Chê bai, miệt thị người khác trên mạng xã hội sẽ bị phạt: Quy định không khả thi

27/03/2020 10:29

Dù đã có quy định về mức xử phạt hành vi chê bai, miệt thị người khác trên mạng xã hội, song việc khó chứng minh được lời nói đó gây ảnh hưởng tới người bị hại thế nào khiến việc xử phạt không khả thi.


Mỗi cá nhân cần nâng cao trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, nên cân nhắc trước khi bày tỏ quan điểm, bình phẩm về người khác

Anh H.T.Q. 25 tuổi, ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) rất ngại chụp ảnh, cũng ít khi đăng hình lên mạng xã hội vì khuôn mặt nhiều mụn. Có lần anh chụp một bức ảnh đã qua chỉnh sửa phần mềm, chia sẻ lên Facebook. Nhiều bạn bè của anh vào bình luận, có người để lại bình phẩm không mấy thiện cảm như "trong ảnh khác bên ngoài thế, chụp bằng camera thường ấy", "da mịn và trắng nhỉ"... Cảm thấy xấu hổ vì những lời bình luận động chạm, anh Q. đã lặng lẽ xóa ảnh đăng trên Facebook.

Chuyện bị người khác bình phẩm về ngoại hình trên mạng xã hội là chuyện không hiếm gặp. Người bị người khác chê bai trên mạng xã hội ít nhiều cũng ảnh hưởng về tâm lý. Cùng bị chê về ngoại hình, khiếm khuyết cơ thể, có người thấy bình thường, như một lời trêu ghẹo, đùa vui, nhưng có người lại cảm thấy bị xúc phạm. Nếu chỉ căn cứ vào hành vi, ý thức của người chê, người bị chê khó có thể xác định hành vi có phải là xúc phạm hay không. Hoặc khi xác định là hành vi xúc phạm thì mức độ như thế nào cũng khó phân định rạch ròi.

Theo luật sư Phạm Thị Dịu, Đoàn Luật sư tỉnh, ngoài tính mạng, sức khỏe thì danh dự, nhân phẩm của một cá nhân cũng được pháp luật bảo vệ. Tại khoản 1 điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

Luật sư Dịu cho rằng không phải mọi hành vi chê bai người khác trên mạng xã hội đều bị coi là xúc phạm người khác. Hành vi này phải đặt trong bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể. Chỉ khi nào trong trường hợp người nói có chủ đích những lời nhận xét gắn liền với sự miệt thị, chê bai làm tổn thương người khác trước đám đông, gây hậu quả xấu thì mới có cơ sở để xử phạt.

Chế tài xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đã được quy định ở nhiều văn bản pháp luật. Tại điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình nêu "phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với  người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".

Nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mang tính chất nghiêm trọng thì tùy theo từng trường hợp, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự.

Tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định mức xử phạt đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội từ 10-20 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15.4 tới. Như vậy, nếu người bị nhận xét cho rằng họ bị xúc phạm thì người bình phẩm thiếu văn minh có thể bị xử phạt. 

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Dịu nêu quan điểm, dù hiện nay pháp luật đã có các quy định xử phạt về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân nhưng thực tế làm sao để chứng minh được hành vi vi phạm và thực hiện xử phạt người vi phạm lại là vấn đề khác. Hiện không có văn bản nào quy định rằng nói những câu như thế nào thì bị coi là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Hoặc cùng bị xúc phạm như nhau nhưng có người thấy rất bị tổn hại, có người lại thấy bình thường.

Với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, mọi cá nhân đều có quyền biểu đạt trên trang cá nhân rất thoải mái. Ranh giới giữa đúng và sai, phù hợp và không phù hợp khá mong manh. Mỗi cá nhân cần nâng cao trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, cần cẩn trọng và cân nhắc hơn khi bày tỏ quan điểm, bình phẩm về người khác.

HN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chê bai, miệt thị người khác trên mạng xã hội sẽ bị phạt: Quy định không khả thi