Cẩn thận sập bẫy lừa "bán vịt trời"

25/03/2023 13:15

Từ cuối năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hải Dương) tiếp nhận nhiều đơn thư về việc bị lừa đảo liên quan đến đầu tư đất.


Nhiều người dân bị các đối tượng lợi dụng việc huy động vốn, đặt cọc giữ chỗ tại khu dân cư mới phía tây thị trấn Nam Sách để lừa đảo

Nhẹ dạ, cả tin

Theo tổng hợp của Phòng Cảnh sát hình sự, từ năm 2020 đến ngày 20.3.2023, đơn vị tiếp nhận đơn thư của khoảng 100 người dân tố cáo 30 trường hợp có biểu hiện lừa đảo liên quan đến việc vay nợ, huy động vốn, đặt cọc mua bán đất. Số tiền liên quan đến các vụ việc này khoảng 300 tỷ đồng. Số lượng đơn thư tăng mạnh nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo xuất hiện từ dự án khu đô thị, khu dân cư có quy mô lớn đến các dự án nhỏ, đất lẻ trong dân trên địa bàn. 

Vụ việc đáng chú ý được Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận liên quan đến Dự án Khu dân cư mới phía tây thị trấn Nam Sách. Theo một cán bộ thuộc Đội Hướng dẫn, điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Phòng Cảnh sát hình sự), vừa qua có nhiều công dân ở TP Hải Dương, TP Chí Linh gửi đơn tố cáo chị V.T.H. (trú tại TP Hải Dương) thông qua hình thức huy động, đặt cọc giữ chỗ Dự án Khu dân cư mới phía tây thị trấn Nam Sách đã gom số tiền gần 60 tỷ đồng của họ. Khi nhận tiền, chị H. giới thiệu các khu, lô, thửa đất được đặt cọc, nhưng khi khu dân cư mới phía tây thị trấn Nam Sách được phép mở bán thì họ không nhận được đất như đã hứa. Biết chị H. thực hiện việc góp vốn, đặt cọc giữ đất kiểu "bán vịt trời" họ đã làm đơn tố cáo. Hiện nay, chị H. không có khả năng bàn giao đất và hoàn trả tiền cho người dân.

Biểu hiện chung của các vi phạm này là các "cò đất", người môi giới tìm cách lấy lòng tin, thể hiện là người quan hệ rộng, mạo danh đại lý phân phối hoặc thân quen với chủ đầu tư dự án, rồi hứa hẹn sẽ nhận được các khu vực, lô, thửa đất trước với giá gốc hoặc rẻ so với giá bán chính thức, nếu đầu tư sẽ hưởng lợi cao. Quá tin tưởng nên trong thời kỳ "sốt đất" không ít người đã bỏ số tiền lớn đầu tư. Cùng với đó, không ít người đầu tư đất kiểu "lướt sóng" đã phất lên nhanh chóng dẫn đến cảnh "nhà nhà, người người" đổ xô đầu tư đất. Vì lòng tham, nhiều người dân dù không biết rõ người môi giới thế nào, nguồn gốc đất ra sao, phải đi vay vẫn sẵn sàng bỏ tiền vào đầu tư. Đặc biệt, khi hệ thống tín dụng siết chặt nguồn cung cho bất động sản khiến nhiều chủ đầu tư không thể tồn tại, phải "bỏ của chạy lấy người" dẫn đến người đầu tư theo kiểu huy động vốn, đặt cọc "chết" theo.

Tránh rủi ro bằng cách nào?

Rất nhiều người dân đầu tư đất thời gian qua chỉ có một phần tiền, còn lại phải vay cơ sở tín dụng, người thân hoặc nhờ họ cầm cố tài sản để vay hộ. Thậm chí, một số người vay "tín dụng đen", chấp nhận trả lãi ngày để đầu tư. Nhiều người đất không thấy đâu chỉ thấy khoản nợ khổng lồ phải gánh. Không ít gia đình đã phải chịu hậu quả nặng nề, vợ chồng, con cái ly tán, đáng tiếc có trường hợp vướng vào vòng lao lý.

Theo thiếu tá Nguyễn Đức Tuyên, Phó Đội trưởng Đội Hướng dẫn, điều tra tội phạm về trật tự xã hội, đối với hình thức lừa đảo qua việc huy động vốn, đặt cọc giữ chỗ, khi cơ quan công an tiếp nhận điều tra, xác minh gặp một số khó khăn. Hầu hết các vụ việc do bị hại quá tin tưởng vào người môi giới, chỉ thỏa thuận miệng với nhau việc đóng, chuyển tiền nên không có căn cứ pháp lý để giải quyết. Do nhiều người dân góp vốn qua người quen hoặc "cò đất" để đầu tư các dự án khi mới ở giai đoạn quy hoạch, phê duyệt, đầu tư hạ tầng, chưa được mở bán công khai theo quy định nên thường giao dịch ngầm với nhau. Chỉ khi vụ việc vỡ lở mới trình báo cơ quan chức năng nhưng lại thiếu các giấy tờ có tính pháp lý liên quan. Nhiều vụ giao dịch không thành, bị hại và "cò đất", người huy động vốn tự thỏa thuận với nhau mà không thông báo cơ quan chức năng nên không kịp thời xử lý, các đối tượng này tiếp tục có cơ hội lừa đảo người khác. Đây cũng là nguyên nhân khó phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm liên quan đến đất đai. Việc thu hồi tài sản của người dân đối với loại vụ việc này rất khó khăn. Nhiều đối tượng khi chiếm đoạt tiền đã đầu tư hoặc chi tiêu cá nhân hết.

Dự báo thời gian tới tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến đầu tư đất sẽ tiếp tục tăng do thị trường bất động sản tiếp tục "đóng băng". Để hạn chế thấp nhất rủi ro và không bị kẻ gian lợi dụng, Phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân cần nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ về dự án, lô, thửa đất trước lúc đầu tư, chỉ giao dịch khi thửa đất có đầy đủ tính pháp lý. Khách hàng cần làm việc trực tiếp với chủ đầu tư hoặc người đại diện hợp pháp để có thông tin chính thống. Khi thực hiện các loại giao dịch, cần ký kết hợp đồng, có chứng kiến của cơ quan chức năng, không tùy tiện đặt tiền hoặc thực hiện các giao dịch khác với tổ chức, cá nhân không chính thống. Khi phát sinh tranh chấp cần giải quyết trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện hoặc khởi kiện ra tòa.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn thận sập bẫy lừa "bán vịt trời"