Cuốn sách theo sát hành trình cuộc đời của ông Phạm Thế Duyệt từ lúc là một cậu bé hiếu học nơi vùng quê nghèo đến hình ảnh chàng thanh niên kỹ sư mỏ luôn hết lòng với công việc...
Ông Phạm Thế Duyệt phát biểu tại lễ giới thiệu sách
Chiều 26.4, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ giới thiệu cuốn sách "Phạm Thế Duyệt - người thợ lò ngày ấy." Đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2021, đặc biệt hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1.5.1886-1.5.2021).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: "Tổ chức Công đoàn của chúng ta tự hào có một người thủ lĩnh như đồng chí Phạm Thế Duyệt; tự hào đã lựa chọn, đào tạo và giới thiệu cho Đảng một cán bộ ưu tú để trở thành một nhà chính trị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước..."
Theo ông Nguyễn Đình Khang, cuốn sách “Phạm Thế Duyệt - Người thợ lò ngày ấy” thay lời tri ân của tổ chức công đoàn đối với những đóng góp của ông Phạm Thế Duyệt, cũng là món quà có ý nghĩa gửi đến những thế hệ cán bộ công đoàn và người lao động cả nước, đặc biệt là những người thợ mỏ.
"Chúng ta tin tưởng rằng trong thời kỳ mới, vận hội mới, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp được dày công vun đắp từ các thế hệ cha anh đi trước, vươn lên giành được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ," ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Cuốn sách “Phạm Thế Duyệt - Người thợ lò ngày ấy” được giới thiệu đến bạn đọc trong tháng 4/2021 do Nhà Xuất bản Lao Động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ấn hành.
Đây là một tập truyện ký ghi lại chân thực cuộc đời, những đóng góp của ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ-Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.
Những câu chuyện, hình ảnh về ông Phạm Thế Duyệt được khắc họa qua tập truyện ký, ngoài việc góp thêm một phần tư liệu quý báu về các lãnh đạo, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, còn góp phần lan tỏa những hình ảnh này đến gần hơn với đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người lao động.
Với tựa đề giản dị, ngôn từ diễn đạt mộc mạc, gần gũi, cuốn sách theo sát hành trình cuộc đời của ông Phạm Thế Duyệt từ lúc là một cậu bé hiếu học nơi vùng quê nghèo đến hình ảnh chàng thanh niên kỹ sư mỏ luôn hết lòng với công việc, phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển của từng đơn vị, chia sẻ gian truân với công nhân, được sự tin yêu của đồng chí, đồng nghiệp; tiếp đến là hình ảnh một lãnh đạo ngành mỏ, luôn dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, góp phần thổi bùng hứng khởi lao động trong những người thợ, đưa đơn vị hoàn thành nhiệm vụ và ngày càng phát triển, đóng góp vào quá trình đổi mới đất nước.
Ông Phạm Thế Duyệt trao tặng sách cho Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang
Bên cạnh hình ảnh dung dị, đời thường, tác phẩm cũng làm toát lên khí chất của người cán bộ lãnh đạo trưởng thành trong lao động-sản xuất, trong đấu tranh, gần gũi quần chúng và lắng nghe quần chúng. Đó là một người lãnh đạo có phẩm chất nêu gương, khả năng hóa giải mâu thuẫn, tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ và sức mạnh tập thể, đồng thời luôn tận tâm, tận lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Trong Tháng Công nhân này, 2.000 cuốn sách “Phạm Thế Duyệt- Người thợ lò ngày ấy” sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp phát tới 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Đồng chí Phạm Thế Duyệt sinh ngày 10.8.1936, quê Thanh Miện (Hải Dương). Ông là sự tiếp nối của các thế hệ lãnh đạo xuất sắc của phong trào công nhân và tổ chức công đoàn như Nguyễn Đức Cảnh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Thuận…
Theo TTXVN