Tỷ phú Gautam Adani - người đã biến một doanh nghiệp buôn bán hàng hóa nhỏ thành một tập đoàn kinh doanh cảng, mỏ và năng lượng xanh - đã trở thành người giàu nhất châu Á.
Giá trị tài sản ròng của Gautam Adani đạt 88,5 tỷ USD vào ngày 7.2
Theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg, giá trị tài sản ròng của ông Gautam Adani, 59 tuổi, đã đạt 88,5 tỷ USD vào ngày 7/2, vượt qua con số 87,9 tỉ USD của tỷ phú đồng hương Mukesh Ambani. Với khối tài sản cá nhân tăng gần 12 tỉ USD, ông Adani đã trở thành người có giá trị tài sản tăng nhanh nhất thế giới trong năm nay.
Từng có dự án khai thác mỏ gây tranh cãi ở Australia, thu hút sự chú ý của nhiều nhà hoạt động khí hậu, ông trùm ngành than Ấn Độ đã chú ý đến tiềm năng của những lĩnh vực khác ngoài nhiên liệu hóa thạch. Ông dần chuyển sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, sân bay, trung tâm dữ liệu và hợp đồng quốc phòng. Đây đều là những ưu tiên quan trọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đối với việc xây dựng quốc gia và đáp ứng các mục tiêu kinh tế dài hạn của đất nước.
Ông Deepak Jasani, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu bán lẻ tại công ty môi giới HDFC Securities (Ấn Độ) cho biết: “Tập đoàn Adani đã phát hiện và tham gia vào tất cả các lĩnh vực đúng thời điểm. Điều này đã thu hút một nhóm nhà đầu tư nước ngoài có chọn lọc tham gia. Đây là những ngành hút vốn và công ty gặp ít khó khăn trong việc huy động vốn để mở rộng”.
Một số cổ phiếu niêm yết của Adani Group đã tăng hơn 600% trong 2 năm qua khi đặt cược vào việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh. Giới đầu tư đặt cược rằng việc tập trung cho cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh của ông Adani sẽ được đền đáp khi Thủ tướng Modi tìm cách hồi sinh nền kinh tế 2,9 nghìn tỷ USD, cũng như phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2070.
Trong khi năm 2020 được coi là năm của tỷ phú Ambani, khi Tập đoàn khí hóa dầu Reliance Industries của ông đã tạo ra khối tài sản hàng tỷ USD nhờ việc xoay trục sang công nghệ. Giờ đây, cả 2 tỷ phú Ấn Độ - những người đã xây dựng đế chế của mình trên nhiên liệu hóa thạch và than - đang cùng hướng tới việc thúc đẩy các dự án năng lượng xanh. Ông Ambani hứa chi 10 tỷ USD trong 3 năm tới theo một phần của kế hoạch đầu tư hơn 76 tỷ USD cho năng lượng tái tạo. Tỷ phú Adani cũng cam kết đầu tư tổng cộng 70 tỷ USD vào năm 2030 để giúp tập đoàn của ông trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.
Hồi tháng 3.2021, Quỹ Warburg (Mỹ) cho biết họ sẽ đầu tư 110 triệu USD để đổi lấy khoảng một nửa số cổ phần của Adani Ports và Special Economic Zone.
Là một phần trong nỗ lực xanh của mình, ông Adani đã tiết lộ kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo của mình lên gần gấp 8 lần vào năm 2025. Hồi tháng 5.2021, Adani Green đã đồng ý mua mảng kinh doanh năng lượng tái tạo địa phương của SoftBank Group có giá trị lên tới 3,5 tỷ USD.
Chỉ trong vòng 3 năm, ông trùm ngành than Adani đã nắm quyền điều hành 7 sân bay và gần 1/4 lưu lượng hàng không của Ấn Độ. Tập đoàn của ông hiện sở hữu nhà điều hành sân bay, máy phát điện và nhà bán lẻ khí đốt lớn nhất đất nước trong khu vực ngoài quốc doanh.
Cổ phiếu của Adani Green và Adani Total Gas đã tăng hơn 1.000% kể từ đầu năm 2020, Flagship Adani Enterprises đã tăng hơn 730%, Adani Transmission tăng hơn 500% và Adani Ports tăng 95% trong giai đoạn này.
Từng bỏ học đại học, ông Adani lần đầu tiên thử vận may trong ngành kim cương ở Mumbai vào đầu những năm 1980. Sau đó, ông trở về bang Gujarat, quê hương của mình để giúp anh trai mình điều hành công việc kinh doanh nhựa. Năm 1988, ông thành lập Adani Enterprises.
Tỷ phú Adani cũng đã may mắn sống sót sau nhiều biến cố. Hơn 2 thập kỷ trước, ông từng bị bắt cóc và giữ làm con tin để đòi tiền chuộc. Năm 2008, ông là một trong những con tin tại khách sạn Taj Mahal Palace ở Mumbai trong vụ khủng bố giết chết ít nhất 166 người.
Theo báo Tin tức