Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ dự kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong được trao trả về Trung Quốc. Dự kiến có biểu tình lớn ở vùng lãnh thổ Hong Kong.
Treo cờ Trung Quốc và cờ Hong Kong tại một làng ở Hong Kong đón kỷ niệm 20 năm trao trả về Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Theo thông tin của Tân Hoa xã phát đi sáng 25.6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Hong Kong từ ngày 29.6 đến 1.7 để dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong được Anh trao trả về với Trung Quốc
Đây là chuyến thăm Hong Kong đầu tiên của ông Tập trên cương vị Chủ tịch nước. Theo đài CNN, nhiều khả năng sẽ có những cuộc biểu tình lớn “chào đón” ông Tập.
Lo biểu tình lớn
Theo Tân Hoa xã, trong thời gian ở Hong Kong, ông Tập sẽ đến thăm ủy lạo lực lượng binh sĩ Trung Quốc đang trú đóng tại đây, thăm dự án xây dựng Trung Quốc-Hong Kong và dự lễ tuyên thệ nhậm chức Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong của bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) vào ngày 1.7.
Ông Tập cũng sẽ dự buổi lễ hoành tráng kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong trở về với Trung Quốc.
Theo đài CNN, dự kiến sẽ có những cuộc biểu tình lớn nên trong nhiều tháng qua, cảnh sát Hong Kong đã tập luyện cùng cảnh sát tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc cho công tác phối hợp đảm bảo an ninh.
Còn theo tờ Minh Báo của Hong Kong, cảnh sát Hong Kong cũng đã được chỉ thị xóa bỏ và ngăn chặn “những hình ảnh và ngôn từ nhạy cảm” có khả năng gây cản trở cho chuyến thăm.
Công dân tuổi 20 Ludovic Chan của Hong Kong - Ảnh: Reuters |
Hứa đầu tư tiếp
Tại buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm cho bà Carrie Lam tổ chức sáng 11.4 vừa qua, ở tòa nhà Trung Nam Hải ở Thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết chính quyền Bắc Kinh muốn tập trung vào phát triển và cải thiện dân sinh cho Hong Kong, đồng thời duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hong Kong
Chẳng hạn, báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc năm nay đã đưa ra nội dung quy hoạch khu quần thể đô thị Quảng Đông - Hong Kong - Macau, bao gồm 9 thành phố Quảng Châu, Phật Sơn, Triệu Khánh, Thâm Quyến, Đông Quản, Huệ Châu, Chu Hải, Trung Sơn, Giang Môn và hai Đặc khu hành chính Hong Kong, Macau và trong năm nay sẽ ban hành “trái phiếu liên thông”.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khẳng định Chính phủ Trung ương sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Chính quyền Đặc khu Hong Kong phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa đại lục và Hong Kong.
Tuy nhiên, một báo cáo của Hong Kong công bố ngày 9.6 cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Hong Kong đã nới rộng ra cao nhất trong gần 50 năm trở lại đây. Giới chuyên gia cảnh báo điều kiện sống thiếu thốn tiềm ẩn kéo theo những vấn đề xã hội phức tạp.
Tiềm ẩn rủi ro
Báo cáo công bố 5 năm/lần của cơ quan thống kê Chính quyền Hong Kong sử dụng phương pháp tính toán mang tên Gini Co - dùng để đánh giá sự bất bình đẳng, cách biệt giàu - nghèo trong xã hội.
Chỉ số Gini ở mức 0 tương đương bình đẳng tuyệt đối trong khi 1.0 đồng nghĩa với toàn bộ tài sản xã hội nằm trong tay 1 người. Theo báo cáo trên, chỉ số Gini của Hong Kong đã tăng lên mức 0,539 trong năm 2016 so với mức 0,537 của năm 2011. Đây cũng là con số cao nhất tính từ năm 1971.
Số liệu ngày 9.6 của Cơ quan Thống kê Hong Kong cho biết xóa nghèo và hỗ trợ những người khó khăn là "ưu tiên trong chương trình nghị sự của Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong".
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chỉ số Gini cho thấy phát triển kinh tế trong 20 năm qua đã không giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại Hong Kong hay giúp xã hội trở nên công bằng hơn. Bất bình đẳng thu nhập vẫn là vấn đề nổi cộm trong xã hội này.
Một con đường mua sắm ở Hong Kong trong tháng 6.2016 - Ảnh: Reuters |
Được biết, trước tình trạng mức vật giá và chi phí sinh sống "cao ngất ngưởng" vượt mức lương trung bình của người dân, nhiều gia đình đa thế hệ của Hong Kong đang buộc phải chung sống trong những căn hộ nhỏ hẹp và chật chội.
Trong khi đó, Hong Kong tiếp tục được bình chọn là nền kinh tế tự do nhất thế giới. Theo Báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế toàn cầu năm 2017” của Quỹ Heritage Foundation (Mỹ) hồi tháng 2 vừa qua, tổng điểm của Hong Kong năm 2017 là 89,8/100 điểm đứng thứ nhất và cao hơn 1,2 điểm so với năm 2016, đồng thời cao hơn nhiều so với điểm số bình quân toàn cầu (60,9 điểm).
Trong số 12 yếu tố đánh giá mà báo cáo nêu ra, Hong Kong đã có 8 yếu tố giành được thành tích tốt với 90 điểm trở lên, đồng thời được giành được vị trí số 1 thế giới về các khía cạnh “tài chính lành mạnh”, “tự do thương mại” và “tự do tài chính” trong cuộc bình chọn của Quỹ Heritage Foundation đối với 180 nền kinh tế trên toàn cầu, trong đó chỉ số “tài chính lành mạnh” giành được điểm tối đa (100/100 điểm).
Theo Tuổi trẻ