Cháu đã khóc khi viết những dòng này nhưng không phải vì buồn mà là vì cháu cảm thấy quá hạnh phúc. Cháu đã có một người ông thật tuyệt vời. Có lẽ ông hiểu cháu yêu quý ông đến mức nào dù tình yêu ấy không nói nên lời nhưng cháu muốn ông đọc được những dòng chữ này.
Cháu luôn cố gắng chăm chỉ suốt tuần học mong tới ngày chủ nhật được đến nhà ông ngoại chơi. Dù cháu là một đứa hiếu động, ít khi ngồi lâu một chỗ nhưng không hiểu sao cháu rất ngoan mỗi khi ngồi nghe ông kể chuyện. Mỗi khi ông khoe với cháu những bài thơ mới của ông, dù cháu không hiểu hết ý thơ nhưng cháu thấy rất hào hứng. Cháu cố gắng học thuộc rồi cố gắng hiểu. Ông thích thơ và ông đã truyền cho cháu tình yêu ấy. Từ khi cháu còn học mẫu giáo, ông đã dạy cháu những bài thơ, nhưng cháu thật trẻ con vì bài thơ nào khó thì không thèm học thuộc. Hồi cháu học lớp 3, ông tặng cháu một bài thơ, khi cháu đọc nó vào ngày 20-11 các bạn đã khen và xin cháu bài thơ đó. Cháu tự hào khoe với các bạn: “Bài thơ đó là của ông ngoại tớ làm đấy”. Cháu đã lớn hơn, cháu có thể cùng ông ngồi bàn luận về một câu chuyện hay một bài thơ. Cháu nói với ông những thắc mắc của cháu để rồi được nghe nhiều lời giải đáp thú vị từ ông.
Cháu đã từng rất chăm nhổ tóc trắng cho ông, nhưng tóc ông có quá nhiều sợi bạc, cháu sợ nếu cứ nhổ thì ông sẽ hết tóc mất. Ông cũng không được khỏe như trước nữa. Ông phải đi bệnh viện nhiều hơn, ông bị đau chân, huyết áp cao, mắt kém, ông yếu đi nhiều rồi. Cháu càng lớn thì càng không đủ can đảm nhìn vào mắt ông, đôi mắt cận thị quá nặng và hay chảy nước.
Những ngày ông ở bệnh viện, mẹ cháu tất bật đi đi về về. Cháu nhìn thấy đôi mắt mẹ lúc thâm quầng vì thức đêm, lúc lại đỏ mọng vì khóc. Cháu biết mẹ lo lắng cho ông, cháu thương ông nhưng không biết làm thế nào. Cháu đòi mẹ cho đến bệnh viện thăm ông. Cháu nắm đôi bàn tay gân guốc của ông, đôi tay ấy ông từng dạy cháu đánh đàn, đôi tay ấy đặt lên vai cháu khi cháu thất vọng... Cháu ngồi kể cho ông nghe những câu chuyện vui, chuyện học hành. Và ông đã cười, cháu rất hạnh phúc.
Đã không ít lần cháu làm những người yêu thương cháu buồn nhưng ông đã nói: “Ông tin cháu của ông, cháu là đứa cháu ngoan, rồi cháu sẽ sửa sai được”. Niềm tin ấy là một điều gì đó rất thiêng liêng, nó có sức mạnh hơn tất cả. Niềm tin ấy khiến cháu có trách nhiệm hơn, mỗi khi bắt đầu làm việc gì cháu cũng nghĩ đến niềm tin ấy, gìn giữ nó như một quả cầu thủy tinh. Vì cháu sợ đánh vỡ nó nên đã luôn cố gắng để ông tự hào về cháu.
Cháu không thể ngồi vào lòng ông như ngày còn bé, nhưng mỗi lần đến thăm ông cháu vẫn muốn được ôm ông. Cháu vẫn nhớ khi cháu nói: “Sau này cháu sẽ kiếm thật nhiều tiền để nuôi ông”, ông đã cười thật tươi. Ông ơi, ông hãy giữ nụ cười ấy, cùng niềm tin về đứa cháu này của ông, ông phải sống thật khỏe để đợi tới ngày đó, ông nhé!
Hà Năng Nguyên (lớp 9B, Trường THCS Ninh Thành, Ninh Giang)