Tổng thống Donald Trump chỉ viết một câu tweet gợi ý về việc hoãn bầu cử tối 30.7 đã kéo vô vàn những tranh luận và nhiều bài viết đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố trên báo chí Mỹ trong 24 giờ sau đó.
"Nếu tiến hành bỏ phiếu qua thư một cách phổ quát (khác với bỏ phiếu vắng mặt, cái mà tôi cho là tốt), bầu cử 2020 sẽ là cuộc bầu cử không chính xác và gian lận nhất trong lịch sử Mỹ, một sự xấu hổ cho đất nước này. Hoãn bầu cử đến khi người dân có thể bỏ phiếu đúng cách, an toàn và đáng tin cậy thì sao nhỉ???", Tổng thống Trump viết vậy, gây ra bao tranh luận rùm beng.
Tuy nhiên ngày 31.7, ông lại đính chính rằng ông không hề muốn dời lại ngày bầu cử Tổng thống và đổ lỗi cho truyền thông đã cố tình hiểu sai ý ông.
Gợi ý và đính chính
Hầu hết những người chỉ trích Tổng thống Trump chỉ xoáy vào từ "trì hoãn bầu cử" mà không thèm chú ý vào 3 dấu hỏi trong câu của ông. Vài tờ báo còn vẽ ra viễn cảnh một cuộc khủng hoảng hiến pháp sắp sửa xảy ra, khi Tổng thống muốn tranh giành quyền hiến định của Quốc hội.
CNN và số ít tên tuổi khác trong làng báo Mỹ cho rằng vấn đề không phải là chuyện ông Trump muốn trì hoãn cuộc bầu cử sắp tới. Vấn đề nằm ở "bỏ phiếu qua thư" (mail-in ballots) và "bỏ phiếu vắng mặt" - hai hình thức bỏ phiếu của cử tri Mỹ đều qua đường bưu điện mà ông Trump cho rằng rất dễ gây gian lận.
Sau khi đính chính không muốn hoãn bầu cử trong họp báo sáng 31.7, ông Trump đã lên Twitter viết rằng người dân Mỹ cần được biết kết quả bầu cử ngay trong đêm bỏ phiếu, không phải "ngày mai, ngày mốt hay tháng tới, tháng tới nữa".
Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Trump có ý đúng khi nói điều này, vì quá trình kiểm phiếu gửi qua đường bưu điện đôi khi mất nhiều thời gian hơn phiếu bỏ trực tiếp. "Phe Dân chủ luôn nói về sự can thiệp của nước ngoài trong bầu cử, nhưng họ biết bỏ phiếu qua thư là cách dễ dàng để nước ngoài thao túng cuộc chơi", ông Trump lập luận trong một tweet khác.
Đài CNN cho rằng vì dự kiến số cử tri bỏ phiếu qua thư năm nay "rất đông", nên ông Trump mới tung ra thuyết âm mưu "nước ngoài làm giả phiếu bầu" để nêu quan ngại về "gian lận bầu cử". Thậm chí nhiều người cho rằng ông Trump lo sẽ thất cử nên muốn dời ngày bầu cử.
Hệ thống bầu cử phức tạp
Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã lên hơn 4,6 triệu, một số bang như California đã cho phép người dân không cần bỏ phiếu trực tiếp trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Về bản chất, "bỏ phiếu qua thư" hay "bỏ phiếu vắng mặt" không có gì khác biệt khi cử tri không cần trực tiếp tới điểm bỏ phiếu.
"Bất kể bạn gọi tên nó là gì, hai hình thức này về cơ bản là giống nhau. Bạn yêu cầu phiếu bầu từ chính quyền, bạn nhận được một lá phiếu, bạn điền vào phiếu rồi gửi phong bì đi. Cả hai đều được bảo mật" - ông David Becker, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và đổi mới bầu cử Mỹ, nhận định với CNN.
Theo tiến sĩ Darrell M. West thuộc Viện Brookings (Mỹ), đến thời điểm hiện tại chỉ có 5 bang là Colorado, Oregon, Washington, Utah và Hawaii cho phép cử tri "bỏ phiếu qua thư" trong tất cả các cuộc bầu cử liên bang. Ít nhất 22 bang còn lại cho phép bỏ phiếu vắng mặt trong một số cuộc bầu cử nhất định nhưng cử tri phải có lý do chính đáng, phải đăng ký trước với chính quyền.
Thống kê của Viện Brookings cho thấy khoảng 33 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 là phiếu gửi qua đường bưu điện. Kỳ bầu cử năm nay, một số bang đã chấp nhận lý do "COVID-19" đối với các cử tri muốn "bỏ phiếu vắng mặt".
Theo CNN, Đảng Cộng hòa thường chiếm ưu thế tại những địa phương có đông phiếu bầu qua đường bưu điện. Cũng theo đài này, ông Trump rất sợ nhân rộng hình thức "bỏ phiếu qua thư" ra toàn quốc vì cho rằng những người thất vọng với các chính sách của ông nhưng không có dịp bỏ phiếu trực tiếp sẽ nhân đây thể hiện quan điểm.
Tổng thống không có quyền đổi ngày bầu cử
Sau câu viết của ông Trump, vô số câu hỏi và sau đó khẳng định Tổng thống Trump không có quyền thay đổi ngày bầu cử bằng cách ban sắc lệnh hành pháp. Quốc hội Mỹ có thể làm điều đó nếu họ muốn, nhưng quá trình sẽ khó khăn vì vấp phải những vấn đề phức tạp về pháp lý và hiến pháp.
Theo Bloomberg, nếu không có cuộc bầu cử nào được tổ chức, sẽ tùy thuộc cơ quan lập pháp cấp bang quyết định cách thức bỏ phiếu của bang và họ có thể chọn ai. Và bước cuối cùng trong quá trình chọn ra Tổng thống là tại Quốc hội Mỹ.
Đồng thời cũng có một hạn chót mà không thể thay đổi nếu không sửa đổi hiến pháp. Đó là ngày tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ kết thúc vào trưa 20.1.2021, dù bầu cử có được tổ chức hay không. Nếu sau thời điểm đó vẫn không có Tổng thống hay Phó Tổng thống được chọn ra, Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ trở thành Tổng thống.
Theo Tuổi trẻ