Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG với giá 8.900 tỉ đồng từ khi bắt đầu đến khi bị phát giác, khởi tố bị bao phủ bởi tấm màn đen "tài liệu mật".
Bị cáo Trương Minh Tuấn tại tòa
Sáng 18.12, phiên tòa xét xử hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) cùng các bị cáo trong vụ án MobiFone mua AVG tiếp tục với phần tham gia xét hỏi của các luật sư.
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi ông Trương Minh Tuấn về danh mục tài liệu mật của Bộ TTTT. Ông Tuấn khai khi về bộ thì không nắm được việc này. Đến năm 2016, khi nhận nhiệm vụ bộ trưởng, ông Tuấn yêu cầu rà soát thì Bộ TTTT chưa có danh mục tài liệu mật, sau đó ông Tuấn yêu cầu Vụ Pháp chế đề nghị Bộ Công an lập danh mục tài liệu mật.
"Có phải do yếu tố nhạy cảm và an ninh nên Bộ TTTT đã đề nghị đưa giao dịch này vào tài liệu mật?", luật sư Hoài đặt vấn đề.
Bị cáo Trương Minh Tuấn khẳng định việc đề xuất đưa giao dịch MobiFone - AVG vào danh mục tài liệu mật là theo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son. Bộ giao cho Vụ Quản lý doanh nghiệp chuẩn bị nội dung và ông Tuấn là người ký công văn này gửi sang Bộ Công an.
"Các văn bản trao đổi với Bộ Công an, MobiFone có biết không?", luật sư Hoài hỏi. "Tôi không biết, tôi chỉ được đọc các văn bản đó theo chỉ đạo của bộ trưởng, có bút phê. Còn bộ trưởng chuyển cho ai nữa thì đó là trách nhiệm của bộ trưởng", ông Tuấn đáp.
Theo cáo trạng, dù biết thực tế AVG đang làm ăn thua lỗ nhưng đầu năm 2015, ông Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo ông Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp) lên kế hoạch để MobiFone mua lại AVG.
Thời điểm đó, AVG và đối tác chưa gặp gỡ nhau để đàm phán việc mua bán, nhưng bị can Trọng đã lập tờ trình có nội dung: "Công ty AVG đã trao đổi, làm việc với Tổng công ty viễn thông MobiFone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho MobiFone".
Sau đó, Phạm Đình Trọng đề xuất 2 doanh nghiệp này không thông tin, không tuyên truyền dự án này và đưa giao dịch đó vào danh mục "mật" của Nhà nước.
Theo cáo buộc, các nội dung mà bị cáo Trọng đề xuất, trong đó gồm cả việc đưa giao dịch vào loại "mật" đều được 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đồng ý mà không kiểm tra, xem xét. Ông Trương Minh Tuấn là người ký văn bản gửi Bộ Công an liên quan đề xuất này.
Theo cáo trạng, việc MobiFone đầu tư dịch vụ truyền hình không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước, nhưng ông Nguyễn Bắc Son và các bị cáo đã đưa giao dịch này thuộc danh mục "mật" là trái quy định.
Trước đó, trong phần thủ tục, khi luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn) đề nghị HĐXX giải mật một số tài liệu chưa được giải mật, HĐXX cho biết phần lớn tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật đã được giải mật.
Tòa cũng có gửi văn bản tới một số cơ quan đề nghị giải mật một số tài liệu chưa được giải mật, song tới nay chưa nhận được kết quả. Tòa sẽ tiếp tục yêu cầu giải mật, các nội dung này cũng đã nêu trong kết luận thanh tra, kết luận điều tra.
"Anh Son gợi ý và phát lệnh ký hợp đồng mua AVG"
Tại tòa hôm nay, bị cáo Lê Nam Trà, nguyên chủ tịch HĐTV MobiFone, tiếp tục khẳng định cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là "đạo diễn" thương vụ mua 95% cổ phần AVG.
Bị cáo Trà khai về làm chủ tịch HĐTV MobiFone từ 1.1.2015, khi đó chưa biết AVG có ý định chuyển nhượng cổ phần. Sau này tiếp cận hồ sơ ông Trà mới biết.
"Trong cuộc họp của Bộ TTTT, anh Son có gặp tôi, có gợi ý và trao đổi việc AVG có nhu cầu bán cổ phần, cậu về cho anh em xem xét, báo cáo. Lúc đó tôi nói đã giao nhiệm vụ nghiên cứu về mua truyền hình cho anh Bảo Long phụ trách, anh Vinh phó tổng phụ trách đầu tư", bị cáo Trà khai.
"Tôi đã nói cái này họp HĐTV giao cho anh Hải ký hợp đồng nên bộ trưởng xem xét. Bộ trưởng vẫn yêu cầu tôi ký. Xuất phát từ việc không muốn tranh cãi giữa tôi là chủ tịch và anh Hải là tổng giám đốc trước mặt bộ trưởng, và căn cứ theo quyết định, ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng, và ký hợp đồng chỉ là khâu cuối cùng, nên tôi đã ký".
Theo lời khai của bị cáo Trà, trong cuộc họp ngày 25.12.2015, việc ký hợp đồng không có trong lịch dự kiến. Bản thân là chủ tịch HĐTV nhưng bị cáo không biết sẽ có buổi ký hợp đồng này. "Tuy nhiên do bộ trưởng Son đã phát lệnh nên chỉ khoảng một tiếng là ký hợp đồng", bị cáo Trà phân trần.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc làm đơn xin tự khai báo và khắc phục hậu quả 100%, bị cáo Trà nói: "Tất cả áp lực đè lên tôi trong suốt 2 năm, chính vì thế tôi thấy mình cần có trách nhiệm khai báo để thanh thản, tôi chấp nhận tự thú và tự nguyện khai báo để giúp cho mọi việc sáng tỏ".
Theo Tuổi trẻ