Một vụ tranh chấp đất đai: Bản án đã tuyên nhưng chưa ngã ngũ

23/12/2018 15:31

Bản án dân sự về tranh chấp đất, phân chia tài sản thừa kế của Tòa án Nhân dân huyện Bình Giang đã tuyên nhưng cả nguyên đơn và bị đơn đều không vừa lòng.

Ngôi nhà và mảnh đất xảy ra tranh chấp

Không chỉ vi phạm về nội dung mà vụ án còn giải quyết chưa đúng thủ tục tố tụng.

Gia đình ông Vũ Hải L. (57 tuổi) và bà Trần Thị S. (55 tuổi) ở thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) đang sống trên mảnh đất rộng 336 m2. Mảnh đất vốn là tài sản của ông bà ngoại ông L. Hai cụ có 6 người con 2 trai, 4 gái. Mẹ ông L. là con thứ 2. Khoảng hơn 30 năm trước, sau khi đi bộ đội về, ông L. đã chuyển đến ở cùng ông bà ngoại. Năm 1990, vợ chồng ông L. xây căn nhà mái bằng rộng hơn 86 m2 và các công trình phụ trên mảnh đất. Trước khi qua đời, 2 cụ không để lại giấy tờ, di chúc liên quan đến mảnh đất. Năm 2002, UBND huyện Bình Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông L.

Năm 2013, ông Vũ Duy C. (79 tuổi) ở phường Tân Bình (TP Hải Dương), là cậu ruột cùng 3 người dì của ông L. bàn bạc xây dựng từ đường trên mảnh đất của cha ông thì ông L. và mẹ ông không đồng ý. Sau đó, ông C. cùng 3 người dì khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện đã cấp cho vợ chồng ông L. Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện, xử hủy một phần quyết định của UBND huyện Bình Giang với phần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông L. Vợ chồng ông L. kháng cáo. Năm 2014, tại phiên xét xử phúc thẩm, tòa án quyết định giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm. Tháng 5.2016, UBND huyện ra quyết định thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng ông L. Ngày 1.6.2017, ông C. và 3 người em gái tiếp tục kiện ra tòa, yêu cầu gia đình ông L. trả lại đất và nhà, đồng thời đề nghị chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Những thông tin giữa nguyên đơn và bị đơn cung cấp tại tòa đối chọi nhau. Trong khi ông C. trình bày, năm 1994 bố mẹ ông đã làm nhà mái bằng để ở và làm nơi thờ cúng. Khi hai cụ làm nhà xong thì bố ông L. đến xin hai cụ cho ông L. đến ở cùng. Năm 2013, ông C. và các em muốn xây từ đường trên mảnh đất đó nhưng vợ chồng ông L. không đồng ý. Huyện cũng đã thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông L. nhưng đến nay, vợ chồng ông vẫn sinh sống trên mảnh đất này. Vì thế, ông C. yêu cầu ông L. trả lại đất và chia tài sản thừa kế. Còn ông L. lại khẳng định gian nhà mái bằng là do vợ chồng ông xây dựng từ năm 1990. Khi ấy ông bà ngoại ông đều rất yếu. Trước đó, năm 1979, bố và ông ngoại ông L. đã trao đổi, thống nhất bán đất của ông ngoại cho ông L. với giá 8 chỉ vàng…

Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2018/DS-ST ngày 29.11.2018 của Tòa án Nhân dân huyện Bình Giang chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, yêu cầu vợ chồng ông L. trả lại tài sản, quyền sử dụng đất và chia tài sản thừa kế. Theo đó, mảnh đất được chia thành 6 phần cho 6 anh chị em ông C. Riêng phần của người anh cả đã mất chia thành 4 phần cho những người được hưởng thừa kế là vợ và các con của ông. Các đồng thừa kế và những người được hưởng thừa kế tự nguyện giao cho ông C. quản lý mảnh đất để làm từ đường. Mảnh đất được định giá 840 triệu đồng. Mẹ ông L. nhận được 140 triệu đồng giá trị suất hưởng thừa kế. Vợ chồng ông L. nhận được hơn 177 triệu đồng từ các đồng thừa kế tiền giá trị tài sản trên đất, công duy trì, tu tạo, quản lý di sản. Vợ chồng ông được quyền lưu cư tại nhà và đất trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Nhận thấy bản án có vi phạm, ngày 14.12 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang đã ban hành kháng nghị đối với bản án dân sự sơ thẩm đã tuyên, đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Viện Kiểm sát nhân dân huyện đưa ra 4 lý do. Thứ nhất, thiếu người tham gia tố tụng, người anh cả đã mất của ông C. còn có 1 người con trai đã mất. Theo đó, vợ và 2 con của người này là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng. Thứ hai, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ. Trong khi vợ chồng ông L. và vợ chồng con trai không có đất, nhà nào khác để sinh sống, mẹ ông L. phải đi ở nhờ, phần đất ở của vợ chồng ông L. không ảnh hưởng đến đất xây từ đường, tòa không xem xét đến nhu cầu chỗ ở của gia đình ông L. mà quyết định giao toàn bộ diện tích đất có căn nhà cho các đồng nguyên đơn là chưa phù hợp. Thứ ba là bản án tuyên thiếu yêu cầu đương sự. Tòa án xác định nhà và các công trình trên đất do vợ chồng ông L. xây dựng nhưng không bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn đối với việc đòi lại căn nhà. Thứ tư, về án phí, bản án không tuyên đủ người phải chịu trách nhiệm nộp án phí dân sự sơ thẩm.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng luật sư Á Đông, việc đưa thiếu người tham gia tố tụng không thể khắc phục tại cấp phúc thẩm vì đương sự có quyền tham gia từ cấp sơ thẩm để thực hiện quyền luật định của họ. Do vậy, bản án này sẽ bị hủy. Tòa xử giao toàn bộ diện tích đất cho ông C. là không hài hòa vì thực tế vợ chồng ông L. đã ở đó hơn 30 năm, trên đất có tài sản của họ, hơn nữa mẹ ông L. cũng được hưởng một suất thừa kế.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một vụ tranh chấp đất đai: Bản án đã tuyên nhưng chưa ngã ngũ