Pháp luật về khiếu nại, tố cáo

15/10/2010 05:14

Câu 6: Luật Khiếu nại, tố cáo quy định thời hiệu khiếu nại lần đầu là bao nhiêu ngày? Thời hạn khiếu nại lần 2 quy định như thế nào?

Trả lời:

- Điều 31 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 quy định: Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được hành vi hành chính. Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, đi học ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

- Thời hạn khiếu nại lần 2 được quy định tại điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 như sau: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết lần đầu hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có quyền giải quyết khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn nói trên có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Câu 7: Luật Khiếu nại, tố cáo quy định người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án không? Trong những trường hợp nào?

Trả lời: Người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án và được khởi kiện trong các trường hợp sau:

- Theo tinh thần của điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại khồng đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có quyền giải quyết khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn trên có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

- Theo tinh thần của điều 46 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần 2 mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn trên có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Câu 8: Luật Khiếu nại, tố cáo quy định luật sư có quyền và nghĩa vụ gì?


Trả lời:
Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo thì luật sư có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Luật sư có quyền tham gia vào quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại nếu người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật để khiếu nại.

2. Khi giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật, luật sư có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Giúp người khiếu nại viết đơn khiếu nại; cùng với người khiếu nại liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khiếu nại để thu thập tài liệu, bằng chứng; đưa ra bằng chứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

- Tham gia cùng người khiếu nại gặp gỡ, đối thoại với người giải quyết khiếu nại, người bị khiếu nại và những người khác có liên quan;

- Tham gia các giai đoạn khác trong quá trình giải quyết khiếu nại;

- Giúp người khiếu nại thực hiện các quyền của người khiếu nại theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

- Thực hiện theo đúng nội dung yêu cầu giúp đỡ của người khiếu nại cho phù hợp với quy định của pháp luật; không được kích động, cưỡng ép, mua chuộc, dụ dỗ người khiếu nại, khiếu nại sai sự thật hoặc lợi dụng quyền khiếu nại để xuyên tạc, vu khống, xâm phạm trật tự công cộng, gây thiệt hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Khi tham gia quá trình giải quyết khiếu nại, luật sư phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp và giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật của người khiếu nại.

(Còn nữa)

--------------------------
Xem từ số báo ra ngày 14-10-2010

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Pháp luật về khiếu nại, tố cáo