có quy định cụ thể hơn về thời gian kiểm tra, đơn vị kiểm tra, ai là người chi trả phí xét nghiệm. "Bộ Y tế và Bộ Công an cần quy định bắt buộc tất cả những người trực tiếp va chạm và những người liên quan đến TNGT phải kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn ngay sau khi xảy ra TNGT, góp phần phục vụ quá trình điều tra và tuyên truyền về ATGT, chống lạm dụng rượu bia trước khi lái xe", ông Vũ Xuân Phong nhấn mạnh.

     TIẾN HUY

Không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn


Trong 6 tháng qua, tai nạn giao thông trên địa bàn thị xã Chí Linh tăng mạnh, một nguyên nhân do tình trạng lái xe sử dụng rượu bia vẫn tham gia giao thông. Cảnh sát giao thông Công an thị xã đã và đang thực hiện các chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Người vi phạm do đã sử dụng rượu bia nên tinh thần không tỉnh táo, dễ bị kích động dẫn đến chống đối, không hợp tác với cảnh sát giao thông. Có trường hợp đã lăng mạ, xô đẩy cảnh sát. Do mức phạt rất cao, có lái xe ô tô bị phạt tới 17 triệu đồng, có người lái mô tô, xe máy bị phạt 3,5 triệu đồng nên nhiều người đã nhờ người can thiệp để xin giảm mức phạt hoặc bỏ qua, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Để việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được thực hiện nghiêm minh, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt cán bộ, nhân viên tuyệt đối không được tác động vào quá trình làm việc của lực lượng cảnh sát giao thông.

   Trung tá TRẦN QUANG TUẤN

Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thị xã Chí Linh 

Thực hiện nghiêm quy định cấm uống rượu bia trong giờ làm việc

  Hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Mặc dù có quy định cấm song một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vẫn vi phạm.

Tôi cho rằng việc nghiêm cấm uống rượu bia trong giờ làm việc cần được các cán bộ Nhà nước nghiêm túc, gương mẫu thực hiện. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, xử lý nghiêm người vi phạm.  

Ông NGUYỄN VĂN NGÂN
( xóm 4, xã Thanh Xá, Thanh Hà)

Nhắc nhở người thân không uống rượu bia trước khi lái xe

Tôi thấy hiện nay nhiều vụ tai nạn giao thông thường gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhất là các vụ tai nạn mà lái xe đã uống rượu bia.

Theo tôi, để hạn chế tai nạn giao thông, việc đầu tiên là ngăn chặn, tiến tới giảm dần tình trạng uống rượu bia trước khi lái xe. Đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình. Ông bà, bố mẹ cần nhắc nhở con cháu, vợ nhắc chồng hiểu rõ sự nguy hiểm khi lái xe đã uống rượu, bia. Trong các buổi liên hoan, gặp mặt, mỗi người cần kiên quyết từ chối uống rượu bia nếu sau đó phải lái xe. Chỉ lái xe khi đủ tỉnh táo và không còn nồng độ cồn. Không chỉ lái xe mà cả những người đi cùng cũng phải có trách nhiệm nhắc nhở, phản đối, không để người lái xe uống rượu bia.

Ông DƯƠNG VĂN LIỂU
(thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên, Kim Thành)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người liên quan tới tai nạn giao thông phải được kiểm tra nồng độ cồn